Nuôi tôm nước lợ: Khó khăn chồng chất
Nghề nuôi tôm nước lợ đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng bỏ hoang ao nuôi hàng loạt vì sản xuất thua lỗ. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm bấp bênh, môi trường nước ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp... cũng đang gây trở ngại cho nông dân đang bám trụ với con tôm.
Mô hình nuôi tôm của ông Trần Đăng Tùng. Ảnh: V.N |
Bỏ hoang ao nuôi
Xã Bình Hải (Thăng Bình) được biết đến là nơi có diện tích nuôi tôm lót bạt trên cát lớn nhất tỉnh trong nhiều năm qua. Ông Hồ Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, toàn xã có 70ha ao nuôi tôm nước lợ, trong đó nuôi tôm trên cát 65ha, còn lại là nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Thời điểm này, tổng diện tích nuôi tôm trên cát của toàn xã chỉ còn 15ha, còn ở vùng triều ven sông thì hầu hết ao nuôi bị bỏ hoang. Theo ông Chung, có nhiều thời điểm người dân ào ạt phá vườn, phá rừng phòng hộ để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng vì lợi nhuận cao, bây giờ lại bỏ hoang vì thua lỗ do dịch bệnh hoành hành.
Ông Hồ Thanh Bình - cán bộ phụ trách thủy sản xã Bình Hải cho biết, hiện có rất ít người dân chịu bố trí ao xử lý nước thải trong khu vực nuôi tôm. Nước không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường sẽ khiến cho nguồn nước ngầm bị thoái hóa, ô nhiễm. Để nuôi tôm, người dân hút nước ngầm rồi cho chảy trực tiếp vào ao, nguồn nước không đảm bảo nên bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra khiến tôm chết hàng loạt. “Thời gian qua, giá tôm thương phẩm giảm mạnh cũng khiến các hộ nuôi tôm ngại đầu tư. Nhiều diện tích nuôi tôm bị hoang hóa cũng có cái lợi là Nhà nước dễ thu hồi đất vì hết năm này là hết hạn nuôi tôm theo quy hoạch tạm thời, giai đoạn 2014 - 2018” - ông Bình nói.
Ông Võ Chí Thanh - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) cho biết, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông của xã là 40ha. Ở vụ 1 vừa qua, người dân chỉ nuôi tôm trên 18ha nhưng chủ yếu là thất bát do môi trường nước không đảm bảo. Ở vụ 2 này, có 13ha đang được thả nuôi. “Các nông hộ không mặn mà đầu tư nuôi tôm nên diện tích hoang hóa ngày một lớn. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng mà không được xử lý, trực tiếp cho vào ao nuôi tôm nên các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, bệnh đường ruột, bệnh do sốc môi trường diễn ra liên tục trong thời gian qua khiến tôm chết hàng loạt” - ông Thanh nói. Theo UBND xã Tam Thanh, trước diễn biến dịch bệnh nuôi tôm, địa phương đã khuyến cáo người nuôi đầu tư ao chứa lắng để xử lý sạch nguồn nước nhưng nông hộ không mặn mà vì quỹ đất nuôi tôm ít, khó đầu tư ao chứa lắng.
Tránh tác động xấu
Đến thời điểm này, ngành chức năng chưa có thống kê cụ thể về diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang trên địa bàn tỉnh nhưng theo quan sát của chúng tôi, chỉ còn khoảng 1/5 diện tích ao nuôi tôm ở vùng triều ven sông là hoạt động cầm chừng. Nhiều cánh đồng tôm của xã Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú (Tam Kỳ), Bình Nam, Bình Hải, Bình Sa (Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Nghĩa (Núi Thành) trơ đáy, rong rêu, rác bẩn dạt vào. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân cho biết càng nuôi tôm càng thua lỗ, mà chuyển sang canh tác trồng trọt lại không đảm bảo bởi đã nhiềm nước mặn nên đành bỏ hoang. |
Ở xã Bình Hải, gia đình ông Trần Đăng Tùng là một trong số ít các hộ dân còn nuôi tôm trên cát tại thôn Kỳ Trân vào thời điểm này. Ông Tùng cho biết, đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để nuôi tôm trên 2ha, gồm 9 ao nuôi thương phẩm, 1 ao xử lý nước thải và 1 ao chứa lắng. “Tôi có nghe thông tin cuối năm này là sẽ hết hạn quy hoạch nuôi tôm tạm thời trên cát. Nếu phải ngừng nuôi tôm thì chúng tôi sẽ mất nhiều tiền đã đầu tư vào đây. Chừ thì phải túc trực 24/24 giờ để chăm sóc tôm chu đáo, mong vụ này thành công nhưng có nhiều nỗi lo lắm” - ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua khiến nhiệt độ nước tăng cao, tôm nuôi khó thích nghi. Ở mỗi ao nuôi tôm, ông Tùng cho bật 4 máy sục khí chạy hết công suất để có thể cung cấp đủ ôxy cho tôm. “Nắng nóng kéo dài khiến cho vi khuẩn gây hại phát triển nhanh, nhiều. Tảo cũng tăng vọt về số lượng. Đó là các nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh đường ruột khiến tôm dễ bị chết. Cách ứng phó của chúng tôi là luôn ổn định mực nước cao trong ao nuôi và xi phông đáy thường xuyên, nhất là vào ban đêm để tôm dễ thích nghi. Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ thức ăn cho tôm, bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, men vi sinh để giúp tôm tăng thêm sức đề kháng. Tôi cũng vệ sinh nguồn nước trong ao nuôi thật sạch, tránh tác động xấu đến sự sinh trưởng của con tôm” - ông Tùng nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện nay nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, lượng chất thải hữu cơ tích tụ đáy ao sẽ phân hủy mạnh khiến cho các yếu tố môi trường trong ao nuôi biến động, có thể gây sốc và dễ làm cho tôm nuôi chết hàng loạt. Qua xét nghiệm các mẫu nước, vi khuẩn vibrio hoạt động mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh hoại tử gan tụy, bệnh đường ruột. Vì vậy, để có vụ nuôi tôm đạt hiệu quả, các nông hộ cần chú ý những khuyến cáo kỹ thuật. Theo đó, người nuôi tôm cần chú ý theo dõi màu sắc của đường ruột, gan tụy và phân tôm hằng ngày để đánh giá đúng sức khỏe con tôm, qua đó chủ động phòng tránh bệnh gây hại. Nông hộ cần định kỳ bón các loại vôi, chế phẩm sinh học để ổn định các yếu tố môi trường trong ao nuôi giúp tôm phát triển, hạn chế các bệnh môi trường. Khi cho tôm ăn, cần sử dụng thức ăn có chất lượng, cân đối lượng thức ăn cho tôm ăn trong ngày. Vào những ngày thay đổi thời tiết, mưa, nắng gắt chỉ cho tôm ăn 70 - 80% lượng thức ăn đã định, tránh dư thừa gây ô nhiễm nước. Khi trời có mưa, năng chạy máy sục khí để giảm phân tầng nhiệt độ, độ mặn, tăng dưỡng khí ao nuôi tránh làm tôm bị sốc.
VIỆT NGUYỄN