Phát triển nghề cá bền vững
Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của nước ta vào thị trường này, đã đặt ra vấn đề cấp thiết phát triển nghề cá bền vững. Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn biển gắn với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp” được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP.Hội An) tổ chức mới đây đã nêu bật thực trạng khai thác hải sản trái phép trên bình diện quốc tế, quốc gia và Quảng Nam không phải ngoại lệ.
Vận chuyển hải sản từ tàu cá lên bờ sẽ được kiểm soát trong thời gian đến. |
Nhận diện thách thức
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt IUU) là vấn đề bức xúc, có những tác động xấu ở cả trong lẫn ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Có thể nhận thấy, IUU đã bao quát mặt trái của nghề cá Quảng Nam là đánh bắt hải sản tận diệt theo kiểu dùng thuốc nổ, bom mìn, giã cào, tàu cá công suất lớn sản xuất ở tuyến bờ và tuyến lộng, đánh bắt hải sản trái phép ở vùng cấm như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, khai thác rong mơ và tôm hùm trong thời gian sinh sản... Nhiều ý kiến tại hội thảo đã nhấn mạnh, thực trạng trên đã phản ánh rõ bất cập trong quản lý hoạt động đánh bắt hải sản tại Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung và không tuân thủ các biện pháp bảo tồn biển.
Theo Tổng cục Thủy sản, đánh bắt hải sản bất hợp pháp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp, thu nhập của ngư dân, gây thiệt hại về môi trường, phá hủy các quần đàn hải sản, thu hẹp nguồn thu của quốc gia cũng như hình ảnh nước ta trên trường quốc tế. Ông Nguyễn Quang Hùng - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, khai thác hải sản có chiều hướng gia tăng ở các vùng biển Đông Nam Á, Biển Đông và các vùng biển của Việt Nam. Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã ban hành kế hoạch hành động quốc tế về phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ IUU. Mặc dù các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện nhiều nỗ lực nhưng đến nay hiệu quả thu được vẫn còn hạn chế, cần giải pháp đồng bộ, khả thi để chấn chỉnh. “Ngày 23.10.2017, EC đã cảnh cáo “thẻ vàng” đối với hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thách thức lớn nếu không tháo gỡ kịp thời thì nước ta sẽ mất đi 17% giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Hiệu ứng đô mi nô có thể xảy ra là làm mất hình ảnh, uy tín, thương hiệu hải sản, kinh phí chi thêm, kiểm soát chặt chẽ hơn; quy định, rào cản lớn cũng sẽ khiến cho hàng hải sản của nước ta khó đến với các thị trường khác ngoài châu Âu” - ông Nguyễn Quang Hùng nói.
Giải pháp khả thi
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, trong cái khó cần phải ló cái khôn: “Đây là cơ hội để ngành thủy sản, cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân, các ngành quản lý cần có trách nhiệm hơn với nghề cá. Đây là bước ngoặt để cải thiện, nâng chất nghề cá theo hướng bền vững”. Bộ NN&PTNT đang triển khai quyết liệt các hành động cụ thể để đáp ứng các khuyến nghị, quy định của EC. Đó là hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định quốc tế bằng cách rà soát, sửa chữa, bổ sung một cách tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, tăng chế tài trong Luật Thủy sản sửa đổi cũng như tham mưu Chính phủ ban hành hàng loạt kế hoạch hành động, chỉ thị, công điện để khắc phục cảnh báo của EC. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, các quy định có hiệu lực trong thực tiễn hay không phụ thuộc vào năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và chính ngư dân, doanh nghiệp xuất khẩu. “Cả hệ thống các ngành chức năng có liên quan đến khai thác hải sản như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư, ban quản lý cảng cá, ngành thủy sản và các địa phương cơ sở cần phối hợp chặt chẽ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm” - ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ NN&PTNT) nói.
Theo PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản, các doanh nghiệp và đặc biệt là ngư dân hiểu rõ những nội dung về IUU. Toàn xã hội cũng như cả hệ thống chính trị cũng cần hiểu rõ để có điều chỉnh, thay đổi hành vi cũng như định hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân không khai thác đúng quy định. Về phía Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban châu Âu. Về điều này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực, điều phối và chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến; kiểm tra tàu cá khi cập bến, chuyển cá lên bờ; kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển qua hệ thống liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS. “Tháng 5.2018 này EC xem xét gỡ “thẻ vàng” hay phạt “thẻ đỏ” đối với hàng hải sản xuất khẩu của nước ta vào châu Âu. Ngành nông nghiệp của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của trung ương và địa phương ven biển trên địa bàn để triển khai tốt các khuyến nghị của EC, nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng”, hướng đến phát triển bền vững nghề cá” - ông Ngô Tấn nói.
VIỆT NGUYỄN