Bãi ngang vượt… cạn

NGUYỄN QUANG VIỆT 24/01/2017 17:41

(QNO) - Từ chỗ chỉ có những tàu cá công suất nhỏ dưới 90CV, bám biển ven bờ, thu được giá trị kinh tế thấp mà lại suy giảm nguồn lợi thì đến nay, 2 xã bãi ngang ven biển Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) sở hữu được các tàu vỏ thép và composite công suất lớn, vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Vượt thoát ngoạn mục

Những ngày sắp tết, ngư dân Phạm Văn Hùng (thôn An Lương, xã Duy Hải) vùi mình bên vàn dài gần 20km để vá víu, hoàn thiện. Đó là ngư lưới cụ được anh Hùng dùng để vươn khơi sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với nghề lưới rê hỗn hợp. Sở hữu tàu vỏ thép QNa 93579 với anh Hùng là giấc mơ thành sự thật. Con tàu bề thế có giá trị 15,7 tỷ đồng, dài 27,8m, rộng 7,3m, chiều cao mạn 3,2m, máy chính có công suất 814CV, 2 tổ máy phát điện có tổng công suất hơn 180kW. Để đóng được con tàu vững chãi này, anh Hùng đã được BIDV chi nhánh TP.Hội An cho vay 14,7 tỷ đồng. “Cách đây chừng 1 năm, tôi có liều lĩnh đến mấy cũng không dám nghĩ đến một ngày nào đó sẽ làm chủ con tàu vỏ thép. “Cơ ngơi” này sẽ đường hoàng rẽ sóng, rẽ gió Trường Sa, Hoàng Sa, mong có những chuyến biển đầy cá, mực” - anh Hùng thổ lộ. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn ưu đãi để đóng tàu vỏ thép, anh Hùng liền hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi đến BIDV chi nhánh TP.Hội An. Rất nhanh chóng, anh Hùng được ký hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn đóng tàu vỏ thép. “Tôi quen sản xuất nhỏ với tàu vỏ gỗ QNa 02114 có công suất 45CV theo nghề lưới vây trũ. Mấy năm gần đây thấy đối tượng đánh bắt chính của nghề là cá cơm rất hiếm nên nghĩ ngợi, tìm cách vượt thoát khỏi ngư trường sản xuất gần bờ. Nay thì có tàu lớn vững vàng vươn khơi, rất phấn khởi” - anh Hùng chia sẻ.

Tàu vỏ thép của ngư dân Tạ Văn Lâu đang được đóng mới. Ảnh: N.Q.Việt
Tàu vỏ thép của ngư dân Tạ Văn Lâu đang được đóng mới. Ảnh: N.Q.VIỆT

Con tàu vỏ thép của ngư dân Lê Tuyến (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải) đang được Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Ông Tuyến dự kiến sẽ đi chuyến “mở biển” vào đầu năm mới. Ngư dân Lương Văn Quang (thôn Thuận Trì, xã Duy Hải) cũng rất vui mừng khi sắp sửa ra khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa với con tàu vỏ composite đầu tiên của tỉnh. Ngư dân Tạ Văn Lâu (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) lâu nay được biết đến là tấm gương chịu khó, miệt mài vươn khơi đánh bắt hải sản. Tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ, ông Lâu cũng đã đóng tàu vỏ thép và dự định vươn khơi vào đầu năm Đinh Dậu này.

Tàu vật liệu mới của ngư dân các xã bãi ngang huyện Duy Xuyên đều theo nghề lưới rê hỗn hợp. Các ngư dân cho biết, nghề này có rất nhiều ưu điểm. Trước hết nằm ở đối tượng khai thác là cá thu có giá trị kinh tế rất cao nhờ xuất khẩu. Mùa vụ khai thác cũng rất thuận lợi vì có thể hoạt động quanh năm, nhất là khai thác rất đạt vào mùa biển động. “Mọi chuyện đã thuận buồm xuôi gió rồi, chừ chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào kinh nghiệm và năng lực sản xuất của mình thôi” - ngư dân Tạ Văn Lâu nói. Còn ngư dân Lê Tuyến thì khẳng khái: “Ngư dân chúng tôi chỉ có một khát khao duy nhất là làm sao có được những chuyến biển xa bờ thành công. Bởi vậy, với con tàu vỏ thép, chúng tôi đầu tư tất cả các phương tiện, máy móc thiết yếu, hiện đại để vừa bám biển hiệu quả vừa an toàn trên vùng biển xa”.

