Thu nhập ổn định từ nghề rớ truyền thống

VĂN PHIN 17/02/2017 08:19

Cùng với nghề khai thác hải sản trên biển, ngư dân huyện Núi Thành còn có nghề đánh bắt thủy sản trên sông, trong đó có nghề rớ đáy, rớ quay truyền thống đang được khôi phục và cải tiến đem lại hiệu quả kinh tế.

Ông Huỳnh Ngọc Nguyên, ngư dân thôn Đông Xuân (xã Tam Giang) chia sẻ: “Tôi có thâm niên làm nghề rớ đáy trên sông Trường Giang hơn 30 năm rồi. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học”. Qua tìm hiểu, được biết gia đình ông Nguyên có tới 9 cái rớ đáy trên sông Trường Giang, hàng đêm, mỗi khi con nước chảy ra biển, ông thả rớ, bữa thu ít nhất cũng được 200 nghìn đồng, có bữa nước lụt từ đầu nguồn đổ về, ông thu trên 2 triệu đồng/một đêm. Những bữa nước lũ tràn về, rớ đáy còn thu được lạch huyết, cá hanh, cá dìa, tôm bắp, cá lưỡi trâu... có giá thành cao. Ông Huỳnh Tấn Nguyên cho hay: “Từ tháng 8 âm lịch năm ngoái đến nay, gia đình tôi thu nhập trên 40 triệu đồng từ 9 cái rớ đáy trên sông. Những ngày cận tết, mỗi đêm tôi thu được hơn 6 ký tôm đất, mỗi ký có giá tới 200 nghìn đồng..”. Cũng theo ông Nguyên, cả thôn Đông Xuân (xã Tam Giang) có khoảng 200 hộ dân thì có đến hơn một nửa số hộ làm nghề rớ đáy, rớ quay có thu nhập khá. Tuy nhiên, hiện bà con đang lo khi thi công xây dựng chi cục kiểm ngư tại đây sẽ giải tỏa các hàng rớ.

Cùng với xã Tam Giang, ngư dân ven sông xã Tam Hòa cũng có nghề rớ đáy. Riêng thôn Đông Tân (xã Tam Hòa) có hơn 50 hộ làm nghề rớ đáy trên sông, bình quân mỗi đêm (thực tế chừng 4 - 5 tiếng đồng hồ) thu khoảng 100 nghìn đồng, khi có nước lụt có đêm thu cả triệu đồng. Cùng với nghề rớ đáy là nghề rớ quay nơi đây cũng phát triển. Ông Lê Anh Tuấn, thôn Đông Tân (xã Tam Hòa) nói: “Cha truyền con nối, đến tôi là đời thứ ba làm nghề rớ quay. Mấy chục năm nay, vợ chồng tôi nhờ nghề này trên sông Trường Giang mà có của ăn của để, nuôi con ăn học thành tài”.

Thôn Đông Tân, xã vùng cát Tam Hòa nằm sát sông Trường Giang (gần cửa Lở Tam Hải). Toàn thôn có 144 hộ dân, trong đó một số hộ làm nghề khai thác hải sản trên biển, còn lại khoảng 20 hộ làm nghề rớ quay, hơn 50 hộ làm nghề rớ đáy trên sông. Nhiều hộ sắm đến cái 2 rớ quay để vợ chồng, con cái cùng “néo”. Huyện Núi Thành có nhiều sông như Trường Giang, Bến Ván, sông Trạm, sông Trầu, sông Mương, sông Ngoài… với nhiều loài thủy sản đa dạng, phong phú. Tận dụng thế mạnh đó, bà con ngư dân Núi Thành đã làm nhiều nghề đánh bắt thủy sản trên sông, trong đó có nghề rớ quay, rớ đáy cho thu nhập khá; không những ở xã Tam Hòa mà ở nhiều địa phương khác như Tam Tiến, Tam Anh Nam, Tam Hải, Tam Giang, Tam Quang, Tam Xuân 2 cũng có nghề này. Mới đây, ông Trần Tâm (xã Tam Xuân 2) còn có sáng kiến cải tiến nghề rớ quay bằng cách gắn điện 3 pha vào mô tơ để “néo” thay cho sức người. Trong khi ngày càng có nhiều nghề khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt thì việc khôi phục và cải tiến nghề rớ quay, rớ đáy truyền thống trên sông là những nghề thân thiện với môi trường rất cần được phát huy.

VĂN PHIN

VĂN PHIN