Thu nhập khá từ chế biến cá cơm bỏ xương

ĐOÀN ĐẠO - THU HIỀN 21/02/2017 16:04

(QNO) - Với sự sáng tạo và nhạy bén trước nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Văn Huệ (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) đã làm mới nghề chế biến cá cơm khô bằng phương pháp loại bỏ đầu và xương cá, tạo hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Những ngày này, cơ sở sản xuất cá cơm khô của gia đình ông Nguyễn Văn Huệ hoạt động liên tục từ sáng sớm đến chiều tối trong sự miệt mài, tỉ mẫn của hơn 30 nhân công. Ông Huệ chia sẻ, trước đây gia đình chủ yếu làm nghề cá cơm phơi khô, cá cơm hấp và cá nục xẻ phơi khô. Tuy nhiên nhận thấy nhu cầu thưởng thức của khách hàng dần chuyển từ “ăn no” sang “ăn ngon” nên ông suy nghĩ cần có sự thay đổi trong phương pháp chế biến cá cơm để sản phẩm đạt giá trị cao hơn. Thế là chừng 3 năm nay, ông chuyển sang công việc làm cá cơm bỏ xương. 

Ông Huệ kể: “Cách làm lúc đầu, tôi loại bỏ đầu cá, phơi khô rồi mang đi bán thì thấy người dùng rất thích. Sau đó nghĩ đến việc tách bỏ hẳn xương chỉ giữ lại phần thịt cá thì chắc chắn người dùng sẽ thích hơn”. Từ ý tưởng này, ông bắt tay vào làm thử nghiệm với 4kg cá đầu tiên và đem bỏ ở các thị trường TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Không ngờ sản phẩm của ông hút khách và nhận được sự ưa chuộng. Ông quyết định mở rộng quy mô sản xuất với số lượng lớn.

Cá cơm khô bỏ xương tạo nên mô hình sản xuất mới tạo hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐẠO HIỀN
Mô hình cá cơm khô bỏ xương tạo hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐẠO HIỀN

Ông Huệ cho biết, cách chế biến cá cơm khô bỏ xương trải qua 4 giai đoạn: bẻ đầu, phơi dịu, tách xương và phơi khô. Ở công đoạn bẻ đầu, phải nhẹ nhàng để cá không bị nát, đồng thời phải khéo léo lôi luôn phần ruột đen. Đầu và ruột được tách ra xong thì đem phần thân đi rửa sạch và rải đều lên vỉ phơi. Điều đặc biệt ở công đoạn này là cá cơm không được phơi khô, giòn như khi hấp mà chỉ hong nắng trong khoảng thời gian nhất định, đến độ gọi là ráo nước thì đưa vào gỡ, tách phần xương giữa của cá. Phần thịt thành phẩm sẽ được phơi trong 3 nắng ròng là thành sản phẩm hoàn chỉnh.

“Nhìn đơn giản nhưng cũng có cái khó riêng, việc giữ để cá luôn được tươi và tách xương là hai khâu quan trọng. Nhờ kinh nghiệm chế biến cá hơn 15 năm nên tôi mới rút ra được bí quyết, rồi hướng dẫn lại cho người làm. Ví dụ như công đoạn tách xương nhìn có vẻ rất dễ nhưng để cho ra sản phẩm đẹp, đạt chất lượng thì đòi hỏi người làm phải tập trung cao và cực kỳ khéo léo. Phải biết cách để vừa lấy được xương mà vẫn giữ nguyên vẹn phần thịt, không để cá bị nát” - ông Huệ chia sẻ.

Theo ông Huệ, khó nhất của nghề này là phụ thuộc vào thời tiết và thiếu nguồn nguyên liệu. Biển Bình Minh là nơi cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho cơ sở, nhưng để quá trình chế biến không bị gián đoạn vào mùa biển động thì phải chủ động liên hệ để lấy nguồn cá cơm từ địa phương khác như Quảng Ngãi, Nha Trang và đôi khi ở miền Bắc.

Cá cơm khô bỏ xương có vị ngon ngọt hơn, thịt dai, thơm bùi hơn so với cá cơm khô truyền thống và đặc biệt mọi lứa tuổi đều có thể dùng. Chính vì thế thị trường tiêu thụ rộng và tiềm năng, sản phẩm này hiện được phân phối khắp các đại lý ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng và số vùng miền núi trong tỉnh. Mỗi ngày vào mùa nắng, cơ sở ông Huệ nhập khoảng 1 tấn cá cơm nguyên liệu để chế biến; còn mùa mưa khoảng 700 - 800kg. Giá bán mỗi ký cá cơm bỏ xương cao hơn khoảng 150 nghìn đồng so với cá cơm khô truyền thống. Chính vậy, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn nhiều. “Mỗi tấn cá nguyên liệu cho được trên 100kg cá thành phẩm. Trừ các chi phí, lời được 20 nghìn đồng/kg” - ông Huệ nói.

Lao động nhàn rỗi đang có thu nhập ổn định khoảng 150 ngàn đồng/ngày từ nghề làm cá cơm bỏ xương. Ảnh: ĐẠO HIỀN
Lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định, khoảng 150 nghìn đồng/ngày từ nghề làm cá cơm bỏ xương. Ảnh: ĐẠO HIỀN

Không chỉ giúp gia đình ông Huệ có được thu nhập khá, mô hình sản xuất cá cơm khô bỏ xương đang tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi ở xã Bình Minh. Đa số lao động ở đây đều làm nghề cá trên 5 năm, cách chế biến cá cơm mới này cũng đem lại nguồn thu nhập cao hơn, tạo sinh kế tương đối ổn định hơn so với trước. Tay thoăn thoắt bẻ đầu cá, bà Nguyễn Thị Lan (thôn Hà Bình) phấn khởi nói: “Làm cá theo phương pháp này cũng đơn giản, không quá nặng nhọc nhưng thu nhập lại cao nên từ đó đến nay tôi chỉ làm tại cơ sở của anh Huệ”. Tương tự, chị Trương Thị Mai (cùng thôn) cho rằng, với nguồn thu khoảng 150 nghìn đồng/ngày so với nghề làm cá bò hay gánh mắm thì nghề này thu nhập cao hơn, với lại làm quanh năm nên có được đồng ra đồng vào để lo cho gia đình.

Cơ sở của ông Huệ đang tạo công việc thường xuyên cho hàng trăm người địa phương. Hiện có khoảng 30 hộ nhận cá về nhà chế biến rồi mang cá thành phẩm đến cân lại cho cơ sở của ông. Vào mùa cao điểm thì có thể lên đến khoảng 50 hộ. “Tiếc là nghề này đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao nên số lượng người làm được cũng ít, chứ nếu nguồn nhân công đáp ứng được tay nghề thì tôi có thể tăng quy mô sản xuất và giúp thêm nhiều chị em ở đây có thêm thu nhập hằng ngày” - ông Huệ nói.

ĐOÀN ĐẠO - THU HIỀN

ĐOÀN ĐẠO - THU HIỀN