Ngư dân ngao ngán với tàu vỏ thép
(QNO) - Thêm 1 tàu cá vỏ thép của ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) phải nằm bờ. Đây là con tàu thứ 2 của xã bị hư hỏng máy móc trong số 3 tàu vỏ thép đã hạ thủy.
Ngư dân Phan Thu (phải, trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) trên con tàu vỏ thép hư hỏng đang nằm bờ tại Đà Nẵng. Ảnh: QUẾ CHÂU |
Hỏng hộp số
Bên con tàu vỏ thép QNa-95997 TS công suất 822 CV trị giá hơn 11 tỷ đồng đang nằm bờ tại Đà Nẵng, ông Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) kể, 14 giờ ngày 12.6 vừa qua, khi đang đánh bắt ngoài Trường Sa cách bờ khoảng 135 hải lý thì tàu bị hư hỏng hộp số và thả trôi trên biển.
Ông Thu liên lạc về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (đóng tại Đà Nẵng) nhờ trợ giúp. Đến 19 giờ ngày 13.6, một tàu vỏ thép khác của xã Bình Minh tiếp cận được tàu ông Thu và lai dắt vào bờ tại Đà Nẵng lúc 1 giờ sáng hôm sau.
Hộp số hư hỏng sau 1,5 năm tàu đi vào hoạt động. Ảnh: QUẾ CHÂU |
Ông Thu cho biết, tàu QNa-95997 TS hạ thủy đi đánh bắt vào tháng 11.2015 (hiện đã hết hạn bảo hành), đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Đà Nẵng), Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái (Đồng Nai) cung cấp máy móc thiết bị. Sau khi báo cáo tàu bị hư hỏng hộp số, nhân viên công ty đóng tàu và đơn vị bảo hiểm đã đến kiểm tra. Hiện ông Thu đang chờ kết luận nguyên nhân hư hỏng hộp số là do chất lượng máy móc hay lỗi thiết kế, lắp đặt.
Mẫu thiết kế tàu vỏ thép của ông Thu là một trong 21 mẫu của Bộ NN&PTNT, hành nghề lưới rê. Ông Thu cho rằng con tàu của ông đang tồn tại rất nhiều bất cập. “Tàu của tôi nước trong khoang cá chảy về khoang máy. Trong khi đó các van vận hành hút nước không hoạt động được nên tôi phải đặt máy bơm chìm để thoát nước. Ngoài ra, khi đánh bắt tàu lắc lư rất mạnh” - ông Thu nói.
Hầm chứa nước sinh hoạt bị gỉ sắt không thể sử dụng. Ảnh: QUẾ CHÂU |
Ông Thu còn cho biết, chân máy của tàu đáng lý phải nằm trên bệ máy, nhưng tàu của ông chỉ có 2 chân máy trước nằm trên bệ; 2 chân máy sau không nằm trên bệ mà dùng chân hộp số làm chân bệ máy.
Tiến thoái lưỡng nan
Cũng tại xã Bình Minh, căng thẳng hơn, có trường hợp tàu vỏ thép mới chạy thử nghiệm, chưa bàn giao đã hư hỏng máy, các bên liên quan đổ lỗi trách nhiệm khiến ngư dân phải đâm đơn kiện ra tòa. Đó là con tàu vỏ thép QNa-94679 TS công suất 944 CV (hành nghề chụp mực), trị giá hơn 16 tỷ đồng của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An).
Hơn 1 năm nay, tàu vỏ thép hư hỏng máy nên ngư dân Trần Văn Liên chưa thể đi biển. Ảnh: QUẾ CHÂU |
Ông Liên cho biết, phiên tòa mới nhất diễn ra vào ngày 9.6.2017 và gần đi đến hồi kết. Ông kiện cả đơn vị đóng tàu là Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (TP.Đà Nẵng) và một công ty cung cấp máy móc tại Hà Nội. “Hồi đó họ nói máy móc được sản xuất bên Singapore, trị giá hơn 2 tỷ đồng, tuy nhiên mới chạy thử nghiệm đã hỏng máy, gỉ sắt” - ông Liên nói.
Báo cáo tình hình tàu vỏ thép trước ngày 30.6 Tháng 5.2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định 67; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.6.2017. Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới để đảm bảo chất lượng, an toàn cho tàu cá khi hoạt động thủy sản trên biển; chỉ đạo các tỉnh, thành ven biển tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu 27 tỉnh, thành ven biển cả nước tổng rà soát tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 để xử lý bất cập. |
Tàu vỏ thép của ông Liên hạ thủy vào tháng 3.2016, trước đó ông phải bán con tàu gỗ (hơn 800 triệu đồng) và cầm cố nhiều giấy tờ để có tiền đối ứng vay vốn ngân hàng. Hơn 1 năm nay ông thất nghiệp, trong khi nợ chồng nợ, đến nỗi 2 người con trai ông, khi chưa kịp cầm lái con tàu này thì giờ phải đi làm công nhân.
Còn ông Phan Thu cho biết, sử dụng tàu vỏ thép để đánh bắt trong 1,5 năm qua nhưng sản xuất không mang lại hiệu quả. Riêng chuyến biển sau Tết Nguyên đán vừa rồi, tàu ông thua lỗ hơn 200 triệu do sản lượng thấp. Đó là chưa kể để giữ chân lao động, mỗi tháng ông phải chi trả một khoản tiền khá lớn. “So với trước đây, tôi thấy đánh bắt bằng tàu gỗ ổn định hơn” - ông Thu nhận định.
Ông Hoàng Thiên Nhơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh cho biết, toàn xã có 11 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 3 tàu đã hạ thủy. Hiện chỉ có 1 tàu “lành lặn” đi đánh bắt. “Trong số 11 chủ tàu trên, có một số hộ không đóng được tàu theo Nghị định 67 nên đã kịp thời quay lại sản xuất bằng tàu gỗ và mang lại nguồn thu nhập tốt từ các chuyển biển so với tàu vỏ thép” - ông Nhơn nói.
Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, hiện nhiều ngư dân địa phương đang tiến thoái lưỡng nan, mất hàng trăm triệu đồng thuê người vẽ thiết kế, giám định bản vẽ, đối ứng vay vốn ngân hàng… nhưng chưa đóng được tàu vỏ thép hoặc đóng rồi thì bị hư hỏng. Đối diện với những khoản nợ chồng chất, là tình cảnh không hiếm thấy ở ngư dân Bình Minh thời điểm này.
Q.CHÂU - T.THẮNG