Bất cập âu thuyền Hồng Triều
Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn tất giai đoạn 1 công trình âu thuyền Hồng Triều tại xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Tuy nhiên, khi âu thuyền dần hoàn thiện thì ngư dân nhận thấy những bất cập và lo lắng về sự “an toàn” của những con tàu khi neo đậu nơi này.
Bờ kè quá cao, cầu thang hẹp gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Ảnh: C.T |
Mới đây, người dân sống gần âu thuyền Hồng Triều phát hiện một tàu hành nghề chụp mực của ngư dân Thăng Bình bị cháy. Mặc dù rất nỗ lực nhưng không thể cứu tàu, có lẽ may mắn nhất là hàng trăm chiếc tàu khác thoát khỏi ngọn lửa cháy lan. Người dân trong khu vực cho biết, nếu bức tường bê tông chắn sóng thấp hơn thì có thể phát hiện tàu cháy sớm, nhiều người tham gia chữa cháy sẽ không bị thương khi phải vượt qua đê chắn sóng cao để dập lửa. Anh Lê Văn Minh - người trực tiếp tham gia cứu hộ vụ cháy tàu, nói: “Hàng trăm chiếc tàu trị giá hàng tỷ đồng nằm khuất sau bờ tường chắn sóng này, người dân không thể phát hiện sớm sự cố xảy ra cho đến khi ngọn lửa bùng lên. Trước đây cũng có 2 vụ cháy tàu xảy ra ở âu thuyền này nhưng tầm nhìn không bị che khuất như hiện nay nên người dân chúng tôi phát hiện sớm từ đốm lửa nhỏ và thiệt hại ít hơn rất nhiều. Còn nữa, leo lên bờ kè đã khó, nhảy xuống càng nguy hiểm hơn. Hôm tàu cháy nhiều anh em chúng tôi đã bị thương khi nhảy xuống để ra cứu đoàn tàu của ngư dân. Nhưng vì tài sản của tàu cá quá lớn nên chúng tôi cố gắng để đoàn tàu thoát đám cháy”.
Giai đoạn 1 của khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều có các hạng mục nâng độ cao mặt kè xung quanh với tổng chiều dài hơn 1.587m; nâng cao trụ neo tàu dưới nước và thay thế các bích neo tàu; bổ sung phao báo hiệu dẫn luồng, nạo vét khu neo đậu và các hạng mục khác phía đông bắc âu thuyền. Dự án được đầu tư với nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối cuối năm nay. |
Từ khi kè chắn sóng tại âu thuyền hình thành, nhiều ngư dân bắt đầu lo lắng về bấp cập, trình bày nguyện vọng với chính quyền địa phương khó khăn khi neo đậu tàu thuyền tại đây. Có thời điểm người dân cản trở thi công vì lo sợ không có lối xuống âu thuyền để lên tàu. Lo lắng của ngư dân hoàn toàn có cơ sở khi kè chắn sóng quá cao, thiết kế thang xuống tàu nhỏ, trong khi ngư lưới cụ của ngư dân cồng kềnh và nặng nề. Theo ngư dân Huỳnh Đắc Minh ở xã Duy Nghĩa, ngư dân gặp nhiều khó khăn khi lên xuống tàu, khoảng cách lối xuống bằng thang quá hẹp, trong khi ngư lưới cụ thì cần ít nhất 2 người khiêng nên không thể nào vận chuyển lên tàu để ra khơi đánh bắt. Ngược lại, việc mang thiết bị máy móc từ tàu lên bờ sửa chữa cũng là vấn đề nan giải. “Lưới của ngư dân dài hàng trăm mét, dụng cụ nặng nề, kéo theo thúng chai, nước uống và hàng tấn nhiên liệu… vận chuyển trên bờ đã vất vả huống hồ đưa qua bờ kè cao như thế, cầu thang sắt thì hẹp chỉ vừa một người đi, gây khó khăn rất nhiều” - anh Minh nói.
Anh Nguyễn Tường Nam - cán bộ kỹ thuật Công ty CP 6.3 cho biết, khi xây dựng nhiều người dân đã cản trở không cho xây dựng trụ neo, họ mong muốn để lại làm lối đi ra tàu thuyền. Theo thiết kế thì tường chắn sóng cao 1,2m so với mặt sàn, khung dầm cao 1,3m, tổng chiều cao tới đáy dầm là 2,5m. Để cho ngư dân xuống được tàu, sẽ có thang dài 2,8m, rộng 60cm, cứ 44m có 1 thang. Ngoài ra, khi giai đoạn 1 hoàn thành mỗi ngày chỉ có thể neo đậu 60 lượt tàu cá có công suất 150 mã lực và lượng hàng hóa 6.000 tấn/năm. Trong khi đó, rất nhiều tàu khai thác hải sản của ngư dân Duy Xuyên, Thăng Bình có công suất hơn 450 mã lực thường xuyên neo đậu ở đây. Mùa mưa bão đang đến gần, nỗi lo của bà con ngư dân là có cơ sở và họ mong muốn cơ quan chuyên môn sớm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống và nhu cầu lao động của bà con ngư dân để yên tâm lao động, sản xuất.
CHÂU TẤN