"Tàu 67" dồn dập nợ xấu

VIỆT NGUYỄN 06/06/2018 09:17

Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho ngư dân vay hơn 719,4 tỷ đồng để đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo thống kê, nợ xấu đã lên đến hơn 107,1 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Tin liên quan

  • Kiến nghị sửa đổi Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản
  • Rà soát, kiểm tra chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67
  • Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc đóng tàu cá theo Nghị định 67
Ngư dân Phạm Hiên - chủ tàu vỏ thép QNa-93789 đã quay lại sản xuất với nghề cũ là lưới Bạc Liêu.Ảnh: Q.V
Ngư dân Phạm Hiên - chủ tàu vỏ thép QNa-93789 đã quay lại sản xuất với nghề cũ là lưới Bạc Liêu.Ảnh: Q.V

Khai thác không hiệu quả

Triển khai Nghị định 67, BIDV chi nhánh Quảng Nam đã ký hợp đồng tín dụng đóng tàu với 16 ngư dân, tổng dư nợ đến thời điểm này hơn 185,1 tỷ đồng, nợ xấu hơn 100,6 tỷ đồng.

Huyện Thăng Bình có 6 chủ tàu vay vốn của BIDV chi nhánh Quảng Nam đều rơi vào cảnh nợ xấu.

Ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, Thăng Bình) vay hơn 10,6 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép nhưng nằm bờ bấy lâu nay, không đủ khả năng trả nợ. Nguyên nhân là năng lực sản xuất quá kém, các nghề lưới rê hỗn hợp, lờ lươn đều thất bại. Ông Thu có nhu cầu chuyển đổi sang chụp mực đang được các ngư dân khác ăn nên làm ra nhưng lực bất tòng tâm vì thiết kế không được phê duyệt do tàu vỏ thép không đảm bảo an toàn.

Cũng ở huyện Thăng Bình, các ngư dân Phạm Văn Tư (xã Bình Dương), Trần Công Chi (xã Bình Minh), Hoàng Hiền (xã Bình Hải) đều lâm vào cảnh nợ xấu do sản xuất thua lỗ.

Theo BIDV chi nhánh Quảng Nam, hiện tại Nghị định17 thay thế Nghị định 67 đã có hiệu lực nhưng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá nên cần khẩn trương thông qua để ngư dân tiếp cận, hạn chế trường hợp ngư dân đã hết hạn bảo hiểm, chưa mua bảo hiểm mới mà xảy ra tai nạn. Bộ NN&PTNT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép nên cần nhanh chóng thông qua để ngư dân có thể tiếp cận, sửa chữa kịp thời, tránh hư hỏng không đáng có.

Ở huyện Duy Xuyên, BIDV chi nhánh Quảng Nam cho 4 ngư dân Trần Đậu, Phạm Hiên, Đỗ Văn Thành, Đỗ Văn Tiến (cùng xã Duy Vinh) vay vốn đóng tàu vỏ thép nhưng đều sản xuất thất bại.

Hiện các tàu hoạt động cầm chừng, có tàu thu không đủ bù chi. Đáng nói, có chủ tàu dù muốn ra khơi nhưng do thua lỗ, bạn biển bỏ đi lao động cho tàu khác nên phải nằm bờ vì thiếu lao động.

“Chung quy cũng do nghề lưới rê hỗn hợp có mắt lưới quá lớn, chỉ bắt được ít cá ngừ đại dương, cá nhám cỡ lớn còn đối tượng chính là cá thu thì... lọt hoàn toàn. Chừ chúng tôi phải bỏ nghề này, quay lại sản xuất với nghề cũ là lưới Bạc Liêu, mong có thu nhập, dần trả nợ” - ngư dân Phạm Hiên nói.

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, sau hơn 2 năm cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, BIDV chi nhánh Quảng Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, thu hồi nợ. Chi nhánh đã thường xuyên báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về tình hình hoạt động khai thác hải sản của ngư dân cũng như đề xuất các kiến nghị và giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay vẫn chưa có được các giải pháp hiệu quả để thu hồi vốn.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, trong 3 ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67” thì ngoài nợ xấu từ BIDV (hơn 100,6 tỷ đồng), còn có Agribank chi nhánh Quảng Nam (gần 7 tỷ), VietinBank chưa có nợ xấu.

“Các trường hợp nợ xấu của Agribank chi nhánh Quảng Nam là do tàu bị cháy và tàu bị chìm, ngư dân không có phương tiện sản xuất. May là 2 trường hợp này đều được bảo hiểm, khi Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam giải ngân tiền bồi thường thì ngân hàng sẽ thu được nợ, giải quyết dứt điểm nợ xấu” - ông Trần Quang Hổ nói.

Giải pháp nào?

Bà Vũ Thị Tố Nga cho biết, bước sang tháng 6 này, nợ xấu của các chủ tàu sẽ tăng lên gần 140 tỷ đồng, ngân hàng càng nan giải hơn. Để tháo gỡ phần nào vướng mắc, đối với các ngư dân đang gặp khó khăn với nghề lưới rê hỗn hợp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn ngành nghề phù hợp giúp ngư dân chuyển nghề đi kèm với dự báo ngư trường, nguồn lợi để họ có thể sản xuất tốt hơn trong thời gian tới.

“Chúng tôi thấy nghề chụp mực hiệu quả, mong Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phê duyệt các thiết kế mới để ngư dân cải hoán, chuyển sang sản xuất. Bộ NN&PTNT đưa ra 21 mẫu tàu vỏ thép để ngư dân lựa chọn đã bị lỗi về thiết kế nên cần có trách nhiệm xử lý lỗi để ngư dân có thể sản xuất trở lại trong thời gian tới” - bà Vũ Thị Tố Nga nói.

Ông Trần Quang Hổ cho rằng, nợ quá hạn, nợ xấu là rất đáng tiếc, đã xảy ra rồi thì khó mà khắc phục vì ngư dân sẽ không được Nhà nước cấp bù lãi suất vốn vay là 6%/năm trong tổng số 7%/năm đối với tàu vỏ thép, vỏ composite. Để tránh các trường hợp nợ quá hạn, nợ xấu có thể xảy ra trong thời gian tới thì cần có các giải pháp đồng bộ. Trước hết là mặt trận, đoàn thể, chính quyền các xã nơi có ngư dân sở hữu “tàu 67” cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trong giám sát, quản lý dòng tiền của ngư dân, tuyên truyền, vận động họ trả nợ đúng hạn.

“Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 67, vẫn còn nhiều trường hợp ngư dân chây ỳ trả nợ vì cho rằng vốn họ vay là của Nhà nước thông qua ngân hàng chứ không phải ngân hàng cho họ vay, còn Nhà nước trợ giúp họ thông qua cấp bù lãi suất. Bệnh chây ỳ này mà lây lan thì nguy cơ khó thu hồi vốn càng cao” - ông Trần Quang Hổ nói.

Giải pháp quan trọng khác là ngư dân và ngành thủy sản cần tổ chức lại sản xuất với các nghề phù hợp, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ, nâng cao năng lực sản xuất đồng thời ổn định đầu ra hải sản.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các cảng cá, kết hợp với khu neo đậu tàu cá được đầu tư ở 2 khu vực phía bắc và phía nam của tỉnh sẽ đi vào hoạt động, giúp ngư dân sản xuất thuận lợi hơn nhờ các yếu tố đầu vào (ngư lưới cụ, nước đá, lương thực, thực phẩm) và đầu ra (bán hải sản tại cảng cá theo giá niêm yết) đảm bảo.

“Hàng loạt giải pháp về cơ chế, chính sách, hỗ trợ vay vốn, nhân lực, thị trường, khoa học - công nghệ, khuyến ngư được triển khai theo quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kỳ vọng giúp ngư dân Quảng Nam nói chung, các chủ “tàu 67” nói riêng tiếp cận, nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới” - ông Ngô Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN