Bấp bênh nghề cá ven bờ - Bài 2: Tận diệt nguồn lợi
Các nghề giã cào, đặt lờ đã tận diệt các loài cá non, cá vào mùa sinh sản khiến nguồn lợi hải sản bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, tình trạng vi phạm ngư trường diễn ra phổ biến tại các vùng ven bờ gây cạn kiệt nguồn lợi và xung đột sinh kế giữa các nhóm nghề khai thác hải sản.
“Khiếp sợ” giã cào
Xã Tam Tiến (Núi Thành) hiện có 197 tàu cá có công suất lớn, tương đương với chiều dài thân tàu từ 15m trở lên, chỉ được phép hoạt động ở vùng biển khơi, không được sản xuất ở tuyến bờ và tuyến lộng. Đáng nói là xã Tam Tiến mới chỉ có 26/197 tàu công suất lớn được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản xuất trên các vùng biển xa là Hoàng Sa, Trường Sa. Hầu hết các tàu lớn còn lại chủ yếu hoạt động ở tuyến lộng, đặc biệt các tàu giã cào đơn, giã cào đôi công suất lớn lại hoạt động ở tuyến bờ, tận diệt nguồn lợi hải sản. Với chiều dài của lưới kéo chừng 1.000m, thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé đều bị tàu giã cào đơn, giã cào đôi “nuốt chửng”. Kiểu đánh bắt này đã làm suy giảm nguồn lợi hải sản nghiêm trọng và khiến ngư lưới cụ, các tàu thuyền nhỏ của ngư dân khác bị hư hỏng.
Ngư dân Nguyễn Hải (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) - chủ tàu giã cào đơn QNa-01442 cho biết, dù đã được chính quyền địa phương, ngành thủy sản vận động chuyển nghề nhưng không thể thực hiện được vì tập quán sản xuất đã hình thành quá lâu, ăn sâu vào cách thức đánh bắt hải sản. Theo ông Hải, muốn chuyển sang các nghề lưới rê hỗn hợp thì rất ngại vì nghề này có mắt lưới quá lớn, khó đánh bắt được hải sản. Chuyển sang nghề lưới chụp thì không đủ vốn (gần 2 tỷ đồng) để đầu tư. Nghề giã cào khai thác tương đối hiệu quả nên khó xa rời.
Tại ngư trường ven bờ Quảng Nam, thường xuyên xuất hiện tình trạng các tàu giã cào đơn, giã cào đôi có công suất máy lớn đến khai thác hải sản. Vì khai thác kiểu chụp giựt nên các phương tiện này thường vào sát bờ, đi thành đoàn “đánh nhanh rút gọn” gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Đã từng xảy ra nhiều vụ xô xát giữa ngư dân Núi Thành và ngư dân đến từ Quảng Ngãi do vướng, gây hư hỏng ngư cụ khi hoạt động trên biển.
Trước tình trạng nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, các tàu giã cào đơn, giã cào đôi bất chấp quy định là chỉ được đánh bắt ở vùng khơi, chuyển vào tuyến bờ để khai thác khiến nguồn lợi thêm cạn kiệt trầm trọng. “Tất cả hải sản, đang sinh sản hay mới được đẻ đều bị tàu giã cào tóm gọn, nên nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm khiến việc khai thác hải sản của chúng tôi ngày một khó khăn hơn. Không chỉ vậy, hệ sinh thái ven bờ bị biến động khiến các loài hải sản khó trú ngụ. Chúng tôi không biết có còn sinh kế được với nghề cá trong những năm tới không?” - ngư dân Trần Văn Hiến (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) lo lắng.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đã xử phạt rất nặng các chủ tàu hành nghề giã cào đơn, giã cào đôi hoạt động ở khu vực ven bờ. Tuy nhiên, vì hiệu quả chuyến biển mang lại khá cao nên các chủ tàu giã cào không ngần ngại sản xuất ở khu vực ven bờ sau khi đã bị xử phạt. Có nhiều đôi tàu giã cào bị phạt 3, 4 lần nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. “Vấn đề nằm ở chỗ ngư dân có thay đổi nhận thức hay không chứ luật chưa có quy định tịch thu tàu giã cào khi đã vi phạm nhiều lần. Trong khi đó, những vụ phát hiện, xử lý tàu giã cào hoạt động sai phạm vi quy định mới chỉ là bề nổi. Chúng tôi đâu thể túc trực 24/24 giờ để xử lý triệt để nạn này” - ông Ngô Văn Định nói.
Vấn nạn lờ Trung Quốc
Từ âu thuyền Hồng Triều (Duy Xuyên), hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ trang bị hàng trăm tấm lờ dây Trung Quốc, lồng bát quái rẽ sóng đi khai thác hải sản. Các chủ tàu cho biết, phạm vi sản xuất chủ yếu là vùng biển Cù Lao Chàm. Ngư dân Phan Khắc Thưởng (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) - chủ phương tiện QNa-90262 có công suất 90CV cho biết, phải lựa chọn thời điểm đêm tối, không có trăng để tiện đánh bắt hải sản vì cá hoạt động nhiều mà các lực lượng tuần tra khó phát hiện. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi chọn nghề có thể thu được hiệu quả cao.
Nhất thiết phải quy định vùng cấm, khu vực cấm khai thác
Theo ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, để bảo vệ nguồn lợi hải sản trước nguy cơ tuyệt chủng của không ít loài thì nhất thiết cần quy hoạch vùng, khu vực cấm khai thác hải sản, trong đó, đặc biệt chú ý những khu vực có hải sản còn non hoặc khu vực hải sản đang tập trung để sinh đẻ. Nhất thiết phải quy định vùng cấm, khu vực cấm, thời gian cấm, nghề cấm để bảo vệ hải sản đang sinh sản và hải sản còn non. Một biện pháp vô cùng quan trọng là kiểm tra tại các cảng cá, nếu bắt cá nhỏ hơn quy định, không có giấy phép thì sẽ xử lý.
Lờ dây Trung Quốc, các lồng bát quái có chiều dài hơn 10m với nhiều cửa để các loài hải sản chui vào. Với ngư cụ này, tỷ lệ cá nhỏ bị đánh bắt ước tính hơn 80% sản lượng hải sản thu được. Với đặc điểm mắt lưới nhỏ, chỉ đánh bắt ven bờ nên kiểu khai thác này đã khiến nguồn lợi hải sản bị suy kiệt, ít có khả năng phục hồi, làm suy giảm nguồn lợi hải sản ven bờ.
Ông Ngô Văn Thể - người dân thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) tiếc nuối khi mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ đã “chết yểu” chỉ sau 1 năm thí điểm, triển khai ở xã đã khiến cho nạn dùng lờ dây Trung Quốc khai thác hải sản tận diệt bùng phát ở vùng biển qua địa bàn. “Mô hình không có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, ai nặng lòng bảo vệ nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái ven biển thì tham gia. Ban đầu, cộng đồng ngư dân chúng tôi hào hứng lắm, thường xuyên tuần tra cùng các ngành chức năng để phát hiện, xử phạt. Nhưng rồi thấy phạt nhẹ quá, ngư dân nhờn, cứ tái diễn dùng lờ dây đánh bắt hải sản trái phép nên chúng tôi cũng nản. Vả lại mô hình hoạt động không có quy chế phối hợp, được chăng hay chớ nên tan rã” - ông Thể nói.
Nguồn lợi hải sản ở khu vực Bàn Than (Núi Thành) đã suy giảm nghiêm trọng do lờ dây Trung Quốc khai thác tràn lan, san hô bị tàn phá, các loài cá quý hiếm đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Ngay cả ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng đã báo động nạn khai thác hải sản bằng lờ dây Trung Quốc.
TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) lo ngại đa dạng sinh học ở Cù Lao Chàm bị tàn phá nếu các hình thức đánh bắt hải sản tận diệt không được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, công tác tuyên truyền được triển khai rất tốt, cộng đồng cư dân trên đảo và các vùng lân cận không khai thác hải sản tận diệt ở khu vực cấm đánh bắt hải sản xung quanh Cù Lao Chàm. Đáng ngại là các phương tiện đánh bắt hải sản ở ngoại tỉnh, nhất là Quảng Ngãi đã khai thác tận diệt nguồn lợi, ảnh hưởng rất xấu đến san hô, cỏ biển, đa dạng sinh học nói chung. Lực lượng kiểm ngư của tỉnh cần hỗ trợ các đội tuần tra trên biển của chúng tôi, bảo vệ nghiêm ngặt hơn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
-----------------------
Bài 3: Khó quản lý