Tôm vùng triều Tam Tiến chết hàng loạt

03/04/2018 14:25

(QNO) – Người nuôi tôm vùng triều ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) rơi vào cảnh điêu đứng vì nhiều hồ tôm đang nuôi bỗng dưng chết trắng sau một thời gian ngắn.

Nhiều hồ nuôi tôm của người dân xã Tam Tiến bị chết.  Ảnh: THANH THẮNG
Nhiều hồ nuôi tôm vùng triều ven sông Trường Giang, xã Tam Tiến bị chết hàng loạt. Ảnh: THANH THẮNG

Gần một tuần trở lại đây, hàng chục hộ dân nuôi tôm ven sông Trường Giang, xã Tam Tiến đang loay hoay khử trùng hồ nuôi để chuẩn bị cho lứa tôm mới. Ông Hồ Ngọc Vân (45 tuổi, trú thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến) cho hay, thời điểm này, đáng ra ông đang tất bật chăm sóc những hồ nuôi tôm của mình để chờ ngày xuất bán. Thế nhưng, hiện nay tôm bị chết nhiều, ông phải xử lí hồ nuôi để tiếp tục vụ mới.

Ông Vân cho biết, giữa tháng 2.2018, ông thả 16 vạn tôm thẻ chân trắng trong hai hồ nuôi tôm nước lợ ven sông Trường Giang với chi phí hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, hai hồ nuôi tôm của ông đều có dấu hiệu bất thường, tôm chết nổi trắng hồ.

“Những ngày cuối tháng 3 vừa rồi, tôi kiểm tra thì thấy hồ tôm có nhiều dấu hiệu rất bất thường. Buổi sáng mà tôm tự nhiên nhảy lên mặt nước, còn ở gần bờ một số tôm búng lên bờ thì rồi chết. Ban đầu, khi thấy tôm chết tôi cũng vớt lên, nhưng qua vài ngày tôm chết trắng hồ nên phải kéo tôm lên. Số tôm còn sống tôi bán được đồng nào thì hay đồng đó rồi xử lí hồ nuôi lại lứa tôm mới” - ông Vân nói.

Ông Vân khẳng định, tôm chết không phải do nguồn nước vì hồ tôm của ông chỉ dùng giếng khoang, không lấy nước trực tiếp từ sông Trường Giang.

Người nuôi tôm lượm tôm bị chết mang về làm thức ăn cho gia cầm. Ảnh: THANH THẮNG
Người nuôi tôm lượm tôm bị chết mang về làm thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: THANH THẮNG

Cũng giống như trường hợp của ông Vân, hồ tôm của anh Nguyễn Ngọc Châu (37 tuổi, trú thôn Lộc Ngọc) cũng bị chết hoàn toàn. "Vụ vừa qua là lứa tôm đầu tiên tôi nuôi trên diện tích hồ tôm gần với sông Trường Giang. Tôi thả 14 vạn giống vào đầu tháng 2.2018. Thế nhưng, hơn một tháng sau thì tự nhiên thấy tôm búng vào bờ, chết. Nhìn thì không thấy gì lạ nên tôi cố gắng để thêm vài ngày xem có đỡ hơn không. Nhưng mà tôm này càng chết nhiều hơn.” - ông Châu nói.

Không chỉ riêng hộ ông Vân, ông Châu, mà còn hàng chục hộ nuôi tôm khác trên địa bàn xã Tam Tiến đều lâm vào cảnh tương tự.

Người dân xử lí hồ bằng vôi. Ảnh: THANH THẮNG
 Xử lí hồ tôm bằng vôi chuẩn bị cho lứa tôm mới. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, trong thời gian vừa qua tại các hồ nuôi tôm ở vùng của người dân ở vùng triều ven sông Trường Giang có xuất hiện tôm chết. Toàn xã có trên 20 hộ nuôi tôm bị chết như đã nói nằm rải rác ở các thôn Tân Lâp, Lộc Ngọc, Bản Long... Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng tôm chết hàng loạt là do bệnh hồng thân. Loại bệnh này năm nào cũng xuất hiện trong những ao nuôi tôm nước lợ ở vùng triều. Tuy nhiên, những diện tích hồ nuôi lót bạc trên địa bàn thì không có sự cố trên xảy ra.

“Khi sự cố tôm nuôi của nhiều hộ dân bị chết, UBND xã Tam Tiến đã có khuyến cáo với người nuôi tôm trên địa bàn phải xử lí nước trong hồ nuôi có tôm chết bằng vôi, chlorine... sau 7 ngày mới được thải ra môi trường. Hiện nay, đa số các hộ nuôi tôm bị chết trong vụ tôm đầu của năm 2018 đã bắt đầu hồ chuẩn bị thả tôm trở lại” - ông Luận nói.

THANH THẮNG