Tạo lực cho tàu vỏ thép
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh rà soát tổng thể các bất cập trong hoạt động của đội tàu vỏ thép Quảng Nam, qua đó triển khai đồng bộ giải pháp, hỗ trợ ngư dân sản xuất thuận tiện hơn trên các vùng biển xa của Tổ quốc trong thời gian đến.
Đội tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam đi vào sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc.Ảnh: N.Q.V |
Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, toàn thành phố chỉ có 1 tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam). Thế nhưng từ khi được đóng mới, hạ thủy, đi vào sản xuất đến nay, tàu vỏ thép QNa-93089 bám biển được 5 chuyến thì chuyến đạt nhất hòa vốn, 4 chuyến còn lại thua lỗ. “Theo báo cáo của ngư dân, bình quân mỗi chuyến biển có giá thành lên đến 250 - 300 triệu đồng. Nghề lưới rê hỗn hợp của ngư dân Châu thu được giá trị kinh tế cao nhất sau chuyến biển là xấp xỉ 300 triệu đồng, huề vốn. Đến nay, tàu nằm bờ” - ông Tường nói. Tàu vỏ thép QNa-93089 gặp nhiều sự cố trong thời gian đi vào sản xuất chưa lâu. Khi đang sản xuất trên vùng biển Hoàng Sa, tàu vỏ thép này đã bị tàu Trung Quốc cắt vàng lưới, tổn thất 500 triệu đồng, phải vay mượn nhiều nơi mới có thể sửa chữa. Con tàu này đã bị hỏng hộp số, phải thay hộp số khác tốn quá nhiều chi phí.
Đã giải ngân 666,96 tỷ đồng đóng tàu từ Nghị định 67: Tính đến ngày 15.7, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng, cam kết cho ngư dân vay đóng mới 61 tàu cá, đạt 66,3% tổng số được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng giá trị đầu tư là 696,3 tỷ đồng, đã giải ngân được 666,96 tỷ đồng. Đến nay, với nguồn vốn ưu đãi từ Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quảng Nam đã có 57 tàu cá được đóng mới (24 tàu vỏ gỗ, 32 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite) và 2 tàu cải hoán, nâng cấp đi vào sản xuất. Ngư dân Quảng Nam đang được thi công đóng mới 4 tàu cá vật liệu mới, gồm 3 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. |
Ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho rằng, việc kiểm soát dòng tiền trong khai thác hải sản gặp khó ở cả ngư dân lẫn ngân hàng. Ngư dân vốn quen sản xuất nhỏ với tàu vỏ gỗ, hạch toán kinh tế, kiểm soát giá thành chuyến biển sẽ trở nên khó khăn khi khai thác hải sản với tàu vỏ thép có quá nhiều chi phí. Về phía ngân hàng, nghe ngư dân báo cáo con số thu lợi hoặc thua lỗ ở chuyến biển mà không thể nào biết đích xác con số đó đúng hay sai. “Trong quá trình trả nợ, nếu chủ tàu bị nợ quá hạn sẽ bị cắt khoản được hỗ trợ 6% lãi suất. Chỉ phải trả 1% lãi suất mà không trả nổi thì làm sao gánh hết cả 7% lãi suất trả nợ” - ông Dũng nói. Còn bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, lo lắng khả năng trả nợ của ngư dân khi đến hạn. Hầu hết tàu vỏ thép được ngân hàng thương mại này cho ngư dân vay vốn đóng tàu hoạt động không hiệu quả với nghề lưới rê hỗn hợp. Đã có các trường hợp chủ tàu vỏ thép trên địa bàn huyện Duy Xuyên không trả được nợ khi đến hạn, bị cắt hỗ trợ 6% lãi suất vốn vay.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, về sự cố của tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình), UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình gặp sự cố, gửi văn bản để UBND tỉnh tổng hợp, đánh giá, trực tiếp yêu cầu Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ khẩn trương xét xử, qua đó giúp tàu vỏ thép QNa-94679 sớm đi vào sản xuất. Sở NN&PTNT mau chóng tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương ven biển, tìm cách giúp đỡ ngư dân sử dụng thành thục thao tác gửi tin nhắn về trạm bờ khi đang sản xuất trên các vùng biển xa để được nhận hỗ trợ dầu. UBND tỉnh cũng ghi nhận tình trạng sản xuất không hiệu quả từ nghề lưới rê hỗn hợp của các tàu vỏ thép. Theo đó, giao Sở NN&PTNT sớm có giải pháp hỗ trợ ngư dân sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến; đồng thời phối hợp với các địa phương ven biển hoàn thiện các thủ tục cần thiết, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt để ngư dân có thể sản xuất kiêm nghề trên tàu vỏ thép.
NGUYỄN QUANG VIỆT