Sản xuất thuận lợi

Theo ông Trần Văn Xiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, làm thế nào có thể giúp ngư dân tiếp cận được cơ chế ưu đãi của Chính phủ để vay vốn đóng tàu vật liệu mới bám biển Hoàng Sa, Trường Sa là trăn trở bấy lâu. Nay trên địa bàn có 2 tàu vỏ thép và 1 tàu composite nên rất đỗi vui mừng. Điều ngư dân suy tư là làm sao để có thể bám biển xa bờ hiệu quả nhất, đem lại giá trị kinh tế cao sau mỗi chuyến biển. Về điều này, có thể yên tâm vì tàu vật liệu mới có các tính năng rất hiện đại, ưu việt. Trước hết là năng lực sản xuất sẽ cao gấp bội so với tàu nhỏ. Trên mỗi tàu cá đều có vàn lưới dài, hiện đại, ưu thế vượt trội. Tời kéo lưới được trang bị cũng sẽ giúp ngư dân giải phóng sức lao động, thu được nhiều mẻ lưới hơn, rút ngắn thời gian bám biển, giảm thiểu chi phí sản xuất. “Vàn lưới lớn, tời kéo lưới quy mô sẽ giúp ngư dân sản xuất thuận tiện gấp bội so với trước đây. Thay vì chỉ có thể thu được mẻ lưới nhỏ thì ngư dân có thể thu được vài chục tấn cá thu chỉ sau một lần thả lưới. Như vậy thì có thể thu được vài trăm triệu đồng chỉ sau một chuyến biển. Rất đáng để kỳ vọng về hiệu quả kinh tế cao mang lại khi ngư dân sản xuất với tàu vật liệu mới” - ông Xiêm nói.

Ngư dân Phạm Văn Hùng bên vàn lưới rê hỗn hợp dài gần 20km.
Ngư dân Phạm Văn Hùng bên vàn lưới rê hỗn hợp dài gần 20km. Ảnh: N.Q.VIỆT

Song hành với vượt trội về năng lực sản xuất thì tàu vỏ thép, vỏ composite cũng vững vàng hơn trước biến động thất thường của thời tiết. Nếu tàu vỏ gỗ chỉ chịu được sóng gió cấp 4 thì tàu vật liệu mới có thể dễ dàng đương đầu với sóng gió cấp 6, cấp 7. Tốc lực của loại tàu mới này cũng nhanh hơn nên ngư dân có thể yên tâm di chuyển trong điều kiện thời tiết phức tạp. Đặc biệt, trên mỗi tàu vật liệu mới của ngư dân các xã bãi ngang huyện Duy Xuyên đều trang bị hầu hết các thiết bị liên lạc hiện đại như máy liên lạc tầm ngắn, tầm trung, tầm xa. Thiết bị liên lạc có tính năng định vị cũng giúp các ngư dân dễ xoay xở trong điều kiện sản xuất bị đe dọa bởi thời tiết. “Máy liên lạc HF trên tàu vỏ thép của tôi kết nối với tất cả các kênh radio trên toàn quốc và nhận được các diễn biến xấu của bão hay áp thấp nhiệt đới. Nhờ đó, tôi chủ động hoàn toàn trong mọi chuyến biển và có cách ứng phó khi thời tiết diễn biến bất lợi” - ngư dân Phạm Văn Hùng nói.

Có thể thấy rằng, suốt một thời gian dài, sản phẩm sau khai thác của ngư dân huyện Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung bị hao hụt quá nhiều, có khi lên đến hơn 20%. Điều đó đã khiến cho đầu ra hải sản bị ép giá đến chóng mặt. Khi sở hữu được tàu vỏ thép, mối lo ngại bấy lâu nay được giải tỏa. Bởi, nếu ở tàu vỏ gỗ nhỏ, ngư dân chỉ có thể trang bị hầm bảo quản hải sản truyền thống thì với tàu vỏ thép, họ đầu tư hầm bảo quản bằng vật liệu PU. Cá, mực sẽ ít bị trầy xước và tươi hơn là những ưu điểm trên các tàu vật liệu mới của ngư dân Duy Xuyên đang sở hữu. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam kỳ vọng về thành công ở các tàu vật liệu mới của các ngư dân Duy Xuyên: “Với tính ưu việt của tàu vật liệu mới cộng với tinh thần bền bỉ, cần cù cũng như khát khao bám biển trên các vùng biển xa, các chủ tàu vật liệu mới xã Duy Hải, Duy Nghĩa có thể hy vọng về vụ mùa bội thu cũng như đầu ra hải sản ổn định hơn. Con tàu vững chãi cũng là điều kiện tối ưu để có thể bám biển quanh năm, làm giàu từ biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT