Chuyển nghề lưới vây sang lưới chụp

VIỆT NGUYỄN 21/02/2019 08:35

Nhận thấy nghề lưới vây trong nhiều năm qua không đạt hiệu quả cao, gần đây nhiều ngư dân chuyển sang khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp.

Tàu vỏ thép QNa-91441 của ngư dân Trần Văn Nhân đã chuyển sang nghề lưới chụp. Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu vỏ thép QNa-91441 của ngư dân Trần Văn Nhân đã chuyển sang nghề lưới chụp. Ảnh: QUANG VIỆT

Chuyển nghề

Ngư dân Nguyễn Thanh Tiến (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91327 dày dạn kinh nghiệm với hơn 20 năm đánh bắt hải sản bằng nghề lưới vây. Ăn nên làm ra, anh Tiến đã bán tàu vỏ gỗ QNa-91027 để đóng tàu vỏ thép trị giá hơn 15 tỷ đồng. “Nghề lưới vây thu được sản lượng cá nục, cá ngừ thấp trong thời gian gần đây. Có thể trữ lượng các loài hải sản này ít dần. Tôi sử dụng cả máy định vị, máy dò ngang, máy dò đứng mà vẫn ít khi phát hiện đàn cá lớn” - anh Tiến nói. Cái khó nữa là giá cá nục, cá ngừ bị tư thương ép, chi phí sản xuất lại tăng thêm, nhiều chuyến biển thu chỉ đủ bù chi. Anh Tiến cho biết, nghề lưới vây cần khoảng 15 bạn biển mới đủ lao động ra khơi. Trong khi đó với nghề lưới chụp chỉ cần 7 ngư dân là đủ lao động. “Các bạn biển muốn đánh bắt hải sản với nghề lưới chụp hơn vì ít tốn sức mà giá trị kinh tế thu được lại cao hơn. Tôi cũng muốn thử sức với nghề lưới chụp” - anh Tiến nói.

Cũng ở thôn Sâm Linh Đông, ngư dân kỳ cựu khác là Trần Văn Nhân - chủ tàu vỏ thép QNa-91441 cũng đã chuyển nghề lưới vây sản xuất bấy lâu nay sang lưới chụp. Anh Nhân cho biết: “Tôi đầu tư gần 4 tỷ đồng để trang bị 4 tăng gông, vàn lưới lớn và các dụng cụ, thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản bằng nghề lưới chụp. Qua trăng này là tàu sẽ xuất bến”. So sánh hiệu quả sản xuất giữa nghề lưới vây và lưới chụp, anh Nhân cho rằng, nghề lưới chụp thu được giá trị kinh tế cao hơn, bám biển ít ngày hơn, chi phí cho mỗi chuyến biển cũng ít hơn. Trong khi đó, lao động nghề cá ngày càng khan hiếm nên chuyển sang lưới chụp với số bạn biển chỉ bằng nửa so với nghề lưới vây là phù hợp. “Tôi vẫn còn giữ nguyên vàn lưới vây, các vật dụng, máy móc, thiết bị, hàng hải của nghề lưới vây để khi cần thì trở lại với nghề này. Sản xuất nhiều nghề có nhiều lựa chọn hơn” - anh Nhân nói.

Khuyến khích

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam (ngân hàng thương mại cho nhiều ngư dân vay vốn theo chính sách của Chính phủ) cho biết, đã đồng ý cho nhiều tàu cá chuyển nghề sang lưới chụp vì nghề này năng động, có ưu thế là có thể cung cấp ra thị trường mực khô hay mực tươi tùy theo thời điểm sản phẩm nào có giá cao hơn. “Khi chuyển sang nghề lưới chụp, ngư dân phải gửi phương án sản xuất, dự toán chi phí, giá trị kinh tế thu được. Chúng tôi đánh giá cao kỳ vọng của ngư dân và thông qua để họ sản xuất thuận lợi hơn” - bà Vũ Thị Tố Nga nói.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho rằng, sản phẩm chính của nghề lưới chụp là mực xà có giá cao khoảng 150 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp 5 lần so với mỗi ký cá nục, cà ngừ - sản phẩm của nghề lưới vây nên ngư dân lựa chọn chuyển nghề. Theo ông Toàn, rất khó có thể dự báo giá mực xà sẽ cao hơn hay hạ thấp trong thời gian đến vì phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Vì thế không thể cảnh báo ngư dân đừng chạy theo lợi nhuận trước mắt mà có thể sẽ thất bại nếu mực xà rớt giá thê thảm như nhiều năm trước đây. “Ngư dân lựa chọn kỹ càng rồi mới chuyển nghề vì chi phí tốn đến nhiều tỷ đồng. Mong những chuyến biển của nghề lưới chụp thành công trong thời gian đến” - ông Toàn nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã nắm được diễn biến mới của nghề cá khi nhiều ngư dân lần lượt chuyển sang nghề lưới chụp từ lưới vây. Ngành nông nghiệp khuyến cáo ngư dân khi chuyển sang nghề lưới chụp phải thực hiện đầy đủ các công đoạn, thủ tục đã được ngành chức năng hướng dẫn. Đó là phải thông qua ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Tiếp theo là trình hồ sơ, thủ tục đến UBND cấp huyện ký, đề xuất UBND tỉnh cho phép chuyển nghề. Sau đó, ngư dân phải thực hiện hồ sơ thiết kế cải hoán tàu cá gửi đến Trung tâm Đăng kiểm quốc gia (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) phê duyệt. Sau khi hoàn thành cải hoán, cán bộ Trung tâm Đăng kiểm quốc gia cấp chứng nhận an toàn tàu cá và Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp giấy phép khai thác hải sản ở các vùng biển xa thì ngư dân mới đủ cơ sở vươn khơi sản xuất.

Theo ông Ngô Tấn, nghề lưới vây đóng góp hơn 50% sản lượng nghề cá xa bờ của tỉnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, không đáng lo khi sản lượng cá nục, cá ngừ sẽ giảm xuống trong thời gian đến. Không ai khác ngoài chính ngư dân chịu trách nhiệm tổ chức nghề khai thác hải sản của mình. Các cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng, gợi mở và hỗ trợ về các chính sách đánh bắt hải sản. Chuyển nghề, du nhập nghề mới có nhiều cái lợi cho nghề cá.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN