Bám biển Hoàng Sa

THÀNH CÔNG 20/03/2018 14:45

Chuyến biển mới bắt đầu. Những rộn ràng đã lắng lại nơi cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành), khi những con tàu cuối cùng rời bến. Nơi họ đến là vùng biển Hoàng Sa…

Đội tàu vỏ thép của xã Tam Giang ngày càng phát huy hiệu quả cao trong đánh bắt. Ảnh: T.CÔNG
Đội tàu vỏ thép của xã Tam Giang ngày càng phát huy hiệu quả cao trong đánh bắt. Ảnh: T.CÔNG

Ra khơi

Nắng phả lấp lóa trên mặt sông. Đường về cảng An Hòa hình như còn vương chút hương xuân nơi những chậu cúc đã trổ bông vàng rực, hoa mai nở muộn bừng một góc sân nhà bên đường. Những hối hả dồn về phía cảng, nơi đoàn xe chở hàng hóa cho tàu. Mùa biển mới. Đã thành thông lệ, qua rằm tháng Giêng, các chủ tàu hối hả gọi thợ đến sửa sang thuyền thúng, giàn phơi, vá lại mành lưới. Lao xao một góc cảng là tiếng điện thoại gọi bạn hàng mang bình gas, gạo muối, đặt xẻ thịt nguyên một con heo tạ làm lương thực thực phẩm cho chuyến biển dài ngày. Cuối tháng Giêng, tôi đứng ở cảng lắng nghe mớ thanh âm phát ra từ tiếng đục đẽo, sửa chữa, tiếng người nói, cả tiếng máy tàu khởi động nhả khói lên nền trời trong xanh. Những con tàu khẽ nhích ra phía ngoài, nhường chỗ cho tàu bạn sau khi đã chất đầy thực phẩm, nước ngọt cho một chuyến đi dài…

Ngư dân Huỳnh Văn Khôi thắp một cây nhang cài lên thuyền thúng. Ông là chủ tàu QNg 91829TS, công suất 829CV, hành nghề câu mực. Chiếc thuyền thúng, sau đó được kiểm tra, buộc lại từng mối cước. Mười ba thuyền viên đã có mặt. Trên bờ, ngổn ngang gạo, mì tôm, hơn hai chục bình gas cỡ lớn, và cả bánh kẹo, nước ngọt giải khát. “Sửa soạn một chuyến biển, nhìn sơ sơ chớ cũng mất hơn một tuần. Giờ thì cũng hòm hòm rồi, chờ được ngày là đi. Năm nay, ngó chừng trời cũng đẹp, hy vọng một năm trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều mực, thuyền máy đừng xảy ra sự cố” - ông Khôi nói. Tốp ngư dân đi bạn cho ông vẫn hối hả đóng sửa khung phơi chuyển lên thuyền. Ngay sát tàu ông Khôi, tàu vỏ thép QNg 91612TS của ngư dân Đỗ Văn Trầm ở thôn Hòa An, xã Tam Giang, đã chuyển xong 1.000 cây đá lạnh xuống khoang chứa. Ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm đã sẵn sàng cho chuyến biển đầu năm. Tàu ông Trầm hành nghề chụp mực, với 17 thuyền viên. Gió ở cảng, căng những tấm băng rôn đỏ rực dọc thân tàu. Những dòng chữ đầy niềm tự hào của ngư dân làng biển “biển bạc của ta do dân ta làm chủ”, “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Tàu QNg 91612TS nổ máy, rời chỗ cho tàu bạn cập cảng để vận chuyển đồ đạc lên tàu. Cảng cá, chưa dứt những thanh âm rộn ràng, khí thế của chuyến biển đầu năm.

Sát cánh trên biển

Tam Giang từ lâu đã nổi danh với đội tàu vỏ thép chuyên đánh bắt xa bờ. Điều may mắn là ở nơi này, tàu vỏ thép của ngư dân không phải liên tiếp nằm bờ như câu chuyện buồn của ngư dân một vài nơi khác. Hiệu quả, an toàn, tính tự động hóa cao, đỡ tốn nhân công cho một chuyến biển nên đội tàu vỏ thép ngày càng lớn mạnh. Ngư dân Dương Văn Hải trú thôn Thuận An, xã Tam Giang, chủ tàu vỏ thép QNg 90848TS với số vốn đầu tư 18 tỷ đồng, công suất 822CV, hành nghề chụp mực, tỏ ra khá tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của con tàu. Mới đưa vào sử dụng được một năm, song mùa đánh bắt đầu tiên cũng đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho chủ tàu, đủ để trang trải chi phí và dành dụm trả một phần khoản vay đóng tàu. Chuyến biển lần này, như thường lệ, ngư trường đánh bắt vẫn là Hoàng Sa. “Thời gian trước, khi còn chạy tàu vỏ gỗ, vừa tốn nhân công, rủi ro lại cao hơn khi gặp phải thời tiết xấu, đụng độ với tàu nước ngoài. Từ khi đóng tàu vỏ thép, thời gian đánh bắt dài ngày hơn, đỡ lo lắng phải tìm đủ thuyền viên đi bạn, sẵn sàng cho những chuyến đi vài tháng trời. Trên biển, chúng tôi còn có những đồng nghiệp, còn có tổ đoàn kết luôn sát cánh bên nhau, giữa Hoàng Sa” - ngư dân Dương Văn Hải tâm sự. Và không chỉ có tàu ông Hải. Tất cả con tàu, từ bến An Hòa này, đều nói, sẽ thẳng tiến Hoàng Sa…

Trong những gió bão từ phía biển, năm 2017, một con tàu câu mực và hai ngư dân của xã Tam Giang đã không may mắn phải nằm lại ở Trường Sa, khi đang vào tránh gió. Vẫn còn biết bao hiểm nguy nhưng nụ cười không tắt. Tôi ngồi nói chuyện với những người đàn bà biển. Họ vá lưới, soạn hàng, gọi người chở gạo, chở nước đá cho tàu… Khi đàn ông đi biển, lo lắng kéo dài theo những lần nghe tin thời tiết chuyển biến thất thường, hay nghe tin những cuộc chạm mặt không mong muốn ngoài khơi. Nhưng ngay cả lúc như vậy, ở họ vẫn nguyên vẹn một niềm tin. Tin vào sự dạn dày kinh nghiệm của chồng con. Tin vào những con tàu vỏ thép vững chãi. Và họ tin vào biển, nơi hiện hữu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Một niềm tin vững chắc, từ phía Hoàng Sa…

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG