Đóng tàu công suất lớn từ vốn vay ưu đãi: Áp lực nợ quá hạn
Triển khai Nghị định 67 (nay thay thế bằng Nghị định 17), các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết 65 hợp đồng tín dụng đóng mới tàu công suất đối với 65 ngư dân thuộc các địa phương Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Đáng báo động, trong tổng số 719,42 tỷ đồng đã giải ngân, sau hơn 3 năm triển khai doanh số thu nợ của các ngân hàng mới chỉ đạt 12,371 tỷ đồng.
Ngư dân Trần Công Kỳ - chủ tàu vỏ thép QNa-90318 là một trong 3 ngư dân lâm vào nợ xấu tại Quảng Nam đến thời điểm này. Ảnh: Q.V |
Báo động... nợ
Theo báo cáo từ các ngân hàng, trong số các hợp đồng tín dụng, BIDV chi nhánh Quảng Nam cho vay 16 tàu, giải ngân 190,294 tỷ đồng, doanh số thu nợ đến nay 4,697 tỷ đồng; Agribank chi nhánh Quảng Nam cho vay 46 tàu, giải ngân 495,048 tỷ đồng, doanh số thu nợ 6,759 tỷ đồng; VietinBank chi nhánh Quảng Nam cho vay 1 tàu, giải ngân 5,513 tỷ đồng, doanh số thu nợ 595 triệu đồng; BIDV chi nhánh TP.Hội An cho vay 2 tàu, giải ngân 28,565 tỷ đồng, doanh số thu nợ 320 triệu đồng. Tổng số nợ xấu, đến nay áp dụng cho 3 chủ tàu là Trần Văn Liên (xã Bình Minh, Thăng Bình) 7,677 tỷ đồng, Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, Núi Thành) 16,4 tỷ đồng và Hoàng Hiền (xã Bình Hải, Thăng Bình) 5,248 tỷ đồng. Trong đó, trường hợp của ngư dân Trần Văn Liên là bất khả kháng, bởi tàu vỏ thép này nằm bờ do sự cố hỏng máy, chưa một lần ra khơi. Còn ngư dân Hoàng Hiền sản xuất với tàu vỏ gỗ bằng 3 nghề lưới vây, chụp mực và câu cá ngừ đại dương, nhưng lấy lý do sản xuất không hiệu quả nên chưa thể trả nợ cho ngân hàng. Trong khi đó, ngư dân Trần Công Kỳ là người tiên phong sản xuất với nghề chụp mực đang ăn nên làm ra cũng cho rằng mình thu không đủ bù chi sau mỗi chuyến biển nên lâm vào tình cảnh nợ quá hạn lâu ngày dẫn đến nợ xấu.
Đáng nói, đến nay hầu hết chủ tàu vay vốn ưu đãi đều lâm vào tình trạng nợ quá hạn. Điều này dẫn đến việc, chủ các tàu vỏ thép sẽ không được Nhà nước cấp bù 6% trong tổng số 7% lãi suất phải trả mỗi năm cho ngân hàng thương mại; còn chủ tàu vỏ gỗ sẽ không được Nhà nước cấp bù lãi suất 4% trong tổng số 7% lãi suất phải trả mỗi năm. “Nợ quá hạn một lần khiến cho ngư dân mất đi ưu đãi cấp bù lãi suất nên rất dễ dẫn đến nợ xấu, bởi những lần trả nợ tiếp theo sẽ càng khó khăn hơn. Mới chỉ có 3 trường hợp lâm vào nợ xấu, nhưng trong thời gian đến sẽ rất khó để không có thêm trường hợp nào nữa, dù Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, các ngân hàng thương mại, ngành nông nghiệp đều đôn đốc ngư dân cần trả nợ đúng hạn” - ông Phạm Trọng, Trưởng phòng Tổng hợp và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả 13 chủ tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp sản xuất kém hiệu quả trong thời gian qua đều rơi vào tình trạng nợ quá hạn, và chưa ai tìm được lối ra, rất lúng túng, bị động trong tìm cách chuyển nghề hoặc kiêm nghề. Không ít tàu trong nhóm này nhiều tháng qua đã nằm bờ, như 5 tàu của ngư dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình). Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian đến, sẽ là chuyện lạ nếu số chủ tàu theo nghề này không rơi vào trường hợp nợ xấu.
Khó giải quyết
Theo bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, nợ quá hạn khó giải quyết một thì nợ xấu khó giải quyết gấp 10 lần. Gắng sức tránh tình trạng nợ quá hạn, chi nhánh ngân hàng thương mại này đã tự thỏa thuận với ngư dân, cho họ vay thêm tiền để trả nợ khi đến hạn. Vậy nhưng, giúp ngặt chứ không thể mãi giúp nghèo, cả 3 trường hợp nợ xấu đến thời điểm này đều rơi vào BIDV chi nhánh Quảng Nam. “Rất mong UBND cấp huyện, cấp xã là nơi cư trú của ngư dân vay vốn đóng tàu liên hệ chặt chẽ với chi nhánh ngân hàng thương mại, đôn đốc, hối thúc họ nâng cao ý thức trả nợ khi đến hạn để hạn chế nợ quá hạn và nợ xấu. Mong Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản phối hợp với chúng tôi tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu sản xuất không hiệu quả chuyển nghề, kiêm nghề mới để thu được hiệu quả chuyến biển kha khá, trả nợ đúng hạn để được Nhà nước hỗ trợ cấp bù lãi suất vốn vay, giảm áp lực trả nợ trong các kỳ tiếp đến” - bà Vũ Thị Tố Nga nói. Tuy nhiên ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho rằng việc này rất khó đem lại hiệu quả. Bởi ngân hàng lẫn chính quyền địa phương rất khó kiểm soát được dòng tiền của ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, nên không thể chắc chắn tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu là do sản xuất không hiệu quả hay chây ỳ trả nợ. “Ngư dân có thể bán hải sản ngay trên biển mà chúng ta không thể nào giám sát được; hay họ thu được hiệu quả chuyến biển cao nhưng lại bảo thấp, cán bộ đâu thể cứ bám riết lấy ngư dân mà kiểm tra. Việc kiêm nghề, chuyển nghề đã đặt ra bấy lâu nay vẫn chưa đem lại hiệu quả” - ông Phạm Đình Dũng nói.
Trong nỗ lực tìm cách giải quyết tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu của các chủ tàu, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, có thể dựa vào điểm mới của Nghị định 17 thay thế cho Nghị định 67. Đó là chuyển phương tiện công suất lớn của chủ tàu này cho chủ tàu khác khi sản xuất không hiệu quả. Theo quy định của Nghị định 17, có thể chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu đó không đủ năng lực để tiếp tục khai thác hải sản hiệu quả đồng thời chủ tàu mới đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định 67 trước đây và ngân hàng thương mại cho vay vốn đồng ý. Khi đó, chủ tàu mới sẽ được hưởng các quyền lợi theo chính sách hỗ trợ đã có và phải trả nợ đúng hạn cho ngân hàng thương mại. Vấn đề đặt ra là chính sách chuyển đổi chủ tàu cá đó có đi vào cuộc sống hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, khi tàu cá đã sản xuất không hiệu quả thì hiếm có ngư dân nào dám nhận để rồi… bỗng dưng mang nợ.
VIỆT NGUYỄN