Bố trí rạn nhân tạo để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Cuối tuần qua, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) tổ chức hội thảo khoa học đánh giá kết quả bước đầu của mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng rạn nhân tạo.
Mô hình gồm 500 rạn bê tông chia thành 10 cụm, triển khai ở khu vực mũi Bàn Than (xã đảo Tam Hải, Núi Thành). Kết quả bước đầu của mô hình là thiết lập mô hình đồng quản lý thủy sản để tuần tra, quản lý nguồn lợi có dấu hiệu bị suy giảm, qua đó giảm hoạt động của nghề lưới kéo và lưới rê tầng đáy, khắc phục tình trạng khai thác thủy sản tận diệt ở khu vực bố trí rạn đồng thời cải thiện, phục hồi đa dạng sinh học ở khu vực mũi Bàn Than. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ đánh giá mô hình rất thiết thực trong điều kiện các hệ sinh thái biển ở mũi Bàn Than suy giảm đáng kể trong thời gian qua dưới tác động của các hình thức khai thác hải sản tận diệt cũng như mặt trái của phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình đem lại môi trường trong sạch, bảo vệ hoạt động của đa dạng các hệ sinh thái biển như rong mơ, cỏ biển, san hô, tôm hùm...
* Bên lề hội thảo, Trường Đại học Nha Trang giới thiệu thiết bị giám sát tàu cá ZuniVN-01 được sản xuất bởi Công ty Zunibal và Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản. Thiết bị giám sát là yêu cầu bắt buộc phải có để tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được ngành chức năng cấp giấy phép khai thác hải sản. Thiết bị ZuniVN-01 hoạt động như hộp đen, không cần sử dụng nguồn điện trên tàu, có bố trí nút SOS trong trường hợp khẩn cấp, chống nước, tự nổi khi rời tàu cá, có khóa từ tắt mở thiết bị. Phần mềm của thiết bị ZuniVN-01 không cần máy chủ, dễ dàng sử dụng, phân cấp người dùng, qua đó chủ tàu dễ quản lý phương tiện của mình, bảo mật và lưu trữ thiết bị. Các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh có nhu cầu trang bị thiết giám sát tàu cá có thể liên hệ đến địa phương mình đang ở để được tư vấn, giới thiệu mua sắm thiết bị.
Q.VIỆT