Bất cập hỗ trợ bảo dưỡng tàu vỏ thép

VIỆT NGUYỄN 25/12/2018 02:28

Chính sách hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ năm 2014, đến nay vẫn chưa có ngư dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng. Chính vì vậy nhiều tàu vỏ thép không được duy tu, bảo dưỡng đúng kỹ thuật.

Các chủ tàu vỏ thép đang mỏi mòn trông chờ chính sách hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép. Ảnh: Quang Việt
Các chủ tàu vỏ thép đang mỏi mòn trông chờ chính sách hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép. Ảnh: Quang Việt

Ngư dân chật vật

Sau mỗi năm sản xuất, phương tiện xuống cấp, ngư dân buộc phải duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép. Thông thường việc này diễn ra vào mùa biển động nhưng các chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh lại chật vật vào thời điểm này. Ngư dân Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-90216 đang sửa chữa phương tiện ở cầu cảng Tam Quang cho biết, muốn bảo dưỡng phải tìm cơ sở sửa chữa tàu vỏ thép có uy tín, đảm bảo chất lượng, tốn kém hơn 200 triệu đồng. Do không đủ kinh phí nên đành phải cạo sơn rồi sơn lại chứ không thì vỏ tàu sẽ hoen gỉ nghiêm trọng hơn. Ông Cả lo ngại, sửa chữa sơ sài sẽ không khắc phục được các hư hỏng của máy thủy và các trang thiết bị hàng hải hiện đại trên tàu. “Thời gian hoạt động của tàu vỏ thép lâu dài hơn nếu được duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Không đủ kinh phí nên tôi lo ngại thời gian sản xuất của con tàu sẽ giảm đi” - ông Cả nói.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, sau mỗi năm ra khơi, tàu vỏ thép phải được đưa lên đà bảo dưỡng nhằm vệ sinh máy móc, thay thế dầu mỡ, kiểm tra, phát hiện những hỏng hóc để sửa chữa, thay mới..., giúp con tàu hoạt động tốt trở lại sau thời gian dài phải sản xuất liên tục. Điều đó rất quan trọng vì còn giúp quá trình đánh bắt hải sản trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân được an toàn. Kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 17 không quá 1% tổng giá trị con tàu. Tuy nhiên, chưa có chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ này. Có đến 13 tàu vỏ thép hành nghề lưới rê hỗn hợp thất bát, các chủ tàu loay hoay không thể tự huy động đủ kinh phí để bảo dưỡng đã phải thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng thương mại với lãi suất hơn 9%/năm để duy tu lại con tàu. “Vay vốn đóng tàu tôi chỉ phải trả nợ ngân hàng với lãi suất 1%/năm chừ trả lãi cao nhưng phải thực hiện chứ con tàu bị hư hỏng nặng thêm thì nguy nan hơn. Rất mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép theo quy định” - ngư dân Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên), chủ tàu vỏ thép QNa-93455 hành nghề lưới rê hỗn hợp cho biết.

Nhiều chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh như ngồi trên lửa vì lo nghĩ phải vay mượn như thế nào để bảo dưỡng tàu vỏ thép đang có. Đóng được tàu vỏ thép đó, trước đây họ đã thế chấp tài sản giá trị để có nguồn vốn làm đối ứng với ngân hàng. Trong mấy năm qua, sản xuất thất bát, nợ ngân hàng còn không trả nổi, nếu vay tiếp thì nguy cơ không trả được nợ rất cao. Trong khi đó, nếu không bảo dưỡng, con tàu xuống cấp nặng nề thì có thể không còn phương tiện vươn khơi.

Không dễ tháo gỡ

Tàu vỏ composite không được hỗ trợ bảo dưỡng
Nhiều chủ tàu vỏ composite như Nguyễn Văn A, Lương Văn Quang, Phạm Văn Hùng (đều thuộc huyện Duy Xuyên) đang lo lằng vì không được hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ composite. Các ngư dân cho rằng, cùng là tàu vật liệu mới nhưng tàu vỏ thép được hỗ trợ bảo dưỡng nhưng tàu vỏ composite thì không là rất bất công. Sở NN&PTNT cho rằng, tàu vỏ composite cũng rất cần được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng như tàu vỏ thép. Điều quan trọng là Bộ NN&PTNT phải có định mức kinh tế - kỹ thuật để đưa chính sách vào cuộc sống, thiết thực hỗ trợ ngư dân duy tu, bảo dưỡng phương tiện, sản xuất lâu dài đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, rất “đau đầu” về triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân bảo dưỡng tàu vỏ thép. Đã gần 5 năm qua, rất nhiều ngư dân đã phải tự sửa chữa qua loa tàu vỏ thép vì không được Nhà nước hỗ trợ lại không có vốn. Ông Toàn nói: “Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy vì tàu vỏ thép hiện đại, có các máy móc, thiết bị hàng hải công nghệ mới, kỹ thuật cao, đòi hỏi phải bảo dưỡng bài bản, theo quy trình chứ ngư dân loay hoay tự xoay xở thì các hư hỏng càng trầm trọng thêm”. Theo ông Toàn, ngành thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT gửi hàng chục văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép để ngành tài chính có cơ sở hỗ trợ các chủ tàu vỏ thép, vậy mà việc này đã bặt tăm bao nhiêu năm qua.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Bộ NN&PTNT đã không lường được các khó khăn về thiết lập định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh mời nhiều lãnh đạo của Bộ NN&PTNT cũng như các chuyên gia vào Quảng Nam làm việc nhằm giải quyết vấn đề định mức kinh tế - kỹ thuật nhưng không có kết quả. “Bộ Giao thông - vận tải có thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật sửa chữa phương tiện chuyên dùng trong công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa. Chúng tôi đề xuất Bộ NN&PTNT dựa vào đó ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để giải quyết vấn đề hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép nhưng không được thông qua. Phải có cách nào đó từ phía trung ương chứ không thì chính sách bế tắc, ngư dân càng gặp vô vàn khó khăn trong thời gian đến” - ông Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN