Ì ạch tín dụng ưu đãi đóng tàu
Tăng đội tàu công suất lớn sản xuất ở 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa là mục tiêu phát triển của Quảng Nam. Vậy nhưng, triển khai cơ chế ưu đãi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) lại đang gặp lúng túng.
Quá chậm
Trong số 92 chỉ tiêu đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 89 được Trung ương phân cấp, toàn tỉnh đã có 59 hồ sơ vay vốn đóng tàu của ngư dân được các ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, Quảng Nam đã có 46 tàu cá đi vào sản xuất ở 2 ngư trường truyền thống. Tuy nhiên, 33 hồ sơ vay vốn đóng tàu còn lại của ngư dân vẫn… giẫm chân tại chỗ từ cuối năm 2016 đến nay. “Hiện tại, chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng 2 hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89 của ngư dân để có thể ký kết hợp đồng rồi giải ngân vốn đóng tàu. Cả 2 hồ sơ này đều tồn đọng từ năm 2016 đến nay. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa nhận thêm hồ sơ vay vốn đóng tàu nào của các ngư dân trên địa bàn tỉnh” - ông Phạm Đình Dũng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết. Trong khi đó, BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng, ngân hàng thương mại này đang chờ văn bản hướng dẫn của cấp trên về việc tiếp tục triển khai cho vay vốn ưu đãi đóng tàu. Cả 2 “đầu tàu” trong triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 89 chưa nhận được hồ sơ vay vốn hoặc chưa thể ký kết hợp đồng với ngư dân cho thấy trong thời gian đến, tổng số tàu công suất lớn hoạt động ở 2 ngư trường xa bờ của ngư dân Quảng Nam khó tăng thêm.
Quảng Nam không dễ tăng thêm tàu công suất lớn trong thời gian đến. Ảnh: Q.VIỆT |
Có thể nhận thấy tình trạng e dè trong triển khai cơ chế vay vốn ưu đãi đóng tàu ở cả phía ngân hàng lẫn ngư dân. Hiện tại, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 92 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89. Ngư dân rất muốn được sở hữu con tàu to lớn, bề thế, sản xuất thuận lợi ở vùng biển xa nhưng có quá nhiều bất cập trong ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu đã khiến họ… chùn chân. Thứ nhất là nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết hồ sơ vay vốn của ngư dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Các trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết, thông báo kết quả thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân từ phía ngân hàng còn chậm, thiếu thuyết phục. Ngư dân lúng túng, sợ hàng trăm triệu đồng chi ra để làm thiết kế đóng tàu cùng vô số khoản khác không đem lại kết quả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấu chốt của sự ì ạch triển khai vốn vay ưu đãi đóng tàu nằm ở chỗ cả 46 tàu cá được đóng mới từ nguồn vốn này đều chưa đem lại kết quả như kỳ vọng khi đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Nhiều tàu trong số đó chỉ mới thu đủ bù chi. Các trường hợp phát sinh đáng tiếc như hàng loạt ngư dân bán tàu đang sản xuất để có vốn đối ứng theo yêu cầu của ngân hàng mà không được vay vốn, rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khiến các chủ dự án vay vốn đóng tàu khác nản lòng. Rất nhiều chủ tàu phải xoay xở bằng mọi cách mới có đủ tiền trả nợ ngân hàng sau khi vay vốn đóng tàu cũng khiến cho ngân hàng thương mại sợ rủi ro, không dám ký kết các hợp đồng vay vốn đóng tàu với các ngư dân còn lại.
Chờ “kích hoạt”...
Từ năm 2016, Bộ NN&PTNT đã thông báo đến các tỉnh, thành có nghề cá là sẽ triệu tập hội nghị sơ kết, đánh giá 2 năm triển khai Nghị định 89 vào cuối năm. Các tỉnh, thành, các ngân hàng thương mại và ngư dân đều chờ đợi Trung ương sẽ giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập, khơi thông bế tắc triển khai gói tín dụng ưu đãi đóng tàu tại cuộc họp này. Vậy nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa họp bàn giải quyết những ách tắc. “Từ cuối năm 2016 đến nay, chỉ mới có thông báo từ Ngân hàng Nhà nước là sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 89, còn nội dung triển khai và các giải pháp thế nào thì chưa thấy đề cập. Các ngân hàng thương mại lẫn ngư dân đều rất sốt sắng muốn biết việc triển khai gói tín dụng ưu đãi đóng tàu sẽ có gì mới sau khi khép lại hội nghị sơ kết nhưng vẫn chưa có nên rất lúng túng và đang chờ đợi” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói. Điều đó giải thích vì sao việc triển khai vốn vay ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 89 vẫn “ngủ đông” trong hơn 2 tháng qua.
Hơn 2 năm qua, vẫn chỉ có Agribank chi nhánh Quảng Nam và BIDV chi nhánh Quảng Nam là triển khai cho vay vốn theo Nghị định 89, còn các ngân hàng khác thì vẫn chưa mặn mà. Về điều này, ông Phạm Đình Dũng nêu ý kiến: “Mỗi ngân hàng thương mại có quan điểm, cách thức hoạt động riêng. Việc có cho ngư dân vay vốn đóng tàu hay không nằm trong quyền tự quyết của họ. Họ có “thước đo” riêng khi đánh giá hồ sơ vay vốn đóng tàu công suất lớn của ngư dân có khả thi, hiệu quả hay không rồi mới quyết định cho vay. Vấn đề nằm ở chỗ UBND tỉnh cần tiếp tục kêu gọi sự đồng hành của các ngân hàng thương mại, giảm thiểu áp lực cho những ngân hàng “nhiệt tình””. Theo ông Đặng Bảo Trí - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, trong khi chờ đợi sự kích hoạt của các cơ quan Trung ương thì phía ngân hàng giải quyết những phát sinh, vướng mắc, bất cập trước rồi mới có thể tiếp tục thương thảo, ký kết hợp đồng và giải ngân vốn cho các ngư dân khác. Cụ thể, ngân hàng này đang phối hợp với ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) đưa sự cố bị hỏng máy tàu cá QNa-94679 của ngư dân này ra tòa án để giải quyết sau thời gian dài các bên liên quan thoái thác trách nhiệm. Ngư dân Trần Văn Liên đã vay vốn của BIDV chi nhánh Quảng Nam đóng tàu vỏ thép QNa-94679 và khi con tàu đưa vào vận hành, bàn giao thì gặp sự cố hỏng máy (Báo Quảng Nam đã thông tin).
Ông Ngô Tấn khẳng định, Quảng Nam đang ra sức triển khai nhiều giải pháp giúp ngư dân tiếp cận vốn vay ưu đãi đóng tàu công suất lớn hoạt động tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. “Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 89 của tỉnh sẽ tiếp tục họp bàn trong thời gian ngắn sắp tới để đánh giá tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn. Tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương nhiều vấn đề và chờ hội nghị sắp tới giải quyết” - ông Ngô Tấn nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT