Tháo gỡ vướng mắc tàu xa bờ

QUỐC TUẤN 30/08/2017 08:40

Hôm qua 29.8, tại Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra” nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận chính sách vay vốn đóng tàu xa bờ.

Tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) hư hỏng nằm bờ tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 6.2017.  Ảnh: QUẾ CHÂU
Tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) hư hỏng nằm bờ tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 6.2017. Ảnh: QUẾ CHÂU

Nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thực hiện Nghị định 67, đến nay có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới đạt 1.510 tàu. Theo cơ cấu nhóm nghề thì tàu đóng theo Nghị định 67 làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc, nghề lưới vây 427 chiếc, nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần 237 chiếc. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp), số vốn cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67, những bất cập, vướng mắc dần xuất hiện, cần tháo gỡ kịp thời.

Tại hội thảo, ngư dân Đinh Công Khánh (quê Bình Định) cho biết, Công ty đóng tàu Nam Triệu không hoàn thành việc sửa chữa tàu cá của ông theo đúng thời hạn cam kết là ngày 30.8.2017, và hiện tàu vẫn nằm tại cảng khiến kinh tế gia đình khó khăn. Ngoài ra, một số ngư dân Bình Định khác được mời tham dự hội nghị cũng phản ánh về thủ tục vay vốn rườm rà, chủ tàu gặp rắc rối trong quá trình lấy hóa đơn hay việc giám sát, kiểm định chất lượng tàu cá còn mù mờ. Theo ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phát đi thông báo sẵn sàng đồng hành với ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng không được giao như cam kết, và hội sẽ bỏ chi phí ra thuê luật sư giúp bảo vệ quyền lợi của ngư dân trong các vụ kiện đối với những trường hợp không có điều kiện để làm việc này.

Theo ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ngân hàng cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 bắt buộc ngư dân phải thế chấp cả tàu lẫn “sổ đỏ” là điều khá bất cập vì ngoài việc bám biển trong thời gian điều kiện thời tiết thuận lợi thì ngư dân cũng cần có phương án khác để cải thiện sinh kế trong mùa biển động, nhưng nếu cầm cố luôn cả “sổ đỏ” thì rất khó để xoay xở. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cho rằng, 92% các đối tượng vay vốn thực hiện đóng tàu theo Nghị định 67 ở Agribank là các khách hàng đơn lẻ. Khi có vấn đề cần liên lạc với ngư dân vay vốn thì gặp rất khó khăn vì đặc thù công việc bám biển dài ngày. Có nhiều hồ sơ vay vốn khi đăng ký đã được ngân hàng duyệt nhưng sau đó lại tự ý thay đổi vật liệu, kích thước tàu dẫn đến thay đổi dự toán, gây khó khăn trong công tác thẩm định, làm thủ tục kéo dài...

Đề xuất sửa đổi, bổ sung

Theo chỉ tiêu được Bộ NN&PTNT phân bổ, Quảng Nam đã phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới theo Nghị định 67 với 60 tàu vỏ thép, 30 vỏ gỗ và 2 tàu composite. Tính đến ngày 1.8.2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng, cho vay nâng cấp 2 tàu và đóng mới 61 tàu cá với tổng giá trị cam kết cho vay là 696,3 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được 666,96 tỷ đồng/63 tàu cá. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nhìn chung các tàu vỏ gỗ và composite hoạt động ổn định, hiệu quả sản xuất ở mức khá, còn một số tàu vỏ thép xuất hiện trục trặc ở các bộ phận thiết bị khai thác, ngư lưới cụ, hầm bảo quản… Riêng một tàu vỏ thép đóng tại Đà Nẵng của chủ tàu Trần Văn Liên (quê Bình Minh, Thăng Bình) bị sự cố hỏng máy chính đến nay chưa khắc phục được.

Ngư dân Lê Tuyến (Duy Hải, Duy Xuyên) phát biểu tại hội thảo.
Ngư dân Lê Tuyến (Duy Hải, Duy Xuyên) phát biểu tại hội thảo.

Dù không xuất hiện tình trạng hàng loạt tàu đóng mới phải nằm bờ suốt một thời gian dài như ở Bình Định, nhưng các tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của ngư dân Quảng Nam cũng xuất hiện một số bất cập gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, hiện nay một số ngư dân mong muốn chuyển đổi nghề để nâng cao năng lực sản xuất nhưng đang gặp khó khăn. Ông Lê Tuyến (quê xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên), người vừa hạ thủy tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 chia sẻ: “Tàu của tôi cũng như tàu của ngư dân Tạ Văn Lâu (cùng quê Duy Xuyên) vừa hạ thủy. Tàu được thiết kế để hành nghề lưới rê, tuy nhiên chúng tôi muốn kiêm thêm nghề lưới chụp để tăng hiệu quả và đa dạng trong khai thác nhưng khúc mắc vẫn là thủ tục và vốn của gia đình rất hạn chế”. Một vấn đề khác, nhiều ngư dân ở Quảng Nam than phiền khi cập bến ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) thì đến tận 15 giờ chiều cùng ngày mới có không gian để neo và bán hải sản khai thác cho các chủ nậu nhưng chất lượng bị giảm sút dẫn đến bị ép giá.

Theo ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng nhà máy đóng tàu vỏ thép tại miền Trung và xây dựng bến bãi neo đậu ở Quảng Nam, bởi hiện tại các tàu vỏ thép phần lớn đều được đóng ở xa nên khi tàu hoạt động ở các vùng biển xa xảy ra sự cố thì thuyền trưởng và ngư dân rất khó khắc phục. Ông Nguyễn Út cũng cho rằng việc vay vốn hơn 90% giá trị tàu theo Nghị định 67 hiện nay sẽ không sàng lọc hết được những đối tượng có nhu cầu thực sự, dẫn đến nhiều hộ không có kinh nghiệm trong quản lý, vận hành khai thác thủy sản cũng vay vốn đóng tàu. Từ đó, ông Út đề xuất nên sửa đổi hạ mức vay vốn xuống 60% mới thể hiện trách nhiệm thực sự của ngư dân.

Nhà nước cần đầu tư hạ tầng nghề cá đồng bộ

Theo ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về chính sách đầu tư, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ. Thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do khối lượng văn bản hướng dẫn nhiều, phối hợp nhiều đơn vị. Chính sách được xây dựng theo hướng tạo điều kiện để ngư dân chủ động lựa chọn, tự quyết định việc vay vốn, lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu, ngân hàng vay vốn...

Theo kiến nghị của Bộ NN&PTNT, trong Nghị định 67 sửa đổi tới đây, ngân sách trung ương cần ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ các hạng mục bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng và đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực). Đối với chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá, chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư. Về chính sách bảo hiểm: thực hiện hỗ trợ đối với tàu công suất từ 250CV trở lên; quy định mức hỗ trợ là 70% chi phí bảo hiểm thân tàu và thuyền viên; bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu, đã có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18 tàu), Quảng Nam (1 tàu) bị hư hỏng: gỉ sắt phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống, hỏng máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản...
H.Q (Theo báo điện tử Dân Việt)

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN