Nhiều ngư dân không được hỗ trợ tiền dầu: Trục trặc liên lạc với trạm bờ
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh không nhận được hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 48), nguyên do chính là hệ thống tin nhắn về trạm bờ gặp trục trặc.
Ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ảnh:VIỆT QUANG |
Nhắn tin bị lỗi
Theo Quyết định 48, ngư dân sẽ được hỗ trợ tiền dầu khi hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có rất nhiều trường hợp ngư dân không được hỗ trợ.
Ông Lương Văn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90039 có công suất 900CV cho rằng, nghề câu mực khơi chỉ có thể bám biển tối đa 4 chuyến biển/năm. Bởi vậy, nếu có 1 chuyến biển không được hỗ trợ nhiên liệu thì rất thiệt thòi. “Theo quy định, chúng tôi bắt buộc phải nhắn đủ 7 tin nhắn vào 7 ngày khác nhau khi hoạt động tại các ngư trường Hoàng Sa hoặc Trường Sa về trạm bờ thì mới có điều kiện được nhận hỗ trợ tiền dầu. Vậy nhưng, suốt trong chuyến biển vừa qua, cứ hễ chúng tôi nhắn tin thì trên hệ thống liên lạc phát ra âm thanh tút tút ngắt quãng. Ban ngày chúng tôi nhắn tin không được thì nhắn vào ban đêm nhưng vẫn bất lực vì tin nhắn bị lỗi. Các nghề khác có chuyến biển chỉ trong vòng 15 ngày nên họ không nhận được hỗ trợ cho chuyến biển này thì còn đến hơn 10 chuyến biển khác để có thể nhận đủ hỗ trợ dầu tối đa 4 chuyến biển/năm” - ông Cam nói.
Giải ngân hơn 234 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân Đến thời điểm này, qua 6 năm triển khai Quyết định 48, UBND tỉnh đã giải ngân hơn 234 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua máy liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS, hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên, đặc biệt, hỗ trợ tiền dầu hơn 224 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, qua 1 đợt xét duyệt, UBND tỉnh đã giải ngân gần 13 tỷ đồng hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân. Có 5 mức hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân: máy chính tàu cá có công suất 90CV đến dưới 150CV được hỗ trợ 22 triệu đồng/chuyến biển; 150CV đến dưới 250CV được hỗ trợ 30 triệu đồng/chuyến biển; 250CV đến dưới 400CV được hỗ trợ 55 triệu đồng/chuyến biển; 400CV đến dưới 700CV được hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến biển; từ 700CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển. |
Quảng Nam có 4 nghề chủ lực, ngoài câu mực khơi còn có chụp mực, lưới rê hỗn hợp và lưới vây. Nguồn hỗ trợ tiền dầu lâu nay đã giúp nhiều ngư dân vượt qua khó khăn, có động lực bám biển. Ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-91594 có công suất 718CV cho biết, ở cả 4 chuyến biển từ đầu năm đến nay, việc nhắn tin khi đang sản xuất ở các vùng biển xa về trạm bờ đều gặp trục trặc. “Chúng tôi đã thực hiện đúng các quy định để có thể được nhận hỗ trợ tiền dầu. Thứ nhất là phải bám biển ít nhất 15 ngày cho 1 chuyến đánh bắt xa bờ, khi xuất nhập cảng, lực lượng biên phòng xác nhận qua sổ danh bạ thuyền viên tàu cá. Thứ 2 là nhắn đủ 7 tin nhắn vào 7 ngày khác nhau khi đang sản xuất tại ngư trường Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Vậy nhưng, tin nhắn liên tục gặp sự cố, rất mong các ngành chức năng giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn để sản xuất thuận lợi hơn trong thời gian đến” - ông Bẹn nói.
Sẽ kiểm tra lại
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam khẳng định, chỉ khi nào trạm bờ bố trí ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhận đủ 7 tin nhắn của ngư dân khi đang hoạt động ở các vùng biển xa bờ thì mới có cơ sở để thực hiện hỗ trợ tiền dầu. Từ đầu năm đến nay, vì không nhận đủ 7 tin nhắn nên có rất nhiều trường hợp ngư dân không được nhận hỗ trợ. “Hệ thống liên lạc để gửi và nhận tin nhắn của ngư dân và trạm bờ đều là máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS ký hiệu VX 1700. Máy liên lạc này được sử dụng tại Quảng Nam đều chính hãng do Nhật sản xuất, rất khó hư hỏng. Do máy hiện đại, ngư dân thao tác những lần đầu tiên chưa thuần thục nên đôi khi sử dụng không thành công. Hiện tại, số tàu hoạt động xa bờ của ngư dân ngày một tăng trong khi đó, do nóng vội, nhiều ngư dân nhắn tin liên tục, dày đặc nên mạng bị nghẽn khiến hàng loạt tàu cùng nhắn tin không thành công” - ông Ngô Tấn nói.
Chúng tôi đặt vấn đề, việc ngư dân nhắn tin không thành công có thể do máy của trạm bờ bị lỗi? Chi cục Thủy sản Quảng Nam khẳng định, không thể xảy ra trường hợp này vì máy VX 1700 ở trạm bờ hoạt động liên tục 24/24 giờ thông qua sự giám sát của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT). Theo ông Ngô Tấn, khi ngư dân nhắn tin về, trạm bờ thực hiện cùng lúc 2 chức năng. Đó là lưu giữ tin nhắn của ngư dân để tập hợp, rồi phối hợp cùng Sở Tài chính, xét duyệt hỗ trợ dầu theo quy định và tin nhắn sẽ tự động chuyển thẳng về Tổng cục Thủy sản để lưu giữ, thống kê theo chức năng quản lý. Từ đầu năm đến nay, chưa hề có trường hợp máy ở trạm bờ ngừng hoạt động. Nếu không may bị cúp điện thì máy sẽ chuyển sang hoạt động bằng nguồn năng lượng ắc quy. “Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch, bố trí lịch để đoàn công tác của Sở NN&PTNT đến từng địa điểm có nghề cá để kiểm tra các chi tiết trong hệ thống nhắn tin của ngư dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân nhắn tin hiệu quả hơn trong thời gian đến” - ông Ngô Tấn nói.
VIỆT QUANG