Nuôi tôm nước lợ vụ 1-2018: Vẫn rủi ro, bấp bênh
Vụ 1 nuôi tôm nước lợ diễn ra chưa đầy 1 tháng đã xuất hiện bệnh, tôm chết hàng loạt. Trong khi đó đã có nhiều cơ chế hỗ trợ nhưng nông hộ vẫn chưa tiếp cận được để nâng mức đầu tư, ổn định sản xuất.
Nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn hết sức bấp bênh vào thời điểm này. Ảnh: VIỆT QUANG |
Tôm chết nhiều nơi
Hướng đến nông nghiệp sạch, chất lượng cao, UBND TP.Tam Kỳ đã triển khai mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP ở xã Tam Phú nhưng nơi đây lại là “tâm điểm” tôm chết vào những ngày này. Ông Nguyễn Trạng - Trưởng thôn Quý Thượng cho biết, người nuôi tôm trên địa bàn rất bất an vì tôm “chết như rạ” khi vụ nuôi tôm mới chỉ diễn ra chưa đầy một tháng. “Năm trước, nuôi tôm trên địa bàn thành công thì nay ngược lại hoàn toàn. Cả 10ha ao nuôi tôm đều chết hết. Thời gian nuôi tôm năm nay còn dài nên các nông hộ cải tạo lại ao nuôi, tiếp tục đầu tư nhưng không biết sẽ thế nào trong thời gian đến” - ông Nguyễn Trạng nói. Nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Quý Thượng đúng lịch mùa vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh đang khóc ròng. “Gia đình tôi đầu tư 4 ao nuôi có tổng diện tích 14 sào bắt đầu từ ngày 1.2 theo hướng dẫn của ngành chức năng. Đến nay, tôm đã chết hoàn toàn, thân có màu đỏ. Trước khi chết, tôm lờ đờ nổi lên mặt nước. Với hiện tượng đó, hình như tôm bị bệnh hoại tử gan tụy, không thể cứu chữa được” - ông Bùi Đình Hải - hộ nuôi tôm có thâm niên 10 năm ở thôn Quý Thượng nói. Nhiều hộ nuôi tôm khác ở thôn này cho biết, thời điểm tháng 2 khi thả tôm giống để nuôi, trời rất lạnh. Thời tiết thay đổi đột ngột trong những ngày qua, bỗng dưng nắng gắt đã khiến cho môi trường nước biến đổi hoàn toàn, tôm không thể thích ứng kịp, hệ miễn dịch suy giảm, tôm suy hô hấp, mắc bệnh, chết hàng loạt.
Chờ chính sách từ trung ương Chính phủ đã có Nghị định 17, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 67 được ban hành ngày 7.7.2014. Theo đó, có nhiều chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản như ngân sách cấp 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống tập trung, gồm ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm, đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung. Nhà nước cũng sẽ cấp ngân sách để đầu tư trung tâm giống thủy sản cấp vùng, trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp trung ương và cấp vùng. “Việc làm hồ sơ để Chính phủ hỗ trợ, đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản thuộc chức trách của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp & phát triển nông thôn Quảng Nam do UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh có cách để thụ hưởng chính sách này” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói. |
Các hộ Nguyễn Thị Vương, Nguyễn Văn Hồ luôn thành công nuôi tôm trong thời gian qua cũng đã chung tình trạng tôm chết sau gần một tháng thả nuôi. Nguyên nhân tôm chết được các nông hộ lý giải là nguồn nước sông Trường Giang quá ô nhiễm; thời tiết thất thường khiến tôm “sốc” môi trường. Một yếu tố nữa là tôm giống dù có kiểm dịch nhưng do mua ở tỉnh bạn nên không biết kiểm dịch đó thật hay giả. Cách vùng nuôi tôm của xã Tam Phú không xa, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Tam Tiến (Núi Thành) cũng đứng ngồi không yên vì bệnh trên tôm nuôi đang diễn ra và có thể lây lan thành dịch bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, năm nào chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người nuôi tôm cải tạo ao kỹ càng, thả nuôi đúng lịch nhưng “vượt rào” nuôi tôm trước vụ vẫn cứ diễn ra. Nguyên nhân là hạ tầng vùng nuôi tôm quá sơ sài. Người dân lo sợ nước sông Trường Giang quá ô nhiễm trong khi kênh cấp nước, kênh thoát nước không có nên nuôi sớm để hạn chế xáo trộn môi trường nước khiến tôm dễ bị chết do bệnh tấn công.
Cơ chế còn... xa
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, chưa nắm rõ tình trạng tôm chết hàng loạt trong những ngày qua vì các địa phương chưa báo cáo. “Chúng tôi sẽ cử cán bộ đến các vùng nuôi thủy sản có tôm chết để lấy mẫu nước, mẫu tôm để kiểm tra, xét nghiệm rồi khuyến cáo các nông hộ. Mỗi tháng chúng tôi thực hiện việc này 2 lần theo kế hoạch được Sở NN&PTNT thông qua” - bà Tâm nói. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra với điều kiện năm sau y hệt năm trước. Thực trạng chung là nguồn nước sông Trường Giang vốn ô nhiễm nghiêm trọng được nông hộ lấy trực tiếp vào ao để nuôi tôm chứ không thông qua lắng lọc. Các địa phương đều có quy hoạch vùng nuôi tôm nhưng không hề đầu tư thủy lợi, nước luôn thẩm lậu từ sông vào ao nuôi và ngược lại, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tôm giống được nông hộ mua ở tỉnh bạn về nuôi mà không tham gia kiểm dịch nên không chắc chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Nuôi tôm không hề có ao xử lý nước thải mà nông hộ lại tùy tiện xả thải ra bên ngoài nên luôn xảy ra tình trạng lây lan mầm bệnh từ ao này sang ao khác, từ vùng này qua vùng khác.
Trong điều kiện nuôi tôm bấp bênh như vậy, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, giúp nông hộ hoặc nhóm nông hộ thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ là “cái phao” cứu vớt nghề nuôi tôm của tỉnh. UBND tỉnh đã thông qua nhiều cơ chế khuyến khích nuôi tôm bền vững bằng cách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy sản; tích tụ, tập trung ao hồ nuôi quy mô lớn, theo hướng hàng hóa; sản xuất sạch được triển khai theo mô hình VietGAP hoặc nuôi an toàn dịch bệnh. Các cơ chế này đã có hiệu lực từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn rất xa vời với các nông hộ. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, có 2 nguyên nhân để lý giải điều này là các điều kiện để được nhận hỗ trợ là không dễ và người dân vẫn mang tâm thế tiểu nông trong sản xuất mà chưa được các nhà quản lý ở địa phương tổ chức bài bản để nâng tầm.
VIỆT QUANG