Khó chuyển nghề lưới rê hỗn hợp
Sản xuất thua lỗ cần phải chuyển nghề, tuy nhiên đây là vấn đề khó đối với các chủ tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Văn A (trái) bên vàng lưới rê hỗn hợp có mắt lưới quá lớn. Ảnh: V.NGUYỄN |
Chưa được cấp phép
Ngư dân Lương Văn Quang (thôn Thuận Trì, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đóng tàu vỏ composite QNa-93859 có công suất 822CV, tổng giá trị xấp xỉ 15 tỷ đồng, kỳ vọng sản xuất thành công với nghề lưới rê hỗn hợp nhưng đã thất bại trong thời gian qua. Hiện tại, ông Quang đang ra khơi sản xuất xa bờ với nghề lờ lươn trên tàu vỏ composite. “Sở hữu con tàu lớn, hiện đại nhưng tôi thấp thỏm ra khơi vì nghề lờ lươn tạm bợ, chưa được phê duyệt thiết kế. Nếu lực lượng kiểm ngư mà kiểm tra, xử phạt hành chính thì chỉ biết cam chịu. Trăm sự cũng đều do chọn lựa nghề lưới rê hỗn hợp sai lầm” - ông Quang nói.
Nghề lưới rê hỗn hợp có mắt lưới đến gần 20cm, quá lớn, chỉ thu được một ít cá ngừ đại dương nên sau 3 chuyến biển thất bát, ông Quang dừng sản xuất, đi hỏi các chủ tàu khác cũng theo nghề lưới rê thì nhận được câu trả lời là không thể cầm cự. Không cam chịu cảnh tàu lớn nằm bờ, ông đã tự ý chuyển sang nghề lờ lươn, ra khơi mà chưa được cấp phép vào thời điểm này. “Tôi vẫn biết muốn chuyển nghề thì phải thay đổi thiết kế, trình ngành chức năng phê duyệt thì mới đủ điều kiện ra khơi sản xuất. Do bức bách nợ nần nên tôi đành ra khơi” - ông Quang than thở. Chuyển sang nghề lờ lươn đánh bắt được 2 chuyến thì đến thời điểm này, ông Quang chỉ thu được 100 triệu đồng, nợ 60 triệu đồng tiền công cho lao động đã ký theo hợp đồng.
Ngư dân Phạm Văn Hùng (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đang lâm vào tình thế khó vì tàu vỏ composite QNa-93579 được phê duyệt thiết kế là lưới rê hỗn hợp nhưng lại đang khai thác hải sản với nghề chụp mực. Theo quy định, khi chuyển nghề phải thực hiện lại thiết kế và được cấp phép thì mới có thể ra khơi đánh bắt hải sản nhưng cho rằng chi phí quá cao, thủ tục rườm rà nên ông Hùng chưa thực hiện. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 11/13 tàu vỏ thép, vỏ composite theo nghề lưới rê hỗn hợp ra khơi với nghề khác và chưa được phê duyệt thiết kế mới. Hai trường hợp còn lại là ông Lê Tuyến (xã Duy Hải) và Phan Văn Lâu (xã Duy Nghĩa) đã “nhanh trí” chuyển thiết kế lưới rê hỗn hợp sang nghề chụp mực ngay khi con tàu đang đóng mới và đã được cấp phép sản xuất. “Nghề lưới rê gặp khó. Có một số chủ tàu lưới rê hỗn hợp đã chuyển sang nghề lưới Bạc Liêu mà không cần phải thực hiện lại thiết kế vì 2 nghề này có thiết kế tương tự. Trong khi đó, hầu hết chủ tàu khác đã chuyển sang nghề chụp mực, lờ lươn mà chưa được phê duyệt lại thiết kế là sai. Ngư dân cần huy động vốn, thuê đơn vị thiết kế thực hiện rồi gửi đến Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) để phê duyệt lại trong thời gian đến” - ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết.
Khó vay vốn
Được Agribank chi nhánh huyện Duy Xuyên cho vay gần 12 tỷ đồng để đóng mới con tàu vỏ composite QNa-93188 có công suất 829CV hành nghề lưới rê hỗn hợp, anh Nguyễn Văn A (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) rất phấn khởi. Khi con tàu được hạ thủy, cấp giấy phép đi vào hoạt động, anh A đã liên hệ với 10 ngư dân, ký hợp đồng lao động đi biển với mức lương 8 triệu đồng/người/tháng. Nghề lưới rê hỗn hợp với đối tượng khai thác chính là cá thu xuất khẩu được kỳ vọng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao nhưng thực tế sản xuất thì trái ngược. “Ít ỏi chuyến biển thu được kha khá cá nhám và một ít cá ngừ đại dương thì tôi đủ trả tiền công cho 10 lao động, còn lại là các chuyến biển thất bát, thua lỗ. Nhờ Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu đi và về chuyến biển được 400 triệu đồng/năm nên tôi trả được nợ gốc ngân hàng cho vay vốn là 400 triệu đồng/năm, còn tiền lãi mỗi năm là 120 triệu đồng thì nan giải” - anh A nói. Nguyện vọng của anh A là muốn chuyển sang nghề lưới Bạc Liêu. “Chuyển sang nghề lưới Bạc Liêu là thuận lợi nhất vì tôi quen thuộc với nghề này hồi còn sở hữu tàu vỏ gỗ trước khi sản xuất trên biển bằng tàu vỏ composite. Nghề lưới Bạc Liêu cũng là lưới rê nhưng có mắt lưới nhỏ, dễ sản xuất hơn và không phải tốn kém tiền của làm lại thiết kế và phê duyệt” - anh A cho biết. Vàng lưới Bạc Liêu cỡ lớn có mặt trên thị trường vào thời điểm này dao động 700 - 800 triệu đồng. Anh A muốn vay 500 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam (phần còn lại huy động thêm từ người thân) để đầu tư nhưng bất lực vì bị ngành chức năng cho rằng không đủ thế chấp để vay vốn.
Trước thực trạng sản xuất khó khăn của 13 tàu cá theo nghề lưới rê hỗn hợp, Sở NN&PTNT đã đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ ngư dân bằng cách cho vay 500 triệu đồng không lãi suất thông qua nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để chuyển nghề. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã thống nhất với đề xuất này và giao cho các ngành liên quan thực hiện. “Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã được tổ chức lại và hoạt động với điều lệ mới theo Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 17.1.2017 của UBND tỉnh. Căn cứ vào điều lệ mới này thì các chủ tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp sẽ được vay vốn 500 triệu đồng không lãi suất để tái đầu tư sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. Tuy nhiên, đến nay, ngư dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay này. Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Thương - Giám đốc Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho biết, chưa có ngư dân theo nghề lưới rê hỗn hợp nào được vay vốn 500 triệu đồng để tái đầu tư sản xuất. Nguyên nhân là ngư dân không đủ thế chấp, không chứng minh được phương án sản xuất hiệu quả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết chủ tàu lưới rê hỗn hợp trên địa bàn tỉnh đều lâm vào cảnh nợ quá hạn. Nếu điều này tiếp diễn, rơi vào nợ xấu thì khả năng trả nợ của ngư dân càng nan giải hơn. Bởi vậy, các chủ tàu rất mong ngành chức năng của tỉnh họp bàn phương án để có thể hỗ trợ thiết thực, giúp vượt qua thời điểm ngặt nghèo này, duy trì sản xuất xa bờ với tàu công suất lớn.
VIỆT NGUYỄN