Nuôi cá trong lồng bè: Quy hoạch, tổ chức lại sản xuất

VIỆT NGUYỄN 28/05/2018 09:21

Nuôi cá trong lồng bè tại các khu vực cửa sông và ven biển trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy tính tự phát, manh mún, thiếu hiệu quả lại gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông đường thủy, vì thế cần quy hoạch lại để tổ chức sản xuất tốt hơn.

Ông Trương Công Mỹ chăm sóc cá điêu hồng. Ảnh: V.NGUYỄN
Ông Trương Công Mỹ chăm sóc cá điêu hồng. Ảnh: V.NGUYỄN

Sinh kế bấp bênh

Trong 5 năm gần đây, ông Trương Công Mỹ và ông Lê Trung Hòa tổ chức nuôi cá điêu hồng trong lồng bè tại sông Mỹ Cang chảy qua địa bàn thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Ông Mỹ cho biết, mỗi vụ nuôi kéo dài 6 tháng, tuy nhiên trong năm qua, cá chậm phát triển, phải kéo dài đến 10 tháng mới thu hoạch.  “Do cá chậm phát triển nên chi phí đã tăng vọt, chúng tôi thua lỗ trong vụ nuôi vừa rồi. Rất khó để có sinh kế bền vững với mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè” - ông Mỹ nói. Còn theo ông Hòa, ở đợt bán cá vừa qua, cá điêu hồng có giá 35 nghìn đồng/kg, thấp hơn thời điểm giữa năm 2017 (46 nghìn đồng/kg). Trong khi đó, giá mỗi kg bột thức ăn nuôi cá là 18 nghìn đồng/kg. Để nuôi cá bột thành cá thương phẩm phải cần đến 2kg thức ăn cho mỗi ký cá bột, tính ra, chi phí thức ăn cho mỗi ký cá đã là 36 nghìn đồng. “Công sức cả ngày lẫn đêm để nuôi cá đã chảy theo dòng nước. Chúng tôi đã phải thay đổi con giống, thức ăn, quy trình nuôi cá để tái cơ cấu lại nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng bè. Chỉ mong thu lãi trong vụ đến để bù lại thua lỗ ở đợt vừa rồi” - ông Hòa nói.

Hầu hết lưu vực sông Thu Bồn, Trường Giang đều có nuôi cá trong lồng bè. Các vùng cửa biển như Cửa Đại (TP.Hội An), Cửa Lở, cửa An Hòa (Núi Thành), người dân cũng đều bố trí lồng bè nuôi cá. Cá được nuôi chủ yếu là điêu hồng, cá chẻm, cá dìa, cá bớp, cá mú, cá hồng. Hầu hết mô hình nuôi cá trong lồng bè là tự phát, manh mún. Các nông hộ cho biết, cá giống được mua về từ các cơ sở ương cá giống trên địa bàn tỉnh. Cá giống này được các cơ sở mua về từ các tỉnh, thành để ương lên từ cá bột. Không chủ cơ sở ương cá giống nào trả lời rành mạch về nguồn gốc xuất xứ của giống cá.

Trong khi đó, theo Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam, số lượng cá giống được bán ra ít. Vấn đề nằm ở chỗ, người nông dân vẫn muốn mua cá giống nổi trôi trên thị trường về nuôi vì rẻ. Giống kém chất lượng, vật tư nuôi cá, thức ăn, thuốc kháng sinh không đảm bảo chất lượng cũng là nguyên nhân khiến nuôi cá trong lồng bè vẫn được chăng hay chớ. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, mỗi năm đơn vị đều tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, quy trình đầu tư, chăm sóc cá nuôi trong lồng bè nhưng có không nhiều nông hộ đăng ký tham gia, đặc biệt, các hộ tham gia chỉ nửa chừng rồi... bỏ về! Trong khi đó, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, nuôi cá tự phát trên các sông Tam Kỳ, Mỹ Cang gây cản trở dòng chảy, lấn hành lang thoát lũ của đập Phú Ninh và gây ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch vùng nuôi

Quản lý tốt lồng bè nuôi cá
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khi nuôi cá trong lồng bè, nông hộ cần chú ý quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi, hạn chế tình trạng cá nổi đầu do thiếu oxy; thức ăn, chất thải, dịch bệnh phải được quản lý tốt, cho cá ăn đủ chất lượng và số lượng. Khi cá bị bệnh cần cách ly lồng, đưa đến vị trí an toàn và tiến hành phòng bệnh cho cá. Trường hợp cá nuôi bị bệnh nặng và có khả năng lây lan nhanh, phải thu hoạch cá nếu đã đạt kích cỡ thương phẩm. Trước khi thả cá và sau mỗi vụ nuôi, nông hộ cần đưa lồng lên cạn, dùng vôi hoặc Chlorin 30ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô 1 - 2 ngày. Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất một lần, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi; làm vệ sinh lồng trước các bữa ăn của cá. Nông hộ nên thường xuyên treo túi vôi trong lồng cá, mỗi lồng treo 1 - 2 túi ngập trong nước, mỗi túi chứa 2 - 3kg vôi.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, số lượng lồng bè nuôi cá ở các sông Trường Giang, Thu Bồn vào thời điểm này là 634 lồng bè với 223 hộ nuôi, sản lượng thu được khoảng 400 tấn/năm. Theo quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nuôi cá trong lồng bè ở vùng đông chỉ được UBND tỉnh thông qua ở đảo Hòn Dứa (Tam Hải), các khu vực quanh xã Tam Quang, Tam Hòa, Tam Hải.

Bởi vậy, nuôi cá ở hầu khắp các sông chảy qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP.Hội An và Tam Kỳ là hoàn toàn tự phát, tỉnh không khuyến khích nhưng do sinh kế nên không mạnh tay yêu cầu nông hộ tháo dỡ. Ngành thủy sản tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm 500 lồng bè nuôi cá tại khu vực ven biển Cửa Đại, TP.Hội An với quy mô mỗi lồng nuôi khoảng 60m3, lồng phải kiên cố và chịu đựng được gió giật. Đối tượng nuôi là các loại cá thích nghi với nước mặn, lợ, có giá trị kinh tế cao, được thị trường đón nhận gồm cá bớp, cá dìa, cá hồng, cá chẻm, cá mú. Theo đó, ngoài 1.000 lồng bè nuôi cá ở huyện Núi Thành đã được thông qua, đến năm 2030, số lồng bè nuôi cá nước ngọt, lợ trên địa bàn tỉnh sẽ là 1.500 lồng bè. Khi nuôi cá, nông hộ bắt buộc phải đăng ký lồng bè nuôi cá tại Chi cục Thủy sản và phải thực hiện nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá lồng bè, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo QCVN 02-22: 2015/BNNPTNT.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, với nhiều yếu kém đã bộc lộ trong thời gian qua, nuôi cá trong lồng bè đang được ngành tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại theo hướng nuôi tập trung để tổ chức sản xuất tốt hơn trong thời gian đến. Cái đích hướng tới là tạo ra năng suất cao, đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Muốn vậy, phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với đa dạng các dịch vụ chất lượng đi kèm như giống, thức ăn, thuốc, hóa chất. Đặc biệt, các nông hộ cần chú ý gắn kết chặt chẽ với nhau để thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi cá và liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN