Bất cập hậu cần nghề cá

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/08/2019 09:53

Số lượng tàu lớn của Quảng Nam đang sản xuất ở các vùng biển xa đã chạm ngưỡng theo phân cấp của Bộ NN&PTNT là 782 tàu cá. Năng lực sản xuất của nghề cá luôn đạt hơn 80 nghìn tấn/năm nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao do yếu kém về hậu cần. Quảng Nam đang khắc phục điểm yếu này để phát triển bền vững.

Khu neo đậu tàu cá không đảm bảo khiến ngư dân bất an. Ảnh: QUANG VIỆT
Khu neo đậu tàu cá không đảm bảo khiến ngư dân bất an. Ảnh: QUANG VIỆT

TÀU LỚN KHÔNG NƠI NEO ĐẬU

Không dự lường được tốc độ phát triển chóng mặt của nghề cá nên Quảng Nam đã thiết kế, xây dựng các khu neo đậu tàu cá vừa thiếu vừa yếu khiến ngư dân nơm nớp lo lắng mất an toàn.

Thiếu ở nhiều nơi

Xã Tam Tiến là một trong những địa bàn trọng yếu của nghề cá huyện Núi Thành với gần 500 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 76 tàu lớn sản xuất ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng đến nay chưa có khu neo đậu tàu cá nào ở đây. Mỗi khi có bão, ngư dân nơm nớp đưa tàu vào bất kỳ chỗ nào kín gió để neo đậu tạm bợ. Các sự cố tàu cá lớn nhỏ va đập mạnh vào nhau gây chìm tàu, vỡ be không hiếm trong thời gian qua. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến lo lắng: “Không có chỗ neo đậu tàu cá là rất bất cập. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất huyện, tỉnh quan tâm, huy động vốn, đầu tư nhưng vẫn bế tắc”.

Âu thuyền Bình Dương (thôn 1, xã Bình Dương) được tỉnh đầu tư năm 2013 để phục vụ nhu cầu neo đậu tàu cá tránh trú bão của ngư dân huyện Thăng Bình nhưng hiện um tùm cỏ dại. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhu cầu neo đậu tàu cá của ngư dân Thăng Bình, gồm các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam là rất lớn nhưng do đầu tư âu thuyền không đúng chỗ, đã bị bồi lấp từ nhiều năm qua nên không thể sử dụng được. Mỗi mùa bão lũ, ngư dân phải đưa tàu thuyền đến các địa phương khác “tá túc”. Do ở quá xa, không thể túc trực thường xuyên nên đã xảy ra các sự cố chìm tàu đáng tiếc.

Âu thuyền Hồng Triều sẽ được kết nối với cảng cá thành khu hậu cần nghề cá. Ảnh: QUANG VIỆT
Âu thuyền Hồng Triều sẽ được kết nối với cảng cá thành khu hậu cần nghề cá. Ảnh: QUANG VIỆT

Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, đã đề xuất tỉnh, huyện bố trí kinh phí, cải tạo lại âu thuyền đồng thời nạo vét sông Trường Giang để khơi thông luồng lạch, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân vào neo trú nhưng chưa được thông qua. Về điều này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, rất khó kiện toàn lại âu thuyền Bình Dương vì tốn quá nhiều kinh phí nạo vét sông Trường Giang cũng như sửa chữa, đầu tư lại các trụ neo đậu tàu, kè chắn sóng... Vả lại, ngư dân Thăng Bình đã neo đậu tàu cá ở âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) nhiều năm qua.

Không an toàn

Ở xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, âu thuyền Cù Lao Chàm là nơi tàu cá vào neo đậu khi gặp bão bất ngờ. Ban đầu, âu thuyền này có diện tích 1,5ha, sau đó được cải tạo, mở rộng lên 2ha. Tuy nhiên, âu thuyền này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu tránh trú bão của tàu cá có công suất từ 200CV trở xuống nên rất ít có tàu cá xa bờ công suất lớn vào neo đậu.

Cũng ở TP.Hội An, khu neo đậu tàu cá Cẩm Nam dành cho tàu cá ngư dân ở khu vực phía bắc tỉnh cũng như tàu các tỉnh khác trong các tình huống khẩn cấp. Nhưng khu neo đậu này cũng chỉ đảm bảo an toàn cho tàu cá có công suất dưới 200CV vào neo đậu. “Tàu cá hiện chủ yếu có công suất từ 400CV trở lên nên hiếm có ngư dân nào dám đưa tàu vào neo đậu ở Cẩm Nam. Luồng lạch vào ra khu neo đậu cũng đã bị bồi lấp nhiều chỗ nên rất bất cập” - ngư dân Nguyễn Vạn (phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-92376 có công suất 718CV nói.

Xã Tam Quang (huyện Núi Thành) là địa phương có nhiều tàu vỏ thép nhất tỉnh. Các chủ tàu vỏ thép thường trực nỗi lo toan về chỗ neo đậu. Anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang) - chủ tàu vỏ thép QNa-91039 kể, bão đi kèm với lũ năm trước đã khiến sông Trường Giang đoạn qua địa bàn như biển nước khổng lồ. Ngư dân đã phải túc trực 24/24 giờ để điều tàu đến neo đậu nơi an toàn nhất có thể. “Khu neo đậu An Hòa khi thời tiết bình thường thì không thể đưa tàu vỏ thép vào neo đậu vì luồng lạch cạn. Khi có bão, lũ, có thể đưa tàu vỏ thép vào được nhưng các trụ neo quá gần, tàu này với tàu khác va đập mạnh rất dễ chìm hoặc bị hỏng. Khu neo đậu này chỉ có thể đảm bảo an toàn cho tàu dưới 400CV, trong khi đó tàu vỏ thép của chúng tôi có công suất hơn 800CV nên đành chịu không thể vào” - anh Hùng nói.

Theo Sở NN&PTNT, các âu thuyền, khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh được thiết kế, xây dựng cách đây đã hơn 5 năm. Lúc đó, tàu cá của ngư dân có công suất nhỏ, chủ yếu là dưới 200CV, rất phù hợp. Nay, tàu cá của ngư dân đã có công suất lớn, vượt mức an toàn theo thiết kế âu thuyền nên phát sinh bất cập. “Tốc độ phát triển của nghề cá Quảng Nam là quá nhanh. Vì vậy, việc nâng cấp, sửa chữa các khu neo đậu tàu cá là hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu của ngư dân, hướng đến phát triển bền vững” - ông Ngô Tấn nói.

LO TOAN VỚI CẢNG CÁ

Hiện chỉ có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) được Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản nhưng rất ít tàu cá cập cảng. Ở các địa phương khác chỉ có bến cá nhỏ lẻ, không đáp ứng yêu cầu, báo động ô nhiễm môi trường.

Ngư dân bán hải sản tự phát tại cầu cảng ở xã Tam Quang. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngư dân bán hải sản tự phát tại cầu cảng ở xã Tam Quang. Ảnh: QUANG VIỆT

Bến cá quá tải

Mỗi năm, ngư dân xã Tam Tiến đánh bắt được hơn 10 nghìn tấn hải sản nhưng trên địa bàn chỉ có bến cá ở thôn Hà Lộc. Ở bến này, chủ yếu chỉ diễn ra mua bán hải sản sau khi các tàu thuyền nhỏ cập bờ. Các tàu lớn không thể cập bến cá này vì không có cầu và chỗ tập kết. Bến cá Hà Lộc hình thành tự phát, thực chất chỉ là chợ nhỏ sát biển, chưa được đầu tư, vận chuyển hải sản gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho rằng, nhu cầu mua bán hải sản trên địa bàn rất lớn nhưng bến cá Hà Lộc quá nhỏ, không đáp ứng nổi. “Nếu Nhà nước đầu tư cảng cá thì một số doanh nghiệp sẽ xin phép đầu tư bán ngư lưới cụ, xăng dầu, đá cây, lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất nghề cá ngày một phát triển hơn. Khu sửa chữa tàu cá có thể sẽ hình thành quanh cảng cá, rất ưu việt vì đa mục tiêu” - ông Luận nói.

Buổi sáng, hàng trăm tàu cá lớn, nhỏ của các ngư dân huyện Thăng Bình lần lượt cập bến cá Tân An (xã Bình Minh) để bán hải sản. Các loại cá, mực nhiều vô kể nhưng bến cá lại quá nhỏ, hạ tầng quá sơ sài. “Bến cá cũ này chưa có đường, chưa có chỗ tập kết tàu cá. Việc khiêng vác, vận chuyển hải sản trên cát rất khó khăn. Nước thải chảy lênh láng, gây ô nhiễm môi trường. Mong Nhà nước đầu tư cảng cá Tân An, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá ở Bình Minh nói riêng, toàn huyện nói chung” - ông Phan Phước Đồng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói.   

Bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) sầm uất người, xe, tàu cá, chộn rộn bán mua hải sản từ rạng sáng cho đến quá trưa. Cảnh mua bán hải sản diễn ra tấp nập nhưng bến cá thì quá nhỏ, kéo dài vài chục mét dọc sông Thu Bồn giáp với biển Cửa Đại (Hội An). Theo quan sát của chúng tôi, các tàu thu mua hải sản về sơ chế ngay trên sàn, tất cả đồ phế thải, nước rửa hải sản đều đổ xuống sông. Dọc hai bên bờ sông, hàng trăm tàu cá đang neo đậu, thu mua đá cây, lương thực, thực phẩm, nước uống để chuẩn bị cho chuyến ra khơi cũng đã xả rác sinh hoạt, đặc biệt là túi ny lon xuống sông gây ô nhiễm cả trên bờ lẫn dưới nước.

Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, bến cá An Lương quá tải, ô nhiễm lâu nay vì phục vụ nhu cầu mua bán hải sản và tiếp nhiên liệu, đá cây, các nhu yếu phẩm cho chuyến biển của ngư dân. Chính quyền xã luôn luôn vận động, tuyên truyền ngư dân bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi. “Vận động ngư dân thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ chúng tôi đâu thể xử phạt được. Điều cốt yếu là Nhà nước đầu tư, nâng cấp thành cảng cá quy mô, thành lập ban quản lý để điều tiết bài bản hơn” - ông Thống nói.

Bán mua tự phát

Hầu hết ngư dân các xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) đều cập các cầu cảng tư nhân ở xã Tam Quang để bán hải sản vì trên địa bàn chưa có cảng cá. Giá hải sản không được niêm yết, ngư dân và tư thương tự thỏa thuận. “Đặc thù của chúng tôi là bám biển dài ngày nên khi về bờ phải cấp tập bán hải sản chứ để lâu thì giảm chất lượng, giá bán thấp. Nhiều khi tư thương hạ giá mình cũng “bấm bụng” mà chịu chứ biết làm sao. Ngư dân ngày càng gặp khó vì giá cả đầu vào tăng chóng mặt còn giá hải sản đầu ra thì bị o ép suốt” - ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu lưới vây QNa-91594 nói.

Xã Tam Quang cũng là trọng điểm mua bán các nhu yếu phẩm cho chuyến biển nhưng hoạt động tự phát. Giá xăng dầu, đá cây, nhiên liệu, thực phẩm, nước uống... “nhảy múa” liên tục, do người bán đơn phương làm giá còn ngư dân thì do không đủ tiền để mua, phải ứng trước nên đành chịu. Đã có nhiều chuyện phức tạp xảy ra do ngư dân bị ép giá bán, lâm nợ. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, do mua bán tự phát nên việc truy xuất nguồn gốc hải sản chưa thể thực hiện. “Truy xuất nguồn gốc hải sản là chuyên nghiệp hóa nghề cá, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là xuất khẩu. Tuy nhiên, cả ngư dân lẫn tư thương đều chưa có nhu cầu truy xuất nguồn gốc hải sản nên giá trị hải sản bị giảm” - ông Thịnh nói.

Cảng cá An Hòa đầu tư trên địa bàn xã Tam Giang được kỳ vọng là nơi tập trung đông đảo tàu cá mua bán hải sản theo giá niêm yết dưới sự quản lý của ban quản lý cảng cá. Tuy nhiên, cảng cá này chỉ là nơi tập kết của các tàu cá theo nghề câu mực. Các tàu cá theo nghề lưới vây, lưới cản, lưới rê... thì không cập cảng này vì không có đầu mối tiêu thụ hải sản cũng như các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy vậy, cảng cá An Hòa là cảng cá duy nhất của tỉnh được Bộ NN&PTNT chỉ định truy xuất nguồn gốc hải sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về “thẻ vàng” thủy sản. Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam kiêm Phó Giám đốc phụ trách cảng cá An Hòa cho biết, do đặc thù nghề cá quy định nên hoạt động của cảng cá còn nhỏ, lãng phí. “Không truy xuất nguồn gốc hải sản sẽ dẫn đến hệ lụy tự cô lập nghề cá, chỉ sản xuất nhỏ lẻ nội địa. Chúng tôi sẵn sàng giúp ngư dân, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc hải sản nếu họ có nhu cầu và cập cảng bán hải sản” - ông Định nói.

HÌNH THÀNH HAI KHU HẬU CẦN NGHỀ CÁ

Quảng Nam đang và sẽ đầu tư hình thành 2 khu hậu cần nghề cá đồng bộ các dịch vụ ở phía bắc và phía nam của tỉnh với kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.

Phối cảnh cảng cá Tam Quang. Ảnh: QUANG VIỆT
Phối cảnh cảng cá Tam Quang. Ảnh: QUANG VIỆT

Tất yếu

Cảng cá Tam Quang đang được xây dựng. Đây là cảng cá loại 1, thu hút tàu cá đánh bắt hải sản của tỉnh và khu vực duyên hải miền Trung tập trung, làm đầu mới phân phối hàng hải sản cho cả khu vực đồng thời cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng cá này có quy mô lớn, đầu tư bến cảng cập tàu công suất 1.000CV dạng bến liền bờ, dài 50m, rộng 10,5m; bến nhập cho tàu có công suất 90CV dài 130m, rộng 6,5m; bến xuất cho tàu 90CV, dài 74m, rộng 6,5m. Hiện tại, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam đang nạo vét khu nước trước bến đến luồng nhằm đảm bảo độ sâu -5m, kết hợp với san nền, đầu tư hệ thống đèn báo hiệu. Đường trục chính vào cảng có chiều dài 176m, rộng 26m và đường dọc cảng có chiều dài 250, rộng 13,5m cũng đang được chủ đầu tư dự án triển khai.

Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam cho biết, cảng cá Tam Quang được đầu tư theo phương thức công - tư, ngân sách đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư và quản lý các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến nay, tỉnh đã đầu tư được 30% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào tháng 7.2020 để bàn giao cho Công ty TNHH Đại Dương Xanh đầu tư các loại hình dịch vụ, dự kiến cảng cá chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10.2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, năng lực khai thác hải sản của tàu cá trên địa bàn tỉnh đã phát triển đến mức đạt ngưỡng. Tuy nhiên, đáng tiếc là giá trị kinh tế thu được chưa tương xứng do yếu kém về hậu cần nghề cá. Do đó, xu hướng tất yếu của phát triển đòi hỏi phải kiện toàn lại hậu cần nghề cá của tỉnh. Theo đó, khi cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ thu mua hải sản theo giá niêm yết và sẽ sơ chế, phân phối khắp vùng duyên hải miền Trung. Các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, đá cây, lương thực, thực phẩm, gas, ngư lưới cụ cũng sẽ đi vào hoạt động, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất của ngư dân.

“Cảng cá Tam Quang sẽ được kết nối với Khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành) thành một chuỗi liên kết hậu cần nghề cá. Khi đó, tàu cá về bờ sẽ cập cảng Tam Quang, bán hải sản. Xong, họ neo đậu tàu cá tại Khu neo đậu tàu cá An Hòa rồi sẽ mua các nhu yếu phẩm cho chuyển biển tiếp theo. Nếu cần sửa chữa hay “làm nước” cho tàu cá, sẽ có khu sửa chữa tàu cá được bố trí gần đó để đáp ứng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu neo đậu tàu cá An Hòa đang được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam nạo vét luồng lạch, đầu tư bờ kè, các trụ neo, thiết kế đèn tín hiệu, xây đê chăn sóng để tối ưu hóa các công năng trong thời gian đến.

Tại phía bắc của tỉnh, âu thuyền Hồng Triều đã được đầu tư nạo vét luồng lạch, xây dựng đê chắn sóng, đảm bảo an toàn cho tàu cá vào neo đậu. Âu thuyền này cũng sẽ được kết nối với cảng cá ở khu vực liền kề để hình thành khu hậu cần nghề cá với đầy đủ chức năng, phục vụ tối đa quá trình sản xuất của ngư dân khu vực phía bắc của tỉnh. “Đã có một số doanh nghiệp vào làm việc với tỉnh để có thể hoàn thành các thủ tục đầu tư cảng cá ở khu vực âu thuyền Hồng Triều. Việc này dự kiến sẽ nhanh chóng triển khai và khi hình thành khu hậu cần nghề cá sẽ tạo động lực lớn cho phát triển bền vững nghề cá” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.  

Cần gỡ vướng

Dự án cảng cá Tam Quang đang gặp vướng khi còn 11 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai các hạng mục hạ tầng. Nguyên nhân là các ngành chức năng của huyện Núi Thành chưa xác định được nguồn gốc đất. Ông Nguyễn Hồng Lam - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam cho biết đã có công văn yêu cầu UBND huyện Núi Thành nhanh chóng xác định nguồn gốc đất, đo đạc, kiểm kê, bồi thường, bàn giao đến chủ đầu tư trước ngày 30.8. “Cảng cá Tam Quang là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Do đó, huyện Núi Thành cần khẩn trương bàn giao mặt bằng để đầu tư đúng tiến độ” - ông Lam nói. Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành - cơ quan được UBND huyện Núi Thành giao trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cảng cá Tam Quang cho biết, đã giao nhiệm vụ UBND xã Tam Quang thực hiện các công đoạn bồi thường, sớm bàn giao cho chủ dự án triển khai.

Âu thuyền Hồng Triều đã hoàn thành 95% các hạng mục đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang thi công hạ tầng giao thông nối âu thuyền với tuyến đường chính ĐH 6A, tạo thuận lợi cho giao thương hải sản cũng như vận chuyển, trao đổi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, đang vướng mặt bằng, hộ ông Trần Vưng vẫn chưa nhận bồi thường. Ông Vưng đòi bồi thường 100% đất ở nhưng UBND huyện Duy Xuyên căn cứ vào Luật Đất đai 2013 chỉ có thể đền bù 50% đất ở còn lại là đất trồng cây lâu năm. Chính quyền xã Duy Nghĩa đã nhiều lần vận động hộ ông Trần Vưng nhận bồi thường để triển khai dự án nhưng nhiều lần gia đình ông Vưng không hợp tác, chống đối. “Huyện chưa có quyết định thu hồi đất nên chưa có cơ sở nào để tiếp tục triển khai dự án. Việc này tồn tại đã lâu mà chưa sáng rõ hướng giải quyết thỏa đáng. Nên chăng căn cứ vào các quy định của pháp luật, cưỡng chế để tiếp tục đầu tư dự án” - ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT