Bất cập nuôi tôm VietGAP - Bài 2: Nuôi tôm trong âu lo

VIỆT NGUYỄN 13/04/2018 09:34

Sau thất bại vụ đầu tiên của mô hình nuôi tôm VietGAP thí điểm, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ tiếp tục triển khai vụ nuôi thứ 2 trong nỗi âu lo của các nông hộ cùng tham gia mô hình.

Tin liên quan

  • Bất cập nuôi tôm VietGAP - Bài 1: Vụ nuôi thất bát
Nông hộ kiểm tra tôm nuôi theo mô hình VietGAP.
Nông hộ kiểm tra tôm nuôi theo mô hình VietGAP.

Thắc thỏm theo tôm

Theo phê duyệt của UBND tỉnh, đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP được UBND TP.Tam Kỳ triển khai qua 2 vụ nuôi, trong đó vụ 1 bắt đầu từ tháng 6.2017 đã thất bại. Tiếp tục triển khai đề tài, vụ 2 được bắt đầu từ ngày 18.3 đến nay. Những ngày này, thời tiết bất lợi khiến 2 nông hộ tham gia đề tài là ông Nguyễn Hồng Vân và Ninh Đức Chính thắc thỏm âu lo. “Chúng tôi có mặt thường xuyên ở các ao nuôi tôm VietGAP để liên tục theo dõi mọi diễn biến của quá trình nuôi tôm. Nếu vụ này mà thất bại nữa thì nợ nần chồng chất, không biết đâu là hướng ra” - ông Ninh Đức Chính nói.

Để giảm chênh lệch nhiệt độ nước trong ao khi những ngày qua nắng mưa, gió rét xen kẽ, các hộ nuôi tôm đã liên tục cấp nước, tăng mực nước trong ao để tôm khỏi bị sốc và dễ nhiễm bệnh. Cùng với việc liên tục đo độ kiềm, độ pH ao nuôi tôm, ông Vân và ông Chính đã mua nhiều vitamin, khoáng chất trộn vào thức ăn, cho tôm ăn 3 lần/ngày để tăng sức đề kháng, ổn định hệ miễn dịch, giúp tôm có điều kiện sinh trưởng, phát triển bình thường. “Sợ nhất là các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, taura tấn công tôm nuôi. Cầu mong tôm không gặp các bệnh này chứ hễ bị bệnh thì vô phương cứu chữa” - ông Chính nói. Nỗi lo lớn nhất của ông Chính và ông Vân là dù cho 2ha nuôi tôm VietGAP được đầu tư bài bản nhưng khu vực nuôi này nối liền với các ao tôm khác được đầu tư hết sức sơ sài. “Chỉ cần con cò, con chim hay rắn, rết mang mầm bệnh từ ao nuôi khác sang ao nuôi tôm của chúng tôi thì có nguy cơ tôm nhiễm bệnh” - ông Vân nói.

Theo ông Chính, ở vụ nuôi tôm này, ông và ông Vân đã thả nuôi 1 triệu con giống tôm thẻ chân trắng chất lượng tốt xuống 6 ao nuôi. “Chúng tôi vay mượn rồi góp vốn vào Ninh Thuận mua tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốn đến hơn 100 triệu đồng. Từ ngày 18.3 đến nay, tất cả chi phí đầu tư đã lên đến hơn 250 triệu đồng rồi” - ông Chính nói. Còn ông Vân thì cho biết, tính cả vụ nuôi tôm này với vụ nuôi trước đây thì nguồn vốn đầu tư chung của cả 2 hộ nuôi đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, theo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, đề tài sẽ thực hiện với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. “Tôi vay mượn tiền đủ kiểu, thiếu thốn nhiều nên hỏi ngành chức năng ứng vốn để tiếp tục triển khai nuôi tôm cho vụ thứ 2 này thì được ứng 10 triệu đồng, số tiền này quá ít ỏi, không đáng kể nên gặp khó khăn. Phóng lao phải theo lao, cầu mong vụ này đạt kết quả tốt để chúng tôi thu lại vốn liếng đã đầu tư” - ông Vân nói.

Gia hạn thời gian

Ông Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, đến thời điểm này, nguồn vốn triển khai đề tài chưa hề được giải ngân nên nông hộ phải tự lo liệu đầu tư nuôi tôm. Theo ông Huy, do mới tiếp cận đề tài và việc giải ngân vốn không thuộc chức năng của đơn vị nên chưa thể biết vì sao nguồn vốn gồm ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ tỉnh (hơn 1,2 tỷ đồng), vốn đối ứng của thành phố (700 triệu đồng) và nguồn vốn huy động khác (gần 1,7 tỷ đồng) vẫn “bất động”. Về nguyên nhân tôm chết hàng loạt ở vụ 1, ông Huy cho rằng, nuôi tôm theo mô hình VietGAP là hết sức khó khăn, có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy nên không thể chắc chắn là tôm nuôi không bị bệnh khi triển khai đề tài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, theo phê duyệt của UBND tỉnh, đề tài nuôi tôm VietGAP do cơ quan chủ trì là Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ diễn ra từ tháng 2.2017 đến tháng 1.2019. Tuy nhiên, sau khi tôm chết hàng loạt khiến vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên thất bại, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ đã đề xuất với Sở KH&CN nới thời gian triển khai đề tài đến tháng 5.2019. Thời gian này đủ để cơ quan chủ trì đề tài triển khai thêm 1 vụ nuôi tôm thử nghiệm khác. Theo đó, đề tài sẽ thực hiện nhiều nội dung quan trọng của quy trình nuôi tôm VietGAP. Trong đó, đáng chú ý là theo dõi, xử lý các yếu tố môi trường cả trong và ngoài ao nuôi tôm; theo dõi sinh trưởng của tôm, giám sát dịch bệnh, xử lý các tình huống gặp phải trong quá trình nuôi tôm. Sau đó, sẽ xây dựng bộ tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn nuôi tôm VietGAP ở các địa bàn của TP.Tam Kỳ. Về phía các hộ tham gia vào mô hình, bắt buộc phải theo dõi, ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ các diễn biến của quá trình nuôi tôm, báo cáo cán bộ theo dõi mô hình để nắm rõ, xử lý, tổng hợp nghiên cứu. Cán bộ của ngành thủy sản TP.Tam Kỳ sẽ luôn túc trực ở các ao nuôi tôm VietGAP, trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông hộ xử lý tốt tình huống phát sinh suốt quá trình nuôi tôm. Trong khi đó, ông Chính và ông Vân thì cho rằng, thỉnh thoảng cán bộ thủy sản mới có mặt ở ao nuôi tôm thì khó mà nắm rõ diễn biến sinh trưởng, phát triển của con tôm. “Ngành chức năng cần giải ngân vốn, hỗ trợ chúng tôi đầu tư nuôi tôm như cam kết chứ chúng tôi làm sao có thể mãi vay mượn để phục vụ nuôi tôm theo đề tài khoa học này” - ông Vân nói.

Nuôi tôm VietGAP là đề tài khoa học đầu tiên được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai trên địa bàn TP.Tam Kỳ, kỳ vọng mở ra hướng phát triển nuôi tôm bền vững. Để mô hình thành công, thiết nghĩ ngành chức năng của TP.Tam Kỳ cần vào cuộc, khắc phục những bất cập, nhất là sâu sát hơn với nông hộ trong quá trình sản xuất.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN