Phát triển nguồn lợi cá hô

VIỆT NGUYỄN 01/04/2019 14:25

Cá hô là loài thủy sản có trong sách đỏ thế giới với nguy cơ tuyệt chủng cao. Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam (xã Tam Đại, Phú Ninh) đã thả 100 con giống cá hô xuống lòng hồ Phú Ninh vào cuối tuần qua đã mở ra triển vọng để tái tạo và phát triển nguồn lợi này.

Cá hô quý hiếm được ngành chức năng thả xuống hồ Phú Ninh để phát triển nguồn lợi. Ảnh: QUANG VIỆT
Cá hô quý hiếm được ngành chức năng thả xuống hồ Phú Ninh để phát triển nguồn lợi. Ảnh: QUANG VIỆT

Loài quý hiếm

Sau nhiều năm ấp ủ dự định, ông Bùi Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã lên kế hoạch cụ thể, liên hệ với Trung tâm Giống thủy sản quốc gia ở Nam Bộ, đến tham quan, tìm hiểu thực trạng, tập tính, quá trình sinh trưởng, đặc điểm sinh sản để mua cá hô chất lượng về di giống, thuần hóa, nuôi thương phẩm và thả xuống lòng hồ Phú Ninh. Hiện tại, 1.000 con cá hô thương phẩm được nuôi ở Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã phát triển tốt, đạt trọng lượng gần 1kg và sẽ xuất bán lứa đầu tiên trong thời gian đến. Ông Minh cho biết, cá hô nuôi thương phẩm trong năm đầu tiên đạt trọng lượng chừng 2kg/con, qua năm thứ 2 sẽ đạt chừng 4kg, có thể xuất bán ra thị trường. “Cá hô có giá đến 400.000 đồng/kg nên nuôi thương phẩm thành công sẽ đem lại giá trị kinh tế lớn. Nếu bà con nông dân muốn mua giống, tiếp thu kỹ thuật, chúng tôi sẽ hướng dẫn tận tình” - ông Minh nói.

Ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, cá hô trong tự nhiên chỉ sống ở sông Mê Kông đoạn qua các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Chúng có thói quen bơi vào những kênh rạch, đầm phá để ăn rong, hoa quả, rất ít ăn động vật. Trong điều kiện nuôi cá hô ở Quảng Nam, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá. Về đặc điểm sinh sản, cá hô thành thục về mặt sinh dục sau khi đạt 8 - 9 tuổi. Thời điểm đó, chúng hay bơi vào các chi lưu của dòng sông lớn để sinh sản. “Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã di giống thành công và sẽ sinh sản giống nhân tạo trong vòng gần 10 năm tới. Việc này không dễ nhưng chúng tôi có đủ kinh nghiệm, trình độ để thực hiện thành công. Lúc đó, nguồn giống cá hô tự chủ được sẽ giúp quá trình nuôi cá hô thương phẩm trên địa bàn thuận lợi hơn” - ông Châu nói. Hiện tại, nông hộ vẫn có thể đặt mua giống cá hô từ Nam Bộ để nuôi thương phẩm, qua đó đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản đồng thời tạo nên sản phẩm đặc sản cung cấp cho người tiêu dùng ở Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung.

Kỳ vọng lớn

Ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho biết, nhân dịp Ngày truyền thống nghề cá (1.4), đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản Quảng Nam, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam và các địa phương ven biển thả 150 nghìn thủy sản nước ngọt xuống các vùng thủy nội địa để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình thủy sản thiết thực, có ý nghĩa cho đời sống xã hội.

Theo Quy hoạch phát triển thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự án xây dựng hồ Phú Ninh thành Khu bảo tồn thủy sinh nước ngọt Quảng Nam đã được thông qua. Có rất nhiều cơ sở để dự án này thành hiện thực. Ngoài bổ sung 100 con cá hô để tái tạo, phát triển nguồn lợi, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cũng đã thả 25 con cá trắm đen, 50 con cá leo, 30 con cá nàng hai, 150 con cá Koi xuống lòng hồ Phú Ninh vào cuối tuần qua. Nhiều năm trước đây, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã thả số lượng lớn các đối tượng thủy sản không có trong tự nhiên như tôm càng xanh, ba ba gai, cá rô đầu vuông, ếch Thái Lan, cá tra, cá rô phi dòng Gift, cá bạc Lào, cá lăng vàng, cá lăng đuôi đỏ, cá lăng chấm, cá lăng nha, cá bống tượng, cá chim trắng, cá chạch lấu, các loại cá trôi xuống lòng hồ Phú Ninh. “Hồ Phú Ninh có diện tích tự nhiên lên đến 3.200ha, với chế độ nhiệt, thủy văn ổn định, không có mực nước chết nên hệ sinh thái rất đa dạng, sinh động, quý hiếm. Khi dự án xây dựng hồ Phú Ninh thành Khu Bảo tồn thủy sinh nước ngọt Quảng Nam được triển khai, những loài thủy sản quý hiếm càng được giữ gìn, phát triển tốt hơn” - ông Bùi Quang Minh nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, bảo tồn và phát huy các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao hết sức cấp thiết tại Quảng Nam. “Chúng tôi ủng hộ việc thả cá hô cùng các loại thủy sản khác để tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi. Kỳ vọng đây sẽ là hoạt động thường xuyên, vừa góp phần đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái vừa bảo vệ môi trường, thực hiện an sinh xã hội. Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành để tuyên truyền, vận động, phổ biến, thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển nguồn lợi quý hiếm để mở ra triển vọng lớn của ngành thủy sản” - ông Ngô Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN