Ngổn ngang với tàu vỏ thép

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT 08/07/2017 07:02

Việc triển khai Chương trình 67 đã cho ra đời những con tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam, góp phần cụ thể hóa chiến lược biển của tỉnh: hiện đại hóa nghề cá, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Song đến thời điểm này, những tính năng ưu việt của tàu vỏ thép lại chưa hiển hiện mà thực tế là những bất cập, khó khăn, vướng mắc. Rõ ràng, cần những góc nhìn thấu đáo để áp dụng các giải pháp khả thi, tạo cú hích giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản hiệu quả trong thời gian đến.

Đội tàu vỏ thép hùng hậu của Quảng Nam cần được tiếp sức để sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến.Ảnh: QUANG VIỆT
Đội tàu vỏ thép hùng hậu của Quảng Nam cần được tiếp sức để sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến.Ảnh: QUANG VIỆT

NGƠ NGÁC BÊN TÀU HỎNG

Ngư dân Quảng Nam đã dành biết bao kỳ vọng, ngóng đợi ngày con tàu vỏ thép được đóng mới, hạ thủy, đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Vậy nhưng, đến thời điểm này, không ít ngư dân đã phải nhận nỗi thất vọng tràn ngập. Tuy không nặng nề như ở Bình Định, nhưng một số tàu vỏ thép ở Quảng Nam cũng đã xảy ra sự cố hỏng hóc.

Nợ nần chồng chất

Tôi tìm lại nhà ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) trong cái nắng đổ lửa đầu tháng 7. Ông Liên gầy rộc hẳn so với thời điểm ngày 30.4.2016, khi con tàu vỏ thép QNa-94679 hoàn thành, chạy thử nghiệm, chuẩn bị bàn giao. Nhưng nay, hơn một năm đi qua, nỗi khốn khổ đã hiện rõ trên gương mặt người ngư dân này. Con tàu vỏ thép QNa-94679 lẽ ra đang lướt sóng ở Trường Sa, Hoàng Sa thì lại đang bất động ở Công ty đóng tàu Bảo Duy (TP.Đà Nẵng). “Tôi phải đi vá lưới thuê, mỗi ngày được 200 nghìn đồng mà ngân hàng báo nợ vay vốn đóng tàu quá hạn phải trả mỗi ngày gần 1,5 triệu đồng. Tôi chưa được bàn giao tàu vỏ thép thì làm sao vươn khơi được nhưng vẫn phải trả tiền vay vốn ngân hàng, đắng quá!” - ông Liên thở dài.

Như nhiều ngư dân Quảng Nam, ông Liên vui mừng khi được được các cấp chấp thuận cho vay đóng tàu vỏ thép. “Quá trình vay vốn, giải ngân, khởi công đóng tàu dài đằng đẵng trong niềm hồi hộp, khấp khởi đón chờ. Đùng một cái, máy chính bị hỏng, con tàu nằm trơ ra đó đến tận bây giờ tôi ôm một đống nợ” - ông Liên chia sẻ. Để được vay vốn đóng tàu vỏ thép của BIDV chi nhánh Quảng Nam, ông Liên đã bán tàu vỏ gỗ được gần 600 triệu đồng, mượn người thân 200 triệu đồng để làm vốn đối ứng. Khi con tàu sắp sửa hoàn thành, ông Liên vay 400 triệu đồng để ký hợp đồng lao động với 10 bạn biển, mức 18 triệu đồng/người/3 tháng, chi trả trước 180 triệu đồng. Nhiều chi phí khác cũng khiến ông Liên tốn thêm 220 triệu đồng.

Ngư dân Trần Văn Liên ngồi vá lưới còn con tàu vỏ thép thì vẫn bất động ở Đà Nẵng.Ảnh: QUANG VIỆT
Ngư dân Trần Văn Liên ngồi vá lưới còn con tàu vỏ thép thì vẫn bất động ở Đà Nẵng.Ảnh: QUANG VIỆT

Ngày 30.4.2016 có lẽ sẽ khắc ghi trong ngư dân Trần Văn Liên theo cách không thể buồn thảm hơn. Khi chạy thử nghiệm, con tàu bị hỏng máy. Bên cung cấp máy thủy là Công ty Liên Á, bên đóng tàu là Công ty Bảo Duy đều phủ nhận trách nhiệm. Ông Liên chạy đôn, chạy đáo kêu gọi giúp đỡ từ mọi cơ quan, đoàn thể của tỉnh nhưng bất lực. Ông đành kiện ra Tòa án Tam Kỳ. Thời gian cứ trôi, ông Liên đến chừ vẫn ngơ ngác bên con tàu vỏ thép mỗi khi ra Đà Nẵng ghé thăm. “Đóng tàu vỏ thép đã khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất biết hồi mô trả được nợ” - ông Liên lại thở dài.

Liên tục hư hỏng

Xác minh nguyên nhân hỏng máy tàu của ngư dân Trần Văn Liên

Phó Chánh án TAND TP.Tam Kỳ Đinh Tấn Long cho biết đang xét xử vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên - chủ tàu vỏ thép QNa-94679 - đối với cơ sở đóng tàu là Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy và bên cung cấp máy thủy là Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á, để đòi bồi thường máy thủy bị hỏng. Phiên tòa được mở lần 1 vào ngày 9.6, trong quá trình thẩm vấn đã phát sinh nhiều chứng cứ mới không thể xác minh làm rõ ngay, nên hoãn để xác minh thêm. Sau đó, tòa đã thông báo mở lại ngày 27.6, nhưng Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á xin hoãn lần 1 vì có việc đột xuất. “Sau khi Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á xin hoãn thì nổi lên sự việc các tàu vỏ thép của tỉnh Bình Định đồng loạt bị hỏng với nhiều nguyên nhân rất phức tạp. Sự việc đó có một số điểm tương đồng với vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên nên chúng tôi thận trọng tìm hiểu, xác minh thêm các chứng cứ mới. Chỉ có xác định rõ nguyên nhân gây nên hỏng máy thủy trên tàu của ngư dân Liên thì mới có thể buộc bên nào phải thực hiện trách nhiệm bồi thường” -  ông Đinh Tấn Long nói. TAND TP.Tam Kỳ cũng cho biết, vì vụ kiện ngày càng phát sinh các chứng cứ mới, phức tạp, nên dù rất khẩn trương nhưng vẫn phải thận trọng xác minh kỹ nên chưa thể xác định chắc chắn thời gian nào sẽ mở lại phiên tòa.

Ngày 17.11.2015 cũng là thời điểm khó quên của ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh). Vào ngày này, ông Thu được Công ty Hải Sơn (TP.Đà Nẵng) bàn giao tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh, mang số hiệu QNa-95997 có công suất 822CV, trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải hiện đại như ra đa, máy định vị kết hợp hải đồ điện tử tích hợp thiết bị định dạng... Ông Thu lúc đó hân hoan ra mặt. Nhưng con tàu được bàn giao chưa lâu thì sự cố xảy đến, vàng lưới rê hỗn hợp dài gần 20km, quá nặng trong khi tời kéo không đủ lực, chuyến biển đầu tiên thất bại. Sau khi sửa chữa, các chuyến biển tiếp theo cũng dồn dập sự cố, con tàu rung lắc dữ dội do thiết kế không hợp lý, kết cấu thân tàu thiếu cân bằng. Ông Thu than thở: “Tàu vỏ thép mà hoạt động không được khi gió biển cấp 3 - 4 thì hiện đại để làm chi”. Tiếp tục khắc phục, con tàu lại vươn khơi nhưng khó khăn sản xuất thì chưa chịu dừng lại khi nước giữ lạnh trong khoang cá cứ liên tục tuồn về khoang máy.

Ngày 12.6 vừa qua, khi đang đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa, chiếc tàu vỏ thép hiện đại này lại bị hư hỏng hộp số, trôi trên biển, ông Thu phải nhờ trung tâm cứu hộ lai dắt tàu vào Đà Nẵng, rồi nằm bờ để sửa chữa đến hôm nay vẫn chưa xong. Ông Thu nghẹn ngào: “Sự cố đã hết chưa hay con tàu vẫn còn nguy cơ trong thời gian đến? Tôi đi biển trên con tàu vỏ thép mà bất an quá thể, không biết rồi đây sẽ ra sao”. Chúng tôi đặt câu hỏi, quá trình chọn cơ sở đóng tàu rồi giám sát quá trình thi công đóng tàu thế nào trong thời gian qua? Ông Thu tin tưởng: “Công ty Hải Sơn thuộc Tổng Công ty Sông Thu là đơn vị quân đội, quá uy tín khi đóng mới hàng loạt tàu cảnh sát biển, tôi đâu nghi ngờ được. Vì con tàu là tài sản lớn, lại là vốn vay nên tôi ngày đêm túc trực, tự giám sát, đâu thấy có bất thường”. Về câu hỏi tại sao lại liên tục trục trặc, ông Thu trả lời là do thiết kế không phù hợp với phương thức sản xuất, tàu rất thiếu cân bằng, rất khó thao tác, xoay xở khi vận hành, mặc dù đây là một trong 21 mẫu tàu vỏ thép Bộ NN&PTNT đưa ra. Một vấn đề đáng bàn đối với sự cố tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu là máy thủy chính của Mỹ nhưng hộp số lại của Trung Quốc, dễ hỏng.

ÂU LO VỚI TÀU LỚN

Có quá nhiều nỗi lo đang bủa vây các chủ tàu vỏ thép khi sản xuất không hiệu quả, chuyến biển thu không đủ bù chi. Thêm nỗi lo tàu vỏ thép không biết sẽ neo đậu, trú tránh ở đâu vào mùa bão lũ trong khi vấn đề bảo dưỡng, bảo hành thì vẫn bỏ ngỏ.

Ngư dân Phạm Hiên vẫn thua lỗ dù sở hữu tàu vỏ thép. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngư dân Phạm Hiên vẫn thua lỗ dù sở hữu tàu vỏ thép. Ảnh: QUANG VIỆT

Sản xuất thất bát

Xã Duy Vinh (Duy Xuyên) có 4 tàu vỏ thép được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, đều của ngư dân ở thôn Trà Đông là Phạm Hiên, Đỗ Văn Tiến, Đỗ Văn Thành và Trần Đậu. Để tương trợ nhau, 4 ngư dân tập hợp lại thành lập tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Họ đều vươn khơi bằng nghề lưới rê hỗn hợp. Đây là nghề hoàn toàn mới mẻ với họ khi sản xuất lần đầu bằng tàu vỏ thép. Các chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trong vòng hơn một năm qua đến nay đều... không đạt. Cứ mỗi quý, các chủ tàu này đều phải trả nợ ngân hàng nhưng do thu không đủ bù chi đã khiến họ lâm vào cảnh nợ quá hạn. “Từ tháng 3 đến nay, tàu vỏ thép QNa-93455 của tôi phải nằm bờ. Trước đó, các chuyến biển đều thất bát, dù được hỗ trợ dầu vẫn không bù được chi phí. Đến nay thì thiếu hẳn lao động vì các “bạn” nghĩ tôi không đủ tiền trả công cho họ sau chuyến biển” - ngư dân Đỗ Văn Tiến nói. Con tàu vỏ thép của ông Tiến có giá trị khoảng 15 tỷ đồng, được BIDV chi nhánh Quảng Nam cho vay vốn chiếm 95% giá trị con tàu. Theo ông Tiến, cứ mỗi quý, ông phải trả nợ cho ngân hàng số tiền 87 triệu đồng. Do nợ quá hạn, không được Nhà nước hỗ trợ 6% lãi suất, số tiền phải trả của ông Tiến tăng lên 120 triệu đồng. Ông Tiến nói: “Tăng thêm gần 40 triệu đồng thì làm sao tôi có thể trả được nợ trong khi sản xuất quá khó khăn. Chung quy cũng chỉ do nghề lưới rê hỗn hợp mà ra. Trước đây tôi sản xuất bằng nghề lưới Bạc Liêu hiệu quả nhưng ngành chức năng hướng dẫn chuyển sang nghề này mà dẫn đến cơ sự”.

Hiện cả 3 chủ tàu còn lại đều... sợ tàu vỏ thép. Đang vụ sản xuất chính nhưng các ngư dân này đều không dám ra khơi vì sợ thua lỗ. Các ngư dân cho biết, nghề lưới rê hỗn hợp có mắt lưới lên đến 16,5cm, quá rộng, chỉ đánh bắt được các loại cá lớn, còn cá nhỏ lọt thỏm ra ngoài. Trong khi đó, đối tượng đánh bắt chính của nghề này là cá thu lại rất hiếm gặp trên các vùng biển trong thời gian qua. “Lẽ ra chúng tôi phải tự quyết định nghề chúng tôi ra biển sản xuất, vậy mà do quá nhiều áp lực, chúng tôi đã theo nghề lưới rê hỗn hợp mà đánh mất đi ưu thế của mình” - ngư dân Phạm Hiên - chủ tàu vỏ thép QNa-93789 nói.

Chọn nhầm loại hình nghề là câu chuyện chung của đa số ngư dân lần đầu sản xuất với tàu vỏ thép. Các ngư dân Trần Công Chi (xã Bình Minh, Thăng Bình), Phạm Văn Tư (xã Bình Dương, Thăng Bình) đều thua lỗ khi sản xuất trên biển bằng nghề lờ lươn. Các chuyến biển gần đây của các ngư dân này đều thua lỗ không dưới 50 triệu đồng. Hiện tại, hầu hết chủ tàu vỏ thép sản xuất bằng nghề lờ lươn đều chuyển hướng. Hướng chuyển của họ lại là nghề lưới rê hỗn hợp mà họ vốn sản xuất không hiệu quả trước đó. Cái vòng luẩn quẩn sản xuất không hiệu quả lặp đi lặp lại không có lối ra.

Tàu vỏ thép trú đâu?

Hơn một năm nay, từ ngày sở hữu tàu vỏ thép, ngư dân Trần Công Chi – chủ tàu vỏ thép QNa-94989 phải chọn cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) để neo tàu. Ở huyện Thăng Bình, dù đã có quy hoạch khu vực neo đậu cho tàu lớn nhưng do thiếu nguồn vốn nên vẫn bỏ ngỏ. Ông Chi than thở phải túc trực cả ngày lẫn đêm trên tàu ở nơi đất khách vì sợ không may sự cố xảy ra khi vắng mặt. Ông Chi nói: “Đến thời điểm này, ở Quảng Nam chưa hề có chỗ neo đậu cho tàu vỏ thép. Mùa mưa bão đang đến, tôi và các chủ tàu khác đều lo lắng, bất an. Lỡ con tàu vỏ thép bị hỏng thân tàu, gãy chân vịt hay hư máy móc, thiết bị thì không biết cần bao nhiêu tiền của và thời gian để sửa chữa, mà chúng tôi thì phải ngày đêm bám biển mới có thể dành dụm trả nợ ngân hàng”. Các chủ tàu vỏ thép ở các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, TP.Hội An đều có chung lo lắng đó. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang) - chủ tàu vỏ thép QNa-91039 thắc thỏm tìm nơi neo đậu cho tàu cá mỗi khi lụt bão xảy đến. Chỗ neo đậu cho tàu cá của huyện Núi Thành bấy lâu nay là cảng cá Tam Quang không đảm bảo. Khi gió mạnh, ngư dân phải điều tàu ra xa neo đậu ở sông Trường Giang trong nỗi lo lắng vì khu vực này có quá nhiều đăng, đó, rớ cản trở.  

Nỗi lo tàu cá gặp sự cố trong mùa mưa bão của ngư dân càng tăng thêm khi rất nhiều tàu vỏ thép được đóng ở TP.Hồ Chí Minh, Nam Định. Nếu không may tàu bị hỏng, rất khó để đưa tàu đi xa sửa chữa. Chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép vẫn chưa được triển khai tại Quảng Nam đến thời điểm này. Theo phê duyệt của UBND tỉnh, Quảng Nam sẽ mở 15 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, nhưng trong vòng hơn 2 năm nay, vì áp lực phải trả nợ ngân hàng nên hầu hết ngư dân vẫn bám biển, rất ít người theo học.

ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Nhiều giải pháp, kiến nghị đang được ngân hàng thương mại, ngành thủy sản và các địa phương ven biển đưa ra, ngõ hầu giải quyết các vướng mắc, bất cập, tạo thuận lợi cho các tàu vỏ thép sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến.

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam: “Có nguyên do lỗi thiết kế”

Ngay từ đầu, chúng tôi giúp đỡ ngư dân hoàn thiện hồ sơ vay vốn, ký kết hợp đồng tín dụng rồi phối hợp chặt chẽ để tìm cơ sở đóng tàu vỏ thép đảm bảo chất lượng nhất có thể. Đến thời điểm này, đến hạn trả nợ thì ngư dân là chủ các tàu vỏ thép đều bảo sản xuất quá khó khăn nên yêu cầu giãn nợ. Chúng tôi thông cảm với cái khó của ngư dân nhưng việc này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Vấn đề nằm ở chỗ trong 7% lãi suất vốn vay, ngư dân chỉ phải trả 1% còn lại đến 6% thì Nhà nước hỗ trợ, nếu giãn nợ, ngư dân sẽ không được hỗ trợ lãi suất, mà việc này thuộc hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bên liên quan. Chính sách phát triển thủy sản vẫn được Chính phủ trả lời là tiếp tục triển khai trong năm 2017 mà sao hỗ trợ chi phí ngư dân mua bảo hiểm thân tàu lại dừng lại? Ngư dân không đủ tiền trả nợ ngân hàng thì làm sao huy động vốn mua bảo hiểm? Nếu có sự cố gì xảy đến khiến tàu cá gặp nạn thì nhiệm vụ giải quyết vốn vay và lãi suất vốn vay ai sẽ lo liệu?

Về một số lỗi tàu vỏ thép gặp phải, chúng tôi cho rằng có nguyên do lỗi thiết kế. Quá trình đóng tàu vỏ thép diễn ra rất kỹ càng, đúng thiết kế, giám sát chặt chẽ bởi 2 đơn vị là Trung tâm đăng kiểm quốc gia và một đơn vị thẩm định độc lập do chúng tôi thuê để đánh giá đúng các loại sắt thép, các công đoạn đóng tàu tại các cơ sở đóng tàu vỏ thép uy tín. Xin nhắc lại là 4 tàu vỏ thép của các ngư dân xã Duy Vinh được ký hợp đồng, khởi công đóng tàu ở Hải Phòng. Quá trình tìm hiểu kỹ đã giúp chúng tôi nhận thấy cơ sở đóng tàu vỏ thép này có chỗ chưa đảm bảo nên cắt hợp đồng, trở về đóng tàu ở Đà Nẵng.

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên: Cần tiếp sức ngư dân

Tàu vỏ thép điện đại hơn, ưu việt hơn thì phải sản xuất hiệu quả hơn tàu vỏ gỗ nhưng thực tế thì ngược lại. Vấn đề ở chỗ, ngư dân quá bị động khi vận hành, sản xuất với tàu vỏ thép. Họ đóng tàu rồi đi vào sản xuất chứ có qua bước chuẩn bị nào đâu. Bởi vậy, điều quan trọng là Quảng Nam cần phải mở nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng vận hành tàu vỏ thép, tập huấn, hướng dẫn ngư dân sử dụng thành thục máy móc, thiết bị. Ngư lưới cụ cũng có vấn đề, đâu thể liên tục đánh bắt được các loại hải sản “khủng” mà mắt lưới lên đến gần 20cm. Sản xuất đa nghề là quan trọng nhưng có vẻ ngư dân chúng ta bị chạy theo phong trào đánh bắt hải sản mà không tự chủ, quyết đoán, lựa chọn hướng đi thích hợp. Nghề lưới rê hỗn hợp được dự đoán là nhiều triển vọng mà tại sao thực tế sản xuất thì ngược lại? Quảng Nam đã có điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản thì cần phải hướng dẫn, tổ chức ngư dân đánh bắt hải sản với các nghề phù hợp, ngư trường phù hợp, đáp ứng tập quán, năng lực của ngư dân đồng thời với yêu cầu khắt khe của thị trường. Các tàu vỏ thép sẽ sản xuất hiệu quả hơn nếu được các cơ quan của tỉnh, Trung ương tiếp sức đúng đắn cho ngư dân trong thời gian tới.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Sẽ khắc phục những bất cập

Quảng Nam đang xây dựng khu hậu cần nghề cá tại xã Tam Quang kết nối với khu neo đậu tàu cá An Hòa (Núi Thành) và nâng cấp âu thuyền Hồng Triều (Duy Xuyên) kết hợp với cảng cá, hy vọng sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều cái vướng về chỗ neo đậu cho tàu vỏ thép, ổn định đầu ra hải sản, cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm với giá phải chăng. Sở NN&PTNT cũng đã kiến nghị đến Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai cơ chế hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, tuy nhiên chưa được trả lời. 

Điều quan trọng nhất đối với hoạt động của tàu vỏ thép là sản xuất hiệu quả. Vì thế, ngành thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn, tổ chức ngư dân khai thác hải sản thuận lợi; thực hiện tốt việc hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển. Sở NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai chính sách duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép. Các lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Về sự cố của các tàu vỏ thép, có nguyên do rủi ro lẫn thiết kế chưa phù hợp, nhưng mức độ không nghiêm trọng như các tàu vỏ thép của các ngư dân Bình Định. Tại hội nghị của tỉnh sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 67, chúng tôi có mời các cơ sở đóng tàu vỏ thép đến, trực tiếp trao đổi với ngư dân về các lỗi thiết kế và đề xuất các giải pháp khắc phục. Bởi vậy, các tàu vỏ thép khác đang và sẽ đóng mới có cơ sở để khắc phục các sự cố gặp phải của một số tàu vỏ thép trong thời gian qua.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT