Cấp thiết bảo vệ nguồn lợi thủy sản

VIỆT NGUYỄN 17/01/2019 02:00

Nhiều loài cá được Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam thả xuống các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh vào hôm qua (16.1) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản; về lâu dài, Quảng Nam cần một kế hoạch tổng thể, với sự vào cuộc của ngành chức năng và người dân.

Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam thả cá để tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: QUANG VIỆT
Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam thả cá để tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: QUANG VIỆT

Nhiều đoạn sông trên địa bàn tỉnh đang bị người dân khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt. Tại sông Trường Giang đoạn qua xã Bình Nam (Thăng Bình), nhiều gia đình dùng ghe nhỏ đánh bắt cá, tôm bằng hình thức đặt lờ dây xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi ngày, đoạn sông này có hàng trăm chiếc lờ dây được thả xuống đáy sông để khai thác thủy sản. Theo ngành chức năng, tỷ lệ cá nhỏ, tôm nhỏ bị đánh bắt chiếm hơn 70% tổng sản lượng người dân thu được. Với đặc điểm mắt lưới nhỏ, tận diệt nên nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Quanh Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), rất nhiều hộ dân bán các loại cá diếc, cá trảnh, tôm, cá thác lác với kích cỡ rất nhỏ. Người dân cho biết, các loại thủy sản này được khai thác bằng lờ Trung Quốc quanh khu vực Sông Đầm đoạn qua xã Tam Thăng, xã Tam Phú và phường An Phú.

Ở miền núi, cá chình còn lại rất ít, chủ yếu là người dân nuôi trong lòng hồ thủy điện chứ hiếm có trong tự nhiên. Theo nghiên cứu của ThS. Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (TP.Hội An), việc xây dựng công trình thủy điện và khai thác quá mức của người dân là nguyên nhân. Khi thủy điện được xây dựng, vòng đời của cá chình bị đảo lộn. Cụ thể, chúng vốn sống ở biển, bị ngăn cách dòng chảy của thủy điện đã không thể ngược dòng về nguồn để sinh sản. Số ít cá chình còn lại ở các sông suối miền ngược cũng đã bị người dân “săn” gắt gao. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, các loại cá diếc, cá rô ở các sông trên địa bàn tỉnh ngày một ít đi do người dân khai thác quá mạnh vào thời kỳ sinh sản. Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, mặc dù thường xuyên ra quân truy bắt nhưng vấn nạn dùng xung điện, roi điện, chất nổ, chất độc, lờ Trung Quốc đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt vẫn diễn ra hằng ngày khiến cho nhiều loài thủy sản quý hiếm tuyệt chủng.

Ngày 16.1, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã tiến hành thả 18 nghìn con cá giống gồm cá diếc, cá rô đồng, cá trôi xuống các khu vực sông trên địa bàn huyện Thăng Bình để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các loại cá trên khỏe mạnh, bơi lội nhanh, không bị nhiễm bệnh và đã được kiểm dịch. Các loại giống thủy sản với số lượng như trên cũng đồng loạt được thả xuống các lưu vực sông trên địa bàn TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc và Núi Thành. Ông Bùi Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết: “Trong thời gian qua, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh suy giảm do nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu, sự khai thác vượt mức của con người cũng như nhiều mối đe dọa từ mặt trái của các hoạt động kinh tế - xã hội. Tái tạo nguồn lợi thủy sản rất cấp thiết”.
Ông Ngô Văn Định cho rằng, để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản cần chiến lược dài hơi, kế hoạch tổng thể với sự tham gia của ngành chức năng, người dân, các địa phương. Theo đó, cần có cơ chế để ngành thủy sản xây dựng hệ thống dữ liệu về đối tượng, sản lượng thủy sản, ghe thuyền, các loại nghề đánh bắt thủy sản để có các giải pháp sát sườn. Quảng Nam cần xây dựng các khu bảo tồn thủy sản ở các vùng nước nội địa thuộc hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn để bảo vệ cá, tôm, cỏ biển và các sinh vật thủy sản khác. “Nhất thiết phải khoanh vùng bãi đẻ, khu vực sinh trưởng của các loài thủy sản còn nhỏ ở các lưu vực sông. Người dân cần được tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức về bảo vệ thủy sản, đa dạng sinh thái, đa dạng sinh học. Các cơ quan thủy sản cấp huyện cần được đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các sinh vật sống cộng sinh với chúng” - ông Định nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN