Nan giải dự án tàu vỏ thép

VIỆT QUANG 29/05/2018 09:08

Dự án tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ hơn 2 năm nay trở nên phức tạp, khi BIDV chi nhánh Quảng Nam không tiếp tục giải ngân vốn để hoàn thiện con tàu và đề xuất Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh thanh lý tài sản này để thu hồi vốn.

Vụ kiện kéo dài của Công ty Liên Á và Công ty Bảo Duy là nguyên nhân khiến ngư dân Trần Văn Liên (hàng trước, bên trái) chưa được bàn giao tàu. Ảnh: V.Q
Vụ kiện kéo dài của Công ty Liên Á và Công ty Bảo Duy là nguyên nhân khiến ngư dân Trần Văn Liên (hàng trước, bên trái) chưa được bàn giao tàu. Ảnh: V.Q

Dang dở

Theo hợp đồng ký kết, tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) được Công ty Bảo Duy ở TP.Đà Nẵng tiến hành đóng mới, Công ty Liên Á ở TP.Hà Nội cung cấp máy thủy từ tháng 9.2015 đến ngày 30.3.2016 thì chạy thử đường dài trước khi nghiệm thu, bàn giao cho chủ tàu. Đêm 29.3.2016, khi tàu vỏ thép đang được đưa ra khỏi cầu Mân Quang (Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thì bị chết máy và nằm bờ đến nay. Ông Liên đã làm đơn kiện 2 công ty đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố này. Ngày 30.8.2016, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.Tam Kỳ đã xử sơ thẩm và tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỷ đồng để thay máy mới cho tàu vỏ thép. Công ty Bảo Duy kháng cáo lên TAND tỉnh và phiên phúc thẩm xét xử vào ngày 30.1.2018 tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại do sự cố hỏng máy. Trước mắt, Công ty Bảo Duy đã thỏa thuận với chủ tàu có sự tham gia của Sở NN&PTNT, mua máy thủy mới lắp lại trên tàu vỏ thép QNa-94679. Ông Nguyễn Quang Kỳ - Giám đốc Công ty Bảo Duy đề xuất Sở NN&PTNT Quảng Nam làm việc với các bên liên quan để có thể sớm bàn giao con tàu cho ngư dân.

Cả ngư dân lẫn công ty đóng tàu đều muốn bàn giao tàu vỏ thép nhưng bất lực vì BIDV chi nhánh Quảng Nam - ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép không giải ngân phần vốn còn lại là gần 7 tỷ đồng trong hợp đồng đóng tàu đã ký là hơn 14,5 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV cho biết, khoản vay đã giải ngân cho ông Liên để đóng tàu vỏ thép là hơn 7,6 tỷ đồng đã lâm vào nợ quá hạn kể từ tháng 12.2016 và chuyển sang nợ xấu. “Theo quy định hiện hành về cho vay vốn thì với tình trạng trên, ngân hàng không thể tiếp tục giải ngân phần vốn còn lại” - bà Nga nói. Hiện tại, Công ty Liên Á đang theo đuổi giám đốc thẩm sau khi TAND Quảng Nam tuyên phải bồi thường thiệt hại sự cố hỏng máy cũng là nguyên nhân khiến BIDV chi nhánh Quảng Nam không giải ngân phần vốn còn lại. “Khiếu kiện, khiếu nại giữa Công ty Liên Á và Công ty Bảo Duy kéo dài khiến ông Liên gánh thêm nợ nần mà con tàu thì lại không thể vươn khơi nên chúng tôi không thể giải ngân phần vốn còn lại” - bà Nga cho biết.
Khó hài hòa

BIDV chi nhánh Quảng Nam đã đề xuất Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh hỗ trợ bán con tàu vỏ thép cùng các máy móc, thiết bị, phụ tùng liên quan để thu hồi vốn. “Hầu hết dự án đóng tàu của ngư dân từ nguồn vốn vay của BIDV đến nay đều lâm vào nợ quá hạn; trong khi đó, chính sách, cơ chế của Nhà nước còn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho ngư dân và ngân hàng. Bởi vậy, thanh lý tài sản con tàu để thanh toán số vốn BIDV chi nhánh Quảng Nam đã giải ngân là hợp lý nhất” - bà Nga nói. Về điều này, ngư dân Trần Văn Liên cho rằng, ông đã bán cả tàu cũ, vay thêm hàng trăm triệu đồng từ thế chấp ngôi nhà đang ở để theo đuổi dự án. “Nếu thanh lý tài sản thì phần thiệt thòi nhất sẽ thuộc về tôi. Nợ nần chồng chất khó trả được nếu tôi không có phương tiện ra khơi” - ông Liên nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh cho biết đang thực hiện văn bản, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh giải quyết về trường hợp bế tắc của tàu vỏ thép QNa-94679. Nghị định 67 đã được thay bằng Nghị định 17 có nội dung là chuyển dự án đóng tàu cho chủ khác nếu các bên là ngân hàng cho vay vốn đóng tàu và ngư dân được vay vốn thỏa thuận, đồng ý với ngư dân khác muốn nhận tàu. Nếu điều đó xảy đến thì ngư dân nhận tàu phải chịu mọi khoản chi phí hình thành nên dự án đến thời điểm nhận tàu, nghĩa là chấp nhận cả phần nợ quá hạn, nợ xấu của ngư dân Trần Văn Liên khi con tàu nằm bờ đến nay. Rất khó có chuyện ngư dân khác sẽ nhận lại con tàu vỏ thép QNa-94679 tuy nhiên BIDV chi nhánh Quảng Nam sẽ có thời gian đến ngày 31.12.2018 để thực hiện việc tìm ngư dân muốn làm chủ tàu QNa-94679. Quá thời hạn kể trên, con tàu sẽ không còn thuộc phạm vi là tàu vỏ thép được đóng mới từ Nghị định 67 với rất nhiều ưu đãi. Khi đó, bắt buộc phải bán tàu, rồi các bên sẽ phải thương thảo, trao đổi, thống nhất phương án thanh toán hợp đồng tín dụng đóng tàu vỏ thép QNa-94679 đã ký trước đó.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG