Bất cập truy xuất nguồn gốc hải sản

VIỆT NGUYỄN 03/07/2019 16:15

Chưa truy xuất được nguồn gốc hải sản là bất cập trong triển khai Luật Thủy sản 2017 của Quảng Nam đến thời điểm này.

Cảng cá An Hòa được Bộ NN&PTNT chỉ định truy xuất nguồn gốc nhưng chỉ có các tàu câu mực tập trung. Ảnh: QUANG VIỆT
Cảng cá An Hòa được Bộ NN&PTNT chỉ định truy xuất nguồn gốc nhưng chỉ có các tàu câu mực tập trung. Ảnh: QUANG VIỆT
Cập cảng tự phát

Hàng loạt tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang cập các cầu cảng của tư nhân ở xã Tam Quang (Núi Thành) để bán hải sản sau khai thác. Đáng nói ở chỗ, hải sản sẽ không được truy xuất nguồn gốc. Nếu các loại hải sản được tư thương mua ở các cầu cảng bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sang các nước châu Âu (EC) thì sẽ đi ngược lại các khuyến cáo của EC sau khi phạt “thẻ vàng” các lô hàng xuất khẩu hải sản của nước ta.

Ngư dân Huỳnh Văn Diệp (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91827 hành nghề lưới vây cho biết, vẫn luôn duy trì các mối làm ăn từ trước đến nay nên sau chuyến biển đều cập cầu cảng tư nhân của chị Mai (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) để bán hải sản. “Sau khi khai thác hải sản thì tôi bán cá, mực còn hải sản được dùng ở thị trường nội địa hay chế biến để xuất khẩu sang châu Âu thì tôi không quan tâm” - anh Diệp nói.

Theo ngư dân Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) - chủ tàu lưới vây QNa-90315, trước mỗi chuyến biển đều nhận tiền đặt cọc của chị Hà - tư thương thu mua hải sản trên địa bàn để tiếp nhiêu liệu, đá cây, lương thực, thực phẩm, phục vụ cho chuyến biển dài ngày của 14 lao động sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa. Khi tàu về bờ, anh Lệ đều phải cập cầu cảng của chị Hà để bán hải sản. Theo chị Lệ, vụ làm ăn của chị với chị Hà thiết lập đã 10 năm nay, mọi việc trôi chảy.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho rằng, địa phương là địa bàn trọng điểm nghề cá của tỉnh nhưng chưa có cảng cá nên bắt buộc các chủ tàu phải bán hải sản cho tư thương, đầu nậu trên địa bàn qua các cầu cảng tư nhân. Việc này diễn ra tự phát và trở thành thói quen của ngư dân hàng chục năm nay. “Bán cá ở các cầu cảng tư nhân thì chắc chắn không thể truy xuất nguồn gốc hải sản rồi. Chỉ đến khi cảng cá Tam Quang hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, được Bộ NN&PTNT chỉ định truy xuất nguồn gốc hải sản thì lúc đó mới có thể thực hiện” - ông Dũng nói.

Gỡ vướng từng bước

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” đối với các lô hàng hải sản xuất khẩu của nước ta, Luật Thủy sản 2017 đã được thông qua, thống nhất thực hiện các khuyến nghị của EC từ trung ương đến địa phương, qua đó thúc đẩy các biện pháp để gỡ “thẻ vàng”. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã có quyết định chỉ định cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) là cảng cá duy nhất của tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản ngư dân đánh bắt được. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc hải sản vẫn chưa được thực hiện ở cảng cá An Hòa vào thời điểm này.

Theo quy trình, truy xuất nguồn gốc hải sản gồm nhiều bước. Trước khi tàu xuất bến, chủ tàu cá phải khai báo các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác hải sản, danh bạ thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng. Khi đánh bắt hải sản trên biển, chủ tàu phải ghi nhật ký khai thác hải sản về tọa độ vùng biển đánh bắt, sản lượng khai thác được. Khi cập cảng, chủ tàu cá phải báo cáo chi tiết với ngành chức năng về hoạt động khai thác hải sản, hành trình chuyến biển, tổng sản lượng khai thác được, sản lượng từng loại sản phẩm. Sau đó, ngành chức năng kiểm tra thực tế, xác nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác làm cơ sở phục vụ xuất khẩu hải sản sau chế biến.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam kiêm Phó Giám đốc phụ trách cảng cá An Hòa cho biết, chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản vì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có nhu cầu thực hiện để thuận lợi cho xuất khẩu hải sản chế biến. Nếu doanh nghiệp chế biến hải sản đề nghị đơn vị truy xuất nguồn gốc hải sản thì sẽ thực hiện đúng theo các quy định đã được Bộ NN&PTNT ban hành, việc đó không khó. Còn nếu hải sản ngư dân khai thác được qua nhiều mối trung gian, đến doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trong hay ngoài tỉnh rồi gặp vướng về thủ tục xuất khẩu sang châu Âu thì nằm ngoài phạm vi quản lý cũng như chức trách của đơn vị.

Cái khó là cảng cá An Hòa chỉ là điểm tập kết của các tàu câu mực khơi còn các nguyên liệu chế biến hải sản xuất khẩu chủ yếu là cá, mực ống, mực nang, mực nái thì lại được các chủ tàu huyện Núi Thành bán ở các cầu cảng tư nhân thuộc xã Tam Quang. Trong khi đó, để truy xuất nguồn gốc hải sản theo quy định của Bộ NN&PTNT thì các chủ tàu ở các địa phương phía bắc của tỉnh như Hội An, Duy Xuyên bắt buộc phải cập cảng cá An Hòa hoặc cập các cảng cá được trung ương chỉ định ở TP.Đà Nẵng để bán hải sản thay vì cập cảng cá Thanh Hà (Hội An) như lâu nay.

“Truy xuất nguồn gốc cho hải sản sau khai thác của ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó vào thời điểm này, tuy nhiên không phải là không thể thực hiện. Vấn đề là doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu yêu cầu thì chúng tôi sẽ kêu gọi các chủ tàu cá thực hiện đúng các quy định của Bộ NN&PTNT để truy xuất nguồn gốc hải sản, vừa thuận tiện cho việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản vừa chuyên nghiệp hóa nghề cá, thay nghề cá nhân dân thành nghề cá có trách nhiệm như Chiến lược biển Việt Nam đã định hướng” - ông Định nói.

VIỆT NGUYỄN