Biển, phía trước và phía sau
Là mặt tiền - phía trước
Là sinh kế - phía sau
Làm sao để khai thác tiềm năng của biển với nghề cá, không bỏ ngư dân lại phía sau trên hành trình phát triển, đó là câu chuyện của Quảng Nam và cả miền duyên hải...
Nhộn nhịp mua bán hải sản trên biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Miền duyên hải dân cư trù mật, giữ cửa ngõ ra biển, nơi mà “văn hóa ăn cơm” gắn với “văn hóa nước mắm” (cái gì quý thì ví “hũ mắm treo đầu giàn” hay mối thân thiết “cơm với cá như mạ với con”). Quảng Nam có 6 huyện, thị xã, thành phố nằm ven biển, trải dài 125km bờ biển, chiếm khoảng 6/10 dân số nên đời sống gắn bó mật thiết với biển. Dù khu vực này đang thu hút đầu tư rất mạnh vào công nghiệp và du lịch, khiến lực lượng lao động chuyển đổi nghề rất lớn, nhưng lao động trực tiếp nghề biển vẫn còn khá đông đảo, chừng 35 ngàn người. Thêm nữa, nghề cá là nghề truyền thống lâu đời, không chỉ là sinh kế, mà còn có ý nghĩa thực thi chủ quyền biển đảo quốc gia. Cho nên trong cuộc dịch chuyển lớn lao của dòng chảy lao động, không thể không tính tới chính sách an sinh cho dân cư là ngư dân, lao động nghề biển.
Ổn định
Ít nhiều cũng đã có sự xáo trộn dân cư khi quy hoạch và các dự án đầu tư lớn “đóng cọc” trên vùng đông. Vệt các dự án du lịch ven biển, từ giáp Đà Nẵng qua Điện Ngọc, Điện Dương, Hội An gần như đã lấp kín. Phía nam, từ dự án Nam Hội An, Vinpearl và các dự án khác nữa trên vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình sẽ kéo theo sự thay đổi diện mạo khổng lồ ở mặt biển. Rồi đến Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hải, bãi Rạng (Núi Thành), du lịch nối tiếp bước chân trên các “bãi cát vàng”. Khu kinh tế mở Chu Lai, với rất nhiều dự án công nghiệp, du lịch đã, đang và sẽ đầu tư, tạo nên sự thay đổi rất lớn về bức tranh kinh tế, đặt ra nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, sinh kế của ngư dân ven biển. Nhưng với khá đông lao động trong vùng - đặc biệt người khó chuyển đổi qua nghề nào khác, vẫn đang có nhu cầu trước mắt là ổn định cuộc sống bằng nghề biển, nghề cá.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Tại hội nghị lần thứ 9 của Tỉnh ủy Quảng Nam (khóa XXI) cũng đặt ra định hướng đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, để phát triển ngành thủy sản bền vững đặt ra việc điều chỉnh, sắp xếp lại nghề khai thác hải sản ven bờ, đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ; tổ chức, kiện toàn các tổ, đội tàu cá xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần trên biển; đẩy mạnh công nghiệp chế biến hải sản... |
Ngay vùng lõi của Khu kinh tế mở Chu Lai, thì huyện Núi Thành vẫn đang giữ vai trò trọng điểm nghề cá của Quảng Nam. Nơi đây, nghề biển phát triển nhất tỉnh. Với bờ biển dài 37km, 2 cửa biển, Núi Thành có thế mạnh về nghề khai thác hải sản. Toàn huyện có gần 1.600 tàu thuyền gắn máy với tổng công suất khoảng 190 ngàn sức ngựa (CV), trong đó tàu cá công suất 400CV trở lên có gần 210 chiếc. Đội tàu hùng mạnh này trong năm 2007 đã đem về sản lượng đánh bắt tới 45 ngàn tấn hải sản các loại.
Rõ ràng, trong tương lai gần vẫn phải lo ổn định cuộc sống của ngư dân ven biển, ít ra là với các địa phương trọng điểm nghề cá. Với lực lượng lao động, ngoại trừ giới trẻ có khả năng tiếp cận để chuyển đổi nghề qua làm du lịch, dịch vụ, làm công nhân cho các nhà máy, thì có khá lớn ngư dân chỉ quen nghề đi biển, sống với sinh kế đã gắn bó bao đời nay.
Sắp xếp để phát triển
Sắp xếp dân cư thì hiển nhiên rồi. Quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam được triển khai. Theo đó, có hơn 18.000 hộ dân với gần 73.000 nhân khẩu của 15 xã thuộc 4 huyện, thành phố (gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP. Tam Kỳ) chịu ảnh hưởng. Có hơn 4.000 hộ dân trong diện di dời, còn lại nằm trong diện sắp xếp, chỉnh trang tại chỗ; hộ nông nghiệp chiếm 41%, hộ ngư nghiệp chiếm 31%. Phần lớn diện tích kéo dài từ huyện Duy Xuyên đến Núi Thành, sau khi sắp xếp dành để đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và các khu đô thị.
Như thế hiện hữu mặt tiền của du lịch cũng là mặt tiền ra biển của nghề cá, từ bờ biển, âu thuyền, cửa cảng, làng chài,... Trên hạ tầng đó, cùng với sự dịch chuyển lao động, cần phải quy hoạch tổng thể về ngành nghề, vừa tính phát triển được các nghề mới vừa giữ nghề biển, nhằm ổn định sinh kế bền vững của cư dân nơi đây.
Ở góc độ ngành chuyên môn, việc sắp xếp (hay tái cấu trúc ngành khai thác thủy hải sản) đã tính đến sự cần thiết quy hoạch số tàu thuyền và nghề đánh bắt. Hiện toàn tỉnh có gần 4,4 ngàn phương tiện khai thác hải sản, tổng công suất gần 240 ngàn sức ngựa, trong đó tàu cá hoạt động xa bờ khoảng 700 chiếc, sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng duy trì mức tổng sản lượng khai thác khoảng 80.000 tấn/năm nhưng tăng dần tỷ trọng sản lượng khai thác hải sản xa bờ. Dự tính, đến năm 2020 đội tàu cá xa bờ được phát triển cả về chất lẫn về lượng để đạt khoảng 60% tổng sản lượng hải sản khai thác.
Để phát triển nghề cá, việc quan trọng là đầu tư hạ tầng cùng hậu cần và lao động. Về hạ tầng, Quảng Nam đang và sẽ triển khai xây dựng nâng cấp các cảng cá Tam Phú (Tam Kỳ), Cửa Đại, Cù Lao Chàm (Hội An); xây dựng 2 trung tâm nghề cá lớn ở Cửa Đại (Hội An) và Tam Quang (Núi Thành); nâng cấp âu thuyền Hồng Triều thành Khu dịch vụ, hậu cần nghề cá... Về lao động đi biển, Quảng Nam đang thừa lao động theo kiểu truyền thống và thiếu lao động có tay nghề cao phù hợp với công nghệ mới trong khai thác hải sản. Có ngư dân Quảng Nam xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc để làm nghề đánh bắt hải sản, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, nhưng tại quê nhà thì vẫn đang thiếu những “bạn biển” làm chủ hiệu quả những con tàu xa bờ. Việc đào tạo nghề cho ngư dân (như làm thuyền trưởng, máy trưởng...) vẫn là đòi hỏi bức thiết.
Dĩ nhiên để nghề cá phát triển còn phải tiếp tục gia tăng đầu tư cho hạ tầng, cơ sở hậu cần, chế biến; quy hoạch nghề đánh bắt hiệu quả hướng tới xuất khẩu; tiếp tục đào tạo lao động tay nghề cao; đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ (như hỗ trợ đóng tàu xa bờ công suất lớn, bảo hiểm, cứu hộ cứu nạn...). Như ông Chung Man-hwa, khi là đương kim Chủ tịch Viện Kinh tế thủy sản thuộc Liên đoàn quốc gia HTX thủy sản Hàn Quốc (KNFC), từng chia sẻ: “Quan trọng nhất vẫn là sự gắn kết giữa ngư dân, làng chài và việc đánh bắt. Bên cạnh đó, việc các quỹ hỗ trợ một cách toàn diện cho ngư dân cũng rất cần thiết để phát triển nghề cá”.
Có thể giàu lên từ biển, từ ngành thủy sản không? Chắc chắn, vì bởi sản phẩm thủy sản của vùng duyên hải miền Trung đã được tiêu thụ rộng khắp thị trường trên thế giới, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, giàu tiềm năng như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Biển, trước sau vẫn có thể đem lại sinh kế và làm giàu cho ngư dân, lao động nghề cá. Xuân của biển là bài ca cùng đoàn thuyền ra khơi...
ĐĂNG QUANG