Giá mực xà tăng vọt
Giá mực xà đạt mức kỷ lục trong những ngày qua đã đem đến niềm phấn khởi cho ngư dân.
Mực xà tăng giá đột biến trong những ngày qua. Ảnh: N.Q.V |
Vượt đỉnh
Những ngày này, cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) sôi động bởi các tàu câu mực khơi chuẩn bị vươn khơi bám biển. Ngư dân Nguyễn Văn Bé (thôn Đông Bình, xã Tam Giang) - chủ tàu cá QNa-90839 có công suất 830CV cùng 50 bạn biển khẩn trương khiêng vác thúng câu, các nhu yếu phẩm phục vụ bám biển dài ngày ở ngư trường Trường Sa. “Chuyến biển thứ 3 này sẽ khó câu mực hơn 2 chuyến trước vì thời tiết dự báo sẽ thất thường, luôn có áp thấp nhiệt đới, biển động mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi yên tâm vì ở ngư trường Trường Sa có nhiều khu neo đậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi có tình huống xấu. Hầu hết anh em chưa được nghỉ ngơi trọn vẹn, chuyến biển thứ 2 mới vừa kết thúc, chúng tôi cập bờ bán mực xà xong là vươn khơi ngay” - anh Bé nói. Anh Bé cho biết, chuyến biển vừa qua, tàu QNa-90839 thu được tổng cộng 30 tấn mực xà, bán được xấp xỉ 4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí sau hơn 2 tháng bám biển tổng cộng là 500 triệu đồng, chủ tàu thu được 800 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 50 triệu đồng. “Chưa bao giờ chúng tôi bán mực xà với giá cao kỷ lục là 135 nghìn đồng/kg. Thời điểm mực xà được giá nhất trước đây là hồi năm 2014 với mức 125 nghìn đồng/kg. Được mùa lại được giá nên anh em đều phấn khởi, hối thúc nhau mau chóng bám biển” - anh Bé nói.
Xã Tam Giang là địa bàn có nghề câu mực khơi lớn nhất tỉnh, hiện có 30 tàu câu mực thì có đến hơn 20 tàu đồng loạt chuẩn bị vươn khơi. Theo ngư dân Huỳnh Văn Trí (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90859 có công suất 820CV, do thời tiết có biến động nên ở chuyến biển thứ 3 này, ông và các bạn biển sản xuất ở ngư trường Trường Sa, thay vì Hoàng Sa như ở 2 chuyến biển trước từ đầu năm. “Tôi vừa chuẩn bị xong nhiên liệu, chuyến biển dự kiến diễn ra trong vòng gần 3 tháng sẽ tiêu hao hơn 20 nghìn lít dầu, khoảng 300 triệu đồng. Các nhu yếu phẩm khác như lương thực, thực phẩm, nước uống, gas cộng thêm sẽ khiến giá thành cho chuyến biển lên đến 500 triệu đồng. Chỉ mong trời yên, biển lặng giúp chúng tôi có thêm chuyến biển thành công” - ông Trí nói. Chuyến biển vừa qua, ông Trí và gần 50 bạn biển thu được tổng cộng 25 tấn mực xà. Chủ tàu thu được gần 700 triệu đồng, mỗi bạn được chia 40 triệu đồng.
Nhu cầu tăng
Ông Nguyễn Văn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Giang cho biết, sau 2 chuyến biển từ đầu năm, đến nay, sản lượng khai thác mực xà của 30 tàu câu mực trên địa bàn đạt 4.890 tấn. Như vậy, tính trung bình, mỗi tàu đạt gần 40 tấn mực xà/chuyến biển. “Cứ mỗi khi tàu câu mực cập bờ là tôi đến thống kê sản lượng thu được. Ngư dân khiêng vác hải sản lên cân bán ngay tại cảng cá An Hòa nên hầu như không có sai sót về tổng sản lượng thống kê. Năm nay, nghề câu mực khơi rất thành công, sản lượng tăng cao mà giá bán tăng vọt khiến cho hiệu quả kinh tế thu được tăng đột biến. Mong sao thị trường mua bán mực xà ổn định về giá, giúp ngư dân thu được giá trị cao, yên tâm bám biển” - ông Lúc nói.
Tại xã Bình Minh (Thăng Bình) hiện có 19 tàu câu mực khơi. Các chuyến biển của ngư dân đều đạt khá. Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngư dân theo nghề câu mực bám biển được 2 chuyến. Tính trung bình mỗi tàu thu được 20 tấn hải sản/chuyến biển. Giá mực xà ngư dân bán được dao động ở mức xấp xỉ 130 nghìn đồng/kg. “Mặc dù sản lượng mực xà ngư dân thu được không quá cao nhưng giá bán tăng vọt đã khiến cho hiệu quả chuyến biển tăng lên rõ rệt. Câu mực khơi là nghề chủ lực của địa phương. Giá bán cao đã giúp cho ngư dân được tiếp thêm động lực trong những chuyến bám biển trong thời gian tới” - ông Bảy cho hay.
Đối chiếu với mọi năm sản xuất của nghề câu mực khơi - điệp khúc được mùa, mất giá luôn lặp lại thì thực tế được mùa, được giá vào thời điểm hiện tại của nghề này là rất khác biệt. Bà Phan Thị Tuyết (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) kinh doanh mực xà nhiều năm nay cho biết, giá mực xà tăng đột biến là do nguồn cầu tăng cao. Trước đây, mực xà chỉ có thể xuất khẩu bán qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Do độc quyền thu mua nên thương lái Trung Quốc ép giá, nhiều khi mực xà chỉ bán được 50 nghìn đồng/kg. Qua nhiều mối quen biết làm ăn, bà Tuyết đã kết nối, bán được mực xà qua các thị trường Thái Lan, Indonesia, Malaysia. “Khi hàng hóa mực xà không còn độc quyền để phía Trung Quốc quyết định giá thì theo quy luật thị trường, nguồn cầu tăng lên khiến giá bán mực xà tăng cao là điều dễ hiểu. Tôi thu mua hầu hết mực xà của ngư dân Quảng Nam khai thác được và đã nhiều lần thua lỗ do bị phía Trung Quốc đột ngột giảm giá mua” - bà Tuyết nói. Theo bà Tuyết, gần như chắc chắn giá mực sẽ không giảm trong thời gian đến do nguồn cung không nhiều bởi mùa biển động đã ở ngay phía trước. Đồng thời sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng thị trường mực xà xuất khẩu trong thời gian đến.
NGUYỄN QUANG VIỆT