Nghề câu mực khơi ở Tam Giang

HOÀNG MINH 09/07/2018 17:19

(QNO) - Khó nói hết niềm vui ở những làng nghề câu mực khơi xã Tam Giang (Núi Thành), từ giữa năm 2017 đến nay khi mực khơi vừa được mùa lại được giá. Là địa phương dẫn đầu về nghề câu mực khơi ở Quảng Nam, Tam Giang vốn đã khá lên từ hơn mươi năm nay với nghề biển nay được tăng thêm nguồn lực để giàu lên với biển một cách vững bền...

Ngư dân Nguyễn Thành Nhiên (trên tàu của chủ tàu – thuyền trưởng Lương Văn Tâm) bên bao một bao mực khô vừa được nhân công của đội bốc xếp cảng cá Tam Giang chuyển từ hầm tàu lên để cân bán cho thương lái.
Ngư dân Nguyễn Thành Nhiên (trên tàu của ngư dân Lương Văn Tâm) bên một bao mực khô chuẩn bị cân bán cho thương lái. Ảnh: HOÀNG MINH

Tàu nào cũng khấm khá

“Tàu mình mới vô (cảng cá Tam Giang - NV) chiều hôm qua. Được cũng khá, thua chuyến đầu năm, nhưng cũng hơn 20 tấn mực khô…” - chủ tàu, thuyền trưởng Lương Văn Tâm nói khi ông cùng các thuyền viên đang “lai rai” ngay trên sàn tàu trong lúc chờ thương lái đến cân mực chuyển đi. Thua chuyến đầu năm, theo chủ tàu Tâm là bởi trong chuyến thứ hai này tàu của ông chỉ mới làm được một tháng thì phải lo né bão số 1 và số 2, rồi đến tránh một cơn áp thấp, một cơn gió tây nam tăng cường thì vừa hết thời gian một chuyến (50 ngày) nên phải quay về.

“Làm ngắn ngày hơn các chuyến mà kết quả vậy là khá lắm rồi” - thuyền viên Nguyễn Tấn Công bày tỏ. Ông cho biết với giá mực bán ra lần này là 140 nghìn đồng/kg, sau khi trừ mọi phí tổn, trong số 43 thuyền viên trên tàu, người nhận được nhiều nhất là 60 triệu đồng, ít nhất là 30 triệu đồng. “Chuyến này mình được 45 triệu đồng; còn chuyến đầu năm giá mực bán ra cao hơn, đến 190 nghìn đồng/kg nên được 70 triệu đồng. Giá mực khơi tăng từ giữa năm ngoái nên người câu mực có thu nhập khá lên…” - vẫn lời của ngư dân Công, người 25 năm gắn bó với nghề mực khơi.

Thương lái mực khơi ở địa phương và từ Quảng Ngãi đến cân mua mực ngay tại tàu rồi chuyển thẳng lên xe qua chuyền.
Thương lái cân mua mực ngay tại tàu. Ảnh: HOÀNG MINH

Cập bến cùng ngày với tàu của ông Lương Văn Tâm, tàu của thuyền trưởng Lương Văn Tới (cũng là chủ tàu) với 36 thuyền viên có sản lượng mực đạt đến 24 tấn. “Nếu không né bão, né gió tây nam tăng cường thì anh em ở tàu mình còn câu được nhiều hơn nữa…” - thuyền viên Huỳnh Minh Thanh ở tàu của anh Tới nói. Người ngư phủ mực khơi 49 tuổi với 26 tuổi nghề này được coi là một trong số những người “mát tay” với nghề mực khơi ở Tam Giang. Ông cho biết chuyến này bản thân ông câu được hơn 7 tạ, với giá mực hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí còn nhận được chừng 70 triệu đồng. “Chuyến đầu năm 2018 mình vô túi được 105 triệu đồng, cũng là nhờ mực ở chuyến này được giá cao. Từ giữa năm 2017 giá mực từ 60-70 nghìn đồng/kg tăng lên 125-160 nghìn đồng, rồi đến 200 nghìn đồng/kg ở chuyến cuối năm nên dân câu mực phấn khởi lắm!” - ông Thanh hồ hởi.

Nhờ cùng chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm và cơ hội của nghề câu mực khơi được mở ra khá sớm, những kết quả mà người câu mực ở Tam Giang đạt được trong thời gian qua khá đồng đều. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang - ông Phạm Văn Châu cho hay, trong chuyến đầu của năm 2018 có nhiều tàu câu mực đạt được mức 25-26 tấn, còn bình quân ở mức 20 tấn, riêng có một tàu đạt 37 tấn. “Chuyến thứ hai của năm nay chỉ mới có vài ba tàu câu mực ở Tam Giang cập cảng với kết quả rất khá. Nhưng qua thông tin từ các tàu câu mực báo về thì các tàu đang làm ngoài đó đều có sản lượng khá hết, nhờ ngư dân thạo nghề, lại có vùng mực tốt…” - ông Châu nói.

Trên những con tàu lớn

Theo chủ tàu Lương Văn Tâm, sở dĩ người câu mực khơi Tam Giang có thể ra biển xa, kéo dài thời gian câu mỗi chuyến đến hai tháng là nhờ họ sắm được những con tàu lớn, công suất cao. Những tàu câu mực khơi ở đây hầu hết là tàu lớn, dài khoảng 24m, rộng hơn 7m, có công suất từ 650CV trở lên, đều có thể cầm cự, xoay xở được với sóng, gió cấp 6, cấp 7 xảy ra bất thường trên biển. Còn ngư dân Huỳnh Minh Thanh kể: “Chừ ngồi trên chiếc tàu 750CV mà nhớ lại chiếc thuyền nhỏ 45CV hồi mình mới vô nghề. Rồi cách đây chừng hơn 10 năm, tàu mực lớn ở Tam Giang cũng chỉ có công suất chừng 220CV, mỗi tàu chỉ có chừng 12 người, mỗi chuyến câu chỉ một tháng. Nhớ lại những con thuyền nhỏ thời trước mới thấy dân câu mực mình gan dạ”.

Nghề câu mực khơi lâu nay đã giúp phần đông những người làm nghề này ở Tam Giang xây dựng nhà cửa khang trang
Phần lớn người làm nghề câu mực khơi ở Tam Giang có được nhà cửa khang trang. Ảnh: HOÀNG MINH

“Tam Giang hiện có 29 tàu câu mực khơi lớn, công suất 600CV trở lên, với khoảng 1.400 lao động trên tàu. Những năm gần đây mỗi chuyến câu kéo dài 50-60 ngày, cứ mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu mua sắm hết chừng 500 triệu đồng, mỗi năm một tàu đi 4 chuyến, bởi vậy nên nghề câu mực khơi có sức kích thích thương nghiệp địa phương rất lớn. Nghề này cũng giúp cho người ở nhà có được thu nhập từ nghề đan thúng câu - tức là thuyền thúng (giá 10-12 triệu đồng/chiếc), rồi đến các dịch vụ bốc vác mực… Nghề câu mực khơi ở đây còn thu hút khoảng 400 thợ câu ở các xã trong huyện. Tam Giang nay chỉ còn 2,36% hộ nghèo, trong đó hầu hết là những hộ không có người làm nghề biển”.

(Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang)

Những con tàu lớn giúp người câu mực Tam Giang chinh phục được sóng to gió lớn, hạn chế đến mức thấp nhất những trở lực từ thiên nhiên. Có được tàu lớn nên có thể sắm được thuyền thúng to. Chính nhờ có thuyền thúng có đường kính đến 3,5m, cao 1m từ vài ba năm nay nên người câu mực một mình ngồi trên đó tránh được hiểm nguy trước những cơn lốc, xoáy bất ngờ trong đêm. Thêm nữa, những ngư phủ mực khơi Tam Giang nay người nào cũng có máy bộ đàm để liên lạc với bạn câu, với thuyền trưởng để được giúp đỡ, tiếp cứu kịp thời khi gặp sự cố trong đêm câu.

Người câu mực Tam Giang có những mùa câu đạt năng suất liên tục trong thời gian lại đây là nhờ họ có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc dò tìm, phát hiện ra những ngư trường mực khơi mới giữa Biển Đông. “Với con mực khơi mình không thể dùng máy tầm ngư mà tìm như tìm đàn cá. Tụi tui dựa vô kinh nghiệm mà đoán biết chỗ nào có nhiều mực để dừng tàu đặng xuống thúng câu. Mấy năm nay dân Tam Giang mình có thể kéo dài mùa câu đến giữa tháng 10 âm lịch là nhờ biết đưa tàu gần về những nơi ít gió bão, biết tìm kiếm những vùng mực mới” - chủ tàu, thuyền trưởng Dương Hải giải thích. 

Từ những mùa mực năng suất cao có được, với những con tàu lớn, với phương tiện liên lạc kêu gọi sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của các đơn vị chức năng trên biển, trên bờ khi cần, người câu mực khơi Tam Giang nói giờ đây họ giảm được nhiều lo lắng khi ra khơi. An tâm hơn với họ là có được sự hỗ trợ, đùm bọc của những chiến sĩ hải quân tại các đảo ở Trường Sa. “Mỗi khi có gió bão, có ốm đau, tai nạn giữa biển tụi tui thường cho tàu chạy vào mấy đảo ở Trường Sa để nhờ giúp đỡ. Dân câu mực Tam Giang đã mấy lần được hải quân mình ở đó hết lòng giúp đỡ. Đây chính là chỗ cậy dựa tin tưởng của dân chài mình…” - thuyền trưởng Lương Văn Tâm kể.

Với khoản thu khấm khá có được từ giữa năm 2017 đến nay nhờ mực khơi được mùa được giá, cùng các khoản dành dụm từ trước, người câu mực ở Tam Giang sẽ làm gì?

- Chị Huỳnh Thị Sa - vợ chủ tàu Lương Văn Tới: Vợ chồng tui đã tính rồi, sẽ đóng mới một tàu lớn có hai máy, công suất hơn 1.000CV, chi phí gần 5 tỷ đồng. Còn chiếc tàu cũ 750CV vẫn còn chạy tốt thì sẽ bán lại cho người khác, ưu tiên bán lại cho anh em cùng làm ăn với mình lâu nay.

- Thuyền viên Huỳnh Minh Thanh: Tôi đã 50 tuổi rồi nên không hùn vốn với anh em để sắm tàu. Có được mấy chuyến này khấm khá tôi đem gửi tiết kiệm để khi nghỉ nghề còn có được một ít vốn. Các khoản bảo hiểm cũng đã mua rồi. Người câu mực ở đây phần nhiều đã mua được các loại bảo hiểm, ai chưa có thì nay sẽ mua. Cũng có một ít anh em dành dụm mua được đất nền ở thị trấn, thị xã để giữ vốn cho con. Nghề câu mực gian khổ lắm nhưng khi được mùa được giá thì dân mình khá lên, nhờ vậy anh em ra khơi thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn…

HOÀNG MINH

HOÀNG MINH