Vươn khơi vụ cá chính

VIỆT NGUYỄN 17/04/2018 09:07

Ngư dân Quảng Nam vươn khới đánh bắt hải sản vụ mùa chính với tâm thế phấn khởi, kỳ vọng bội thu sau khi đã đầu tư kỹ càng cho vụ mới.

Tàu cá QNa-91718 chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: V.NGUYỄN
Tàu cá QNa-91718 chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: V.NGUYỄN

Khai thác mực xà

Ngư dân Trần Công Ba ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (Núi Thành) chưa đầy 30 tuổi nhưng trông rắn rỏi, gương mặt sạm đen nắng gió biển khơi. Còn rất trẻ nhưng ngư dân này đã tự huy động được nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng, đóng mới con tàu vỏ gỗ QNa-91718 có công suất 769CV hành nghề chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. “Đi biển từ khi 15 tuổi, đến nay tôi đã có thâm niên 14 năm. Nhận thấy mực xà rất dồi dào mà mình lại hợp với cách thức khai thác nó nên sau thời gian tích cóp, dành dụm, tôi đã vay mượn thêm của người thân đóng mới tàu cá theo nghề này. Tôi hoàn toàn chủ động với đầu ra hải sản vì tùy lúc mà bán mực tươi hoặc mực khô” - anh Ba nói. Thị trường vào thời điểm này cần mực khô nên bước vào vụ đánh bắt chính, anh Ba đã huy động 100 triệu đồng để trang bị thêm hệ thống phơi khô mực để có thể bán khô khi cần bên cạnh 8 hầm đông lạnh để bán sản phẩm tươi. “Giá mực xà tươi hiện nay chỉ có 15 nghìn đồng/kg trong khi giá mực xà khô lại bán được 180 nghìn đồng/kg. Cứ bình quân 4 - 5kg mực tươi sẽ thu được 1kg mực khô nên tôi phơi khô sản phẩm để bán vào thời điểm này” - anh Ba cho biết. Ở chuyến biển đầu tiên của vụ đánh bắt hải sản, tàu cá QNa-91718 thu được hơn 3 tấn mực khô sau hơn 10 ngày sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa. Chủ tàu đã thu được hơn 150 triệu đồng còn 10 bạn biển được chia 15 triệu đồng cho mỗi người.

Vụ cá chính bắt đầu từ ngày 1.4 đến ngày 31.9. Mực xà được giá mà trữ lượng lại dồi dào nên hầu hết ngư dân của xã Tam Giang (Núi Thành) - địa phương luôn đứng đầu về sản lượng mực xà khai thác được trên địa bàn tỉnh - háo hức vào vụ chính. “Nghề đánh bắt mực khơi vất vả lắm, chúng tôi câu mực từ đêm đến sáng trong vòng 2 - 3 tháng trời ở mỗi chuyến biển. Giá mực lên cao trong thời gian qua khiến chúng tôi rất vui mừng. Chỉ mong các chuyến biển được an toàn, bội thu, bán được giá trong vụ mới” - anh Nguyễn Thành Thế ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang - bạn biển câu mực trên tàu cá QNa-91269 của chủ tàu Phạm Cương ở cùng thôn, phấn khởi nói. Cùng với nghề câu mực khơi, nghề chụp mực cùng khai thác đối tượng mực xà cũng ngày một lớn mạnh ở xã Tam Giang. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Sản phẩm mực xà đem lại giá trị kinh tế cao trong thời gian qua nên ngư dân trên địa bàn đã huy động vốn tự có và tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước đóng mới nhiều tàu chụp mực vươn khơi, sản xuất xa bờ. Nghề này ăn nên làm ra nên địa phương khuyến khích sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết để chia sẻ ngư trường, ứng phó với thời tiết cũng như chủ động về đầu ra sản phẩm”.

Kiện toàn tàu thép

Những ngày qua, ngư dân Bùi Thế Cả ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang - chủ tàu vỏ thép QNa-91045 tất bật với những công đoạn chuẩn bị cho chuyến biển đầu tiên của vụ cá chính. Ông Cả và các bạn biển khẩn trương mua đá cây, cho vào hầm bảo quản hải sản rồi nhanh chóng tiếp nhiên liệu cho tàu cá. Lương thực, thực phẩm, nước uống, quần áo và một số nhu yếu phẩm khác được người thân của ngư dân đưa xuống tàu vỏ thép. “Năm ngoái sản xuất gặp nhiều khó khăn vì con tàu mắc quá nhiều lỗi thiết kế, thậm chí không thể sản xuất được trong mùa biển động. Vạn sự khởi đầu nan, chuyến biển đầu tiên của vụ mới rất quan trọng nên chúng tôi khẩn trương chuẩn bị nhưng cũng phải kỹ càng” - ông Cả nói. Phải rất vất vả, ông Cả mới có thể sửa chữa các lỗi mắc phải trên tàu vỏ thép đầu tư 16 tỷ đồng. Thời gian qua, do bố trí ca bin, máy móc, thiết bị ở phần lái nên mũi tàu vỏ thép QNa-91045 quá nhẹ, tàu chao nghiêng rất khó thực hiện các thao tác sản xuất. Ông Cả đã phải sửa chữa bằng cách đúc nhiều khối bê tông ở phần mũi để dằn cho tàu cân bằng. Hệ thống thoát nước trên tàu vỏ thép QNa-91045 bị lỗi, nước tràn sâu vào hầm chứa cá nên hải sản đã bị hao hụt quá nhiều trong quá trình bảo quản. Ông Cả đã đầu tư thêm hàng chục triệu đồng để khắc phục sự cố. Hệ thống tời quá yếu, bị hỏng khi kéo lưới cũng đã được sửa chữa, tốn kém nhiều chi phí. “Hy vọng con tàu vỏ thép phát huy được các tính năng hiện đại, tiên tiến. Có vậy, bước vào vụ sản xuất chính này, tôi và các bạn biển kỳ vọng vụ mùa thành công” - ông Cả chia sẻ.

Triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn, sản xuất xa bờ, đến nay Quảng Nam đã có 32 tàu vỏ thép hoạt động trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, cái khó luôn hiện hữu trong quá trình sản xuất của ngư dân trong thời gian qua là tàu vỏ thép mắc quá nhiều lỗi do bất cập thiết kế như thân tàu thiếu cân bằng, hỏng tăng gông chụp mực, hỏng tời kéo lưới, hỏng hầm bảo quản hải sản, hỏng hộp số, sắt bị hoen gỉ cục bộ. Tín hiệu vui là bước vào vụ cá chính này, hầu hết tàu vỏ thép đã được sửa chữa, khắc phục bất cập, đi vào sản xuất thuận lợi hơn. “Vào vụ cá chính này, tôi đã phải gia cố lại tời kéo lưới, bảo dưỡng lại thân tàu tốn gần 100 triệu đồng. Ngư lưới cụ cũng đã được thay mới để chuyển từ lưới rê sang lưới Bạc Liêu. Chỉ mong vụ cá chính thành công, chủ tàu và bạn biển cùng vui vầy, chung tay sản xuất trên các vùng biển xa bờ”, ngư dân Phạm Hiên (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu vỏ thép QNa-93789 cho biết.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN