Sự cố tàu vỏ thép QNa-94679 bị hỏng máy: Bế tắc hướng giải quyết
Buổi hòa giải lần thứ 2 được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thăng Bình tổ chức ngày 14.3 về tranh chấp dân sự giữa Công ty Đóng tàu Bảo Duy với ông Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu vỏ thép QNa-94679 đã thất bại vì không giải quyết được căn cơ vấn đề.
Ngư dân Trần Văn Liên trao đổi với báo chí sáng 14.3. Ảnh: QUANG VIỆT |
Đại diện của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy giữ nguyên ý kiến là công ty đã hoàn thành trách nhiệm khi đã đóng xong con tàu vỏ thép QNa-94679 theo hợp đồng đã ký giữa các bên thì ông Trần Văn Liên phải nhận bàn giao con tàu, thanh toán tất cả khoản phí. Ông Liên cho rằng, không đủ vốn để thanh toán các khoản phí vì con tàu vỏ thép này được đóng mới trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa ông với BIDV chi nhánh Quảng Nam. Ngân hàng cho ông Liên vay 95% giá trị con tàu, nhưng đến thời điểm này mới chỉ giải ngân được 50% vốn, phần vốn còn lại ngân hàng không giải ngân nên không thể nhận bàn giao tàu.
Trước đó, theo hợp đồng ký kết, tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên được Công ty Bảo Duy ở TP.Đà Nẵng tiến hành đóng mới, Công ty Liên Á ở TP.Hà Nội cung cấp máy thủy từ tháng 9.2015 đến ngày 30.3.2016 thì chạy thử đường dài trước khi nghiệm thu, bàn giao cho chủ tàu. Đêm 29.3.2016, khi tàu vỏ thép đang được đưa ra khỏi cầu Mân Quang (Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thì bị chết máy và nằm bờ đến nay. Ông Liên đã làm đơn kiện 2 công ty đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố này. Ngày 30.8.2016, TAND TP.Tam Kỳ đã xử sơ thẩm và tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỷ đồng để thay máy mới cho tàu vỏ thép. Công ty Bảo Duy kháng cáo lên TAND tỉnh và phiên phúc thẩm xét xử vào ngày 30.1.2018 tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại do sự cố hỏng máy. Đến ngày, 30.11.2018, TAND Cấp cao tại TP.Đà Nẵng xử giám đốc thẩm, tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại do sự cố hỏng máy tàu. Từ đó đến nay, Công ty Liên Á vẫn chưa bồi thường thiệt hại cho ông Liên. Sau đó, Công ty Bảo Duy khởi kiện ông Liên tại TAND huyện Thăng Bình vì đã ký vào biên bản bàn giao tàu vỏ thép QNa-94679 giữa 2 bên nhưng không thanh toán tiền để bàn giao con tàu. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, tàu vỏ thép QNa-94679 được đóng mới theo Nghị định 67 nhưng nay nghị định đã hết hiệu lực nên ngân hàng không có cơ sở nào để giải ngân phần vốn còn lại. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh chỉ đạo các bên giải quyết dứt điểm vướng mắc xung quanh con tàu vỏ thép QNa-94679 nhưng hướng giải quyết đến nay vẫn bế tắc. Chúng tôi đã giải ngân 7,67 tỷ đồng trong quá trình ngư dân đóng mới tàu vỏ thép QNa-94679. Đến nay, con tàu chưa thể bàn giao, ngư dân đã lâm vào nợ xấu...” - bà Nga nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Thường trực Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh cho biết, tranh chấp giữa ông Trần Văn Liên với ngân hàng thương mại và công ty đóng tàu rất phức tạp. Dù UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều buổi làm việc, giúp các bên tìm cách giải quyết vấn đề nhưng mỗi bên một ý trái chiều nên vướng nhiều năm qua. “Nghị định 67 đã hết hiệu lực vào thời điểm này. Có thể cách giải quyết khả thi duy nhất vào thời điểm này là các bên đồng thuận bán con tàu rồi phân chia thỏa đáng phần đóng góp. Các ngành chức năng của tỉnh có thể làm trung gian trong việc này hoặc các bên thuê công ty giám định tài sản, phân chia tài sản” - ông Ngô Tấn nói. Về điều này, ông Trần Văn Liên không đồng tình. “Tôi đã bán con tàu vỏ gỗ để có vốn đối ứng với ngân hàng, qua đó đóng tàu vỏ thép QNa-94679. Nay tôi đã thiệt hại quá nhiều tài sản, công sức. Tôi phải nhận con tàu để vươn khơi sản xuất, qua đó tích lũy vốn trả nợ cho ngân hàng. Chứ bán con tàu thì tôi lấy gì làm sinh kế trong nay mai” - ông Liên nói.
VIỆT NGUYỄN