Tổ chức lại nuôi trồng thủy sản

VIỆT NGUYỄN 22/11/2018 02:26

Quảng Nam đang sắp xếp lại nuôi thủy sản ở vùng đông giai đoạn 2019 - 2030 để phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Huyện Núi Thành sẽ phải thu hẹp nhiều diện tích nuôi thủy sản. Ảnh: QUANG VIỆT
Huyện Núi Thành sẽ phải thu hẹp nhiều diện tích nuôi thủy sản. Ảnh: QUANG VIỆT

Giảm 698ha

Tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh hiện nay là 2.998ha, tuy nhiên, do chồng lấn với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên sẽ bị thu hẹp 698ha (167,7ha nuôi tôm lót bạt trên cát, 530,3ha nuôi tôm ở vùng triều). Huyện Núi Thành sẽ phải loại khỏi quy hoạch 570ha (vùng triều 501ha và 69ha nuôi tôm trên cát). Nguyên nhân là vì ảnh hưởng của đường 129 ven biển, xây dựng đô thị Tam Anh Bắc, xây dựng khu dân cư xã Tam Anh Nam, xây dựng khu phi thuế quan, khu đô thị ở xã Tam Quang và quy hoạch xây dựng cảng cá ở xã Tam Hòa. Do ảnh hưởng bởi các dự án Tuiblue, xây dựng đô thị, dự án du lịch ven biển, huyện Thăng Bình sẽ phải thu hẹp 115,7ha (17ha ở vùng triều và 98,7ha nuôi tôm trên cát). TP.Tam Kỳ, ngoài việc sẽ phải loại bỏ 24ha nuôi tôm ở phường Hòa Hương và An Phú để xây dựng đô thị. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ còn đề xuất UBND tỉnh đưa thêm 244ha diện tích đang nuôi tôm ở các xã Tam Thăng, Tam Phú, Tam Thanh ra khỏi quy hoạch để phát triển du lịch.

Nuôi thủy sản giai đoạn 2019 - 2030 sẽ gồm 4 hình thức: nuôi tôm trên cát; nuôi thủy sản (tôm, cua, cá) ở các ao đất hoặc diện tích lót bạt thuộc vùng triều ven sông; nuôi cá trong lồng bè trên sông; sản xuất giống thủy sản.

Về Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) có quy mô 20,67ha vẫn được giữ nguyên, đảm bảo cung cấp giống thủy sản tại chỗ cho sản xuất của nông hộ trên địa bàn tỉnh. Đối với nuôi cá trong lồng bè ở các lưu vực sông, vẫn giữ nguyên quy mô 1.000 lồng từ nay cho đến năm 2030. “Các nông hộ nên đặt lồng bè nuôi cá ở các khu vực có dòng chảy, độ sâu phù hợp, không cản trở giao thông đường thủy, không cản trở dòng chảy thoát lũ cũng như việc ra - vào của tàu thuyền. Các đối tượng được khuyến khích nuôi là cá bớp, cá dìa, cá hồng, cá chang, cá chim vây vàng vì có giá trị kinh tế cao” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.

Quản lý chặt

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, dù có nhiều quy định nhưng nuôi thủy sản tự phát, thiếu kiểm soát đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước ngầm bị suy thoái. Bởi vậy, để tổ chức sản xuất tốt hơn, nông hộ bắt buộc phải có cam kết bảo vệ môi trường; các ngành chức năng của tỉnh, địa phương cần phối hợp chặt chẽ kiểm tra, xử lý mạnh tay. Đối với diện tích nuôi thủy sản lớn, bắt buộc người nuôi, doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, đảm bảo không bức hại sinh thái. “Đề nghị các địa phương rà soát lại quỹ đất, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai ở các khu vực quy hoạch nuôi thủy sản từ nay đến năm 2030 để nông hộ yên tâm đầu tư hạ tầng kiên cố, nâng cấp ao nuôi, sản xuất hiệu quả, bền vững” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản và các cơ chế khuyến khích của tỉnh để người dân được biết, tiếp cận. “Huyện đề xuất UBND tỉnh nên để cho các nông hộ vẫn nuôi thủy sản tại các khu vực không nằm trong quy hoạch nuôi thủy sản giai đoạn 2019 - 2030 cho đến khi triển khai dự án thì bắt buộc dừng. Trong quá trình nuôi thủy sản, nông hộ bức hại môi trường thì địa phương sẽ chấm dứt sản xuất” - ông Thịnh nói. Còn ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An nêu ý kiến: “Việc cấp phép nuôi cá trong lồng bè thuộc về cấp tỉnh nên ủy quyền cho cấp huyện, thị xã, thành phố thực hiện để dễ quản lý. Việc này vừa thuận tiện cho địa phương vừa giúp nông hộ sản xuất thuận lợi hơn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đồng ý với đề xuất của huyện Núi Thành, tuy nhiên yêu cầu các địa phương ven biển không được gia hạn cho người dân thuê đất nuôi tôm trên cát; ngành điện lực không được ký kết hợp đồng cung cấp điện mới tại các vùng không còn nằm trong quy hoạch nuôi thủy sản đến năm 2030. “Ngành thủy sản phải kiểm tra, kiểm soát tất cả yếu tố nuôi thủy sản từ thủy lợi, tác hại môi trường, con giống cho đến quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản, kiểm soát dịch bệnh để vừa đảm bảo theo quy định vừa giúp nông hộ sản xuất hiệu quả. Thủy lợi phải được tính toán đa mục tiêu, nguồn nước ngọt riêng và có phương án cung cấp nước mặn từ biển cho phù hợp. Công tác thu hút đầu tư của doanh nghiệp về tích tụ, tập trung ruộng đất nuôi thủy sản hàng hóa lớn cũng như đầu tư hạ tầng phải được chú trọng hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN