Phát huy thế mạnh nghề cá
Thực hiện chủ trương phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, thời gian qua Nhà nước đã dành nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện để ngư dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh nghề biển.
Ngư dân tiếp đá cây, vươn khơi đầu năm. |
Nghề cá Quảng Nam trong những năm gần đây phát triển vượt bậc. Đội tàu khai thác hải sản phát triển mạnh cả về số lượng lẫn công suất. Sản lượng và giá trị khai thác hải sản tăng qua từng năm. Cơ cấu nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng đa nghề, sản xuất quanh năm và vươn khơi khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu. Đời sống ngư dân ven biển ngày càng khởi sắc. Thành quả đó ngoài “thế mạnh” cần cù vượt khó, bền bỉ bám biển của ngư dân, còn nhờ sự tiếp sức của Nhà nước với hàng loạt cơ chế khuyến khích, hỗ trợ. Như hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển với mức hỗ trợ tối đa là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm; hỗ trợ lãi suất vốn vay để ngư dân tiếp cận đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cũng giúp ngư dân được vay vốn 1,5 tỷ đồng không lãi suất để đóng tàu lớn, sản xuất xa bờ. Ngoài ra, cả Trung ương và tỉnh đều dành chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển, giúp họ kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống như sắm sửa lại phương tiện hay ngư lưới cụ bị hỏng, mất mát... Các chính sách lớn đi vào cuộc sống đã giúp ngư dân thêm kiên tâm bám biển, làm giàu từ biển gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Tạo động lực cho nghề cá Thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT thực hiện nhiều nhiệm vụ trong năm 2018. Đó là sắp xếp lại nghề khai thác hải sản ven bờ và tuyến lộng, chú trọng phát triển khai thác hải sản xa bờ; tổ chức, kiện toàn các tổ, đội tàu cá theo hình thức kiêm nghề gắn với dịch vụ hậu cần trên biển; trợ giúp ngư dân áp dụng khoa học - công nghệ mới vào khai thác, bảo quản hải sản; củng cố, phát huy, nhân rộng các tổ đoàn kết sản xuất trên biển; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân các quy định pháp luật của quốc tế, Việt Nam về Luật biển, Công ước về luật biển 1982... giúp ngư dân hoạt động trên biển an toàn. |
Quảng Nam đang ra sức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, hoàn thiện 2 trung tâm hậu cần nghề cá ở 2 đầu của tỉnh là Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) và Tam Quang (Núi Thành) làm trợ lực, đòn bẩy giúp ngư dân thuận tiện sản xuất, giảm chi phí đầu vào của chuyến biển và ổn định đầu ra hải sản. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành thủy sản sẽ khẩn trương hướng dẫn, giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách mới của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ, phát triển làm động lực mới cho nghề cá trong năm 2018 này. Ngành tiếp tục khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá sản xuất tại các vùng biển khơi, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với các nghề có hiệu quả kinh tế cao đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách mới giúp ngư dân sản xuất ven bờ thay thế sinh kế, hạn chế suy giảm nguồn lợi hải sản ven bờ.
Theo ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT, trong vòng 4 năm trở lại đây nhờ được hỗ trợ nhiều khâu nên ngư dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển nghề đánh bắt hải sản theo hướng nâng cao năng lực khai thác và hiệu quả đánh bắt xa bờ. Tính đến cuối năm 2017 toàn tỉnh có gần 4.400 tàu cá với tổng công suất xấp xỉ 370.000CV. Trong đó, tàu cá có khả năng hoạt động xa bờ là 755 chiếc, tăng 264 chiếc so với năm 2016. Qua thống kê cho thấy, năm 2017 tổng sản lượng thủy hải sản ngư dân Quảng Nam khai thác được là 85.700 tấn, tăng 7.533 tấn so với năm 2016. Trong số 85.700 tấn sản phẩm vừa nêu thì có 82.615 tấn khai thác biển. Nói về định hướng của nghề khai thác thủy hải sản trong năm 2018, ông Đức chia sẻ: “Thời gian tới, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những chính sách của trung ương và của tỉnh về hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ nhiều khâu để ngư dân có điều kiện đẩy mạnh việc cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền nhằm tăng sản lượng hải sản khai thác xa bờ. Dự tính, riêng năm 2018 toàn tỉnh sẽ có thêm ít nhất 50 tàu có công suất hơn 400CV/chiếc. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều và mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá…”.
VIỆT QUANG - VĂN SỰ