Gỡ vướng cho "tàu 67"

VIỆT NGUYỄN 25/06/2018 09:00

Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai các chính sách bảo hiểm và duy tu, sửa chữa định kỳ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đang được các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ tạo ổn định, giúp ngư dân yên tâm sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc.

Tin liên quan

  • Sẽ thanh lý "tàu 67" để thu hồi vốn
  • "Tàu 67" dồn dập nợ xấu
Các “tàu 67” của Quảng Nam rất cần được hỗ trợ bảo dưỡng và bảo hiểm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các “tàu 67” của Quảng Nam rất cần được hỗ trợ bảo dưỡng và bảo hiểm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bảo dưỡng tàu vỏ thép

Đến thời điểm này vẫn chưa có chủ tàu vỏ thép nào trên địa bàn tỉnh tiếp cận được chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ cho tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nhiều chủ tàu vỏ thép bất an vì vỏ con tàu ngày càng bị han gỉ nhiều hơn, máy móc đôi khi bị trục trặc, chết máy cục bộ. Họ chưa thể tự duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép vì sản xuất bấp bênh trong thời gian qua, thu nhập thấp, thậm chí nhiều tàu vỏ thép nằm bờ vào thời điểm này.

Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91439 có công suất 829CV hành nghề chụp mực nói: “Trải qua nghề biển gần 20 năm nay, tôi đã nhiều lần chứng kiến tàu bị chết máy trôi dạt vô định trên biển. Khi bão dông, gió giật mạnh mà tàu bị hư hỏng thì cực kỳ nguy nan. Tàu vỏ thép hiện đại có giá trị hơn 15 tỷ đồng, mới đi vào sản xuất hơn 2 năm nay mà lỡ bị hư hỏng ở ngư trường Hoàng Sa là điều khiến chúng tôi lo lắng nhất khi ra khơi”.

Tàu QNa-91739 bị trừ 10% tổng  giá trị bảo hiểm

Theo ông Huỳnh Bá Thanh, đến nay hồ sơ bồi thường bảo hiểm cho tàu cá QNa-91739 của ngư dân Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành) bị chìm ở vùng biển Trường Sa ngày 31.10.2017 đã hoàn tất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong số 36 chủ tàu, thuyền viên trên tàu thời điểm đó đều không có chứng chỉ máy trưởng. Bởi vậy, căn cứ theo điều lệ bảo hiểm, sẽ bị trừ 10% của tổng giá trị bảo hiểm 7,1 tỷ đồng (bị trừ 710 triệu đồng, còn lại gần 6,4 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho rằng, tàu vỏ thép hoạt động trong môi trường nước biển nên rất dễ bị ăn mòn phần vỏ. Trong khi đó, do đặc thù bám biển quanh năm nên máy móc  không được duy tu kịp thời sẽ bị xuống cấp nặng nề. Ngày 19.12.2017, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tham mưu Sở NN&PTNT có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép để triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Ngày 22.5.2018, Sở NN&PTNT có công văn trình UBND tỉnh đề xuất cho phép ngư dân duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép bằng cách thuê các đơn vị tư vấn tài chính thẩm định giá độc lập để làm căn cứ xem xét hỗ trợ đối với các hồ sơ đề nghị hỗ trợ của ngư dân. Ngày 4.6, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan bàn bạc rồi tham mưu UBND tỉnh ra quyết định triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc mới đây của Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng việc duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép đã đặt ra quá cấp thiết nên không thể chờ ý kiến của trung ương mà chậm trễ triển khai.

“Thay vì căn cứ định mức kinh tế, kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT có thể hướng dẫn chủ tàu thuê đơn vị tư vấn tài chính thẩm định giá độc lập để thực hiện duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép. Liên Sở NN&PTNT và Tài chính căn cứ vào đó mà giúp đỡ ngư dân bảo dưỡng tàu vỏ thép, sản xuất lâu dài trên các vùng biển xa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

Hỗ trợ mua bảo hiểm

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam chia sẻ, trong hơn 2 năm “tàu 67” đi vào sản xuất, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên đã gián đoạn 2 lần và kéo dài trong nhiều tháng; trong khi đó các ngành liên quan loay hoay xử lý quá tốn kém thời gian lại không hiệu quả.

Bà Nga nói rằng việc này khiến cho cả chủ tàu lẫn ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu thấp thỏm lo âu, vì lỡ tàu gặp nạn, chủ tàu không có bảo hiểm thì làm sao có thể tái sản xuất, kéo theo ngân hàng không thể thu hồi vốn cho ngư dân vay.

Cho rằng chính sách bảo hiểm rất đáng lo ngại trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành đề nghị các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, giúp những con “tàu 67” được sản xuất thuận lợi hơn.

“Toàn huyện Núi Thành có đến 43 “tàu 67” bám biển quanh năm, trong khi chính sách hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm lại bị cắt đứt quá nhiều cả về số tiền hỗ trợ lẫn thời gian triển khai khiến chúng tôi lo âu. Nếu tàu nào bị sự cố mà không được bảo hiểm đền bù để tái đầu tư sản xuất trở lại thì xem như chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn để sản xuất trên các ngư trường truyền thống thất bại” - ông Thịnh nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Bộ Tài chính vừa mới ban hành công văn hướng dẫn ngành bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ chủ “tàu 67” mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên nhưng chỉ hỗ trợ 50% mua kinh phí bảo hiểm thân tàu, gồm bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bảo hiểm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu.

Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, chính sách đã có, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương ven biển, tập hợp ngư dân, thông báo, tuyên truyền để họ tiếp cận cơ chế hỗ trợ. Ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam cho biết, căn cứ vào các nội dung hướng dẫn, sẽ triển khai khẩn trương chính sách bảo hiểm để ngư dân hưởng lợi.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN