Mở hướng phát triển nghề chế biến cá khô
Ở thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ bà con ngư dân vẫn lưu giữ nghề truyền thống chế biến, phơi cá khô và làm nước mắm. Nhiều năm gắn bó với nghề, bà Nguyễn Thị Thơ và chị Trần Thị Thơ mong muốn nghề truyền thống đã gắn bó bao đời với người dân ở làng biển Thanh Đông phát triển hơn. Nguyện vọng đó được cụ thể hóa khi Hội Nông dân TP.Tam Kỳ thành lập tổ hội nghề nghiệp chế biến, phơi cá khô thôn Thanh Đông. Nhờ vậy, hội viên được hỗ trợ vốn, hoạt động của tổ hội gắn kết thêm nhiều hội viên tham gia và dần đi vào nền nếp. Sản phẩm làm ra không bị ép giá, nguồn thu nhập của hội viên ổn định hơn trước. Thành viên trong tổ được hỗ trợ vay vốn nên mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm vật dụng phơi cá và các thiết bị sấy cá nên không còn lo lắng lúc thời tiết mưa gió như trước. Những sản phẩm chính của tổ hội gồm cá hố và cá cơm. Cứ 2kg cá hố tươi (5 - 6 con) phơi được 1kg cá hố khô. Giá bán cá khô dao động khoảng 80 - 120 nghìn đồng/kg. Chị Trần Thị Thơ - Tổ trưởng tổ hội chia sẻ: “Mô hình này khá hiệu quả, bởi tận dụng được thời gian nhàn rỗi, chị em tập trung phơi cá và có thêm nguồn thu nhập trang trải cho gia đình. Chúng tôi mong Hội Nông dân thành phố hỗ trợ thêm nguồn vốn và kỹ thuật bảo quản vì cá khô rất khó giữ được lâu, từ đó xây dựng thương hiệu cho nghề truyền thống này được phát triển hơn”.
Khi tham gia tổ hội nghề nghiệp, các thành viên trong tổ thường xuyên hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật chế biến để sản phẩm đạt chất lượng, an toàn. Đến nay, tổ hội có 16 hội viên nông dân tham gia, họ có điều kiện thuận lợi khi được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Sắp tới, Hội Nông dân TP.Tam Kỳ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ như cho nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nhằm khuyến khích, phát triển thêm số lượng hội viên tham gia. Ông Phạm Thanh Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thanh, cho hay: “Năm ngoái, chúng tôi thành lập tổ hội để gắn kết hội viên tham gia sản xuất, chế biến cùng ngành nghề để chị em phụ nữ có điều kiện để vừa làm nghề, vừa nâng cao được thu nhập. Từ khi thành lập cho đến nay, hội thường xuyên hỗ trợ cho tổ hội về thông tin về thời tiết, về thị trường, giá cả; tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay cho hội viên”.
Trao đổi về mô hình sản xuất này, ông Phạm Việt Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Tam Kỳ cho biết thêm: “Bước đầu thành lập tổ hội nghề nghiệp ở thôn Thanh Đông chỉ có số ít hội viên đăng ký tham gia nhưng đến nay nhiều hội viên mà nhất là phụ nữ đã đăng ký vào tổ hội này”. Bởi ngoài việc được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trên 100 triệu đồng đã giải ngân, Hội Nông dân thành phố tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khác để đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó, lấy mô hình tổ hội ở thôn Thanh Đông làm điểm nhằm triển khai nhân rộng trên địa bàn thành phố. Đồng thời qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở hội.
THÁI BÌNH