Hai năm triển khai Nghị định 89: Vẫn ách tắc nguồn vốn vay

NGUYỄN QUANG VIỆT 14/12/2016 09:03

Ngày 13.12, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89). Nhiều giải pháp được nêu ra tại hội nghị nhằm khắc phục các vướng mắc tồn tại trong thời gian qua.

  • Gỡ vướng Nghị định 89
  • Triển khai Nghị định 89: Ách tắc giải ngân vốn phát sinh
  • Triển khai Nghị định 89: Cần sự "nhiệt tình" của các ngân hàng
Tàu cá theo nghề lưới rê hỗn hợp gặp khó khăn trong sản xuất do thiết kế không phù hợp. Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu cá theo nghề lưới rê hỗn hợp gặp khó khăn trong sản xuất do thiết kế không phù hợp. Ảnh: QUANG VIỆT

Khắc phục lỗi thiết kế

Báo Quảng Nam đã phản ánh nhiều sự cố xảy ra với các tàu vỏ thép của ngư dân trên địa bàn tỉnh do bất cập về thiết kế. Hầu hết tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp bị hỏng hệ thống tời khi cẩu vàng lưới nặng đến hơn 30 tấn. Nhiều tàu khác bị bắt buộc phải giằng thân tàu để cân bằng, tránh chao đảo khi đang sản xuất. Ông Trần Hữu Xiết - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (TP.Đà Nẵng) cho rằng, theo thiết kế, do buồng máy và thượng tầng tàu vỏ thép ở phần đuôi tàu nên việc bố trí các trang thiết bị nhằm cân bằng dọc gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tàu ở trạng thái không tải hải sản hay vật liệu khác. Để khắc phục tình trạng tàu không cân bằng, cơ sở đóng tàu đã phải nghiên cứu và bố trí giằng tàu ở phần giữa và mũi tàu. Muốn vậy, phải tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với con tàu ở tất cả trạng thái. “Con tàu vỏ thép chỉ cân bằng khi lực nổi tương quan với trọng lực và tâm nổi trên cùng một đường thẳng vuông góc với mặt thoáng. Khi tâm nổi không nằm trên đường vuông góc với mặt thoáng đi qua sẽ xuất hiện mô men nghiêng, làm tàu không thăng bằng. Trường hợp mô men nghiêng quá lớn có thể khiến tàu bị lật úp, rất nguy hiểm” - ông Xiết nói.

Theo Sở NN&PTNT, sau 5 năm triển khai hỗ trợ nhiên liệu đi và về cho ngư dân trong chuyến biển theo quyết định của trung ương, đến nay Quảng Nam đã giải ngân hơn 200 tỷ đồng hỗ trợ, giúp ngư dân ổn định sản xuất. Trong đó, huyện Núi Thành chiếm đến 90% (hơn 190 tỷ đồng), còn lại là 5 địa phương ven biển khác.

Ông Xiết cho rằng, qua quá trình dày công nghiên cứu, cơ sở đóng tàu đã thực hiện giằng cứng cố định cho thân tàu bằng gang có tỷ trọng 7.580kg/m3 hoặc bê tông có tỷ trọng 2.500kg/m3. Cả hai giải pháp nói trên đều nhằm mục đích đảm bảo chiều chìm, tính ổn định, qua đó cân bằng tàu cá. “Giằng tàu sẽ khiến cho trọng lượng của tàu cá tăng lên gây tốn kém nhiều nhiên liệu vận hành. Tuy nhiên do thiết kế không phù hợp nên bắt buộc phải giằng tàu. Khi giằng tàu bằng phương pháp cứng cố định sẽ khiến cho việc khai thác hải sản trên biển thuận lợi hơn. Cùng với đó, sẽ giảm được ảnh hưởng của mặt thoáng chất lỏng gây một số tác động xấu đến tàu cá” - ông Xiết nói

Theo Sở NN&PTNT, trong vòng 9 tháng qua kể từ khi các tàu cá công suất lớn được đóng mới từ nguồn vốn ưu đãi đi vào sản xuất trên các vùng biển xa, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nguồn lợi hải sản không còn được dồi dào khiến cho sản lượng thu được thấp. Trong khi đó, do chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển ở các tỉnh Bắc miền Trung đã khiến cho đầu ra hải sản gặp khó khăn, hiệu quả chuyến biển thu được thấp. Đáng nói hơn cả là có quá nhiều lỗi mắc phải trên tàu vỏ thép do thiết kế không phù hợp. Việc Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn giúp ngư dân khắc phục các sự cố do lỗi thiết kế là rất đáng mừng. Đối với những trường hợp khác, ngành thủy sản sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 89 sắp được tổ chức để hỗ trợ chi phí cho ngư dân khắc phục.

"Điểm nóng" Thăng Bình

Huyện Thăng Bình là địa phương có nghề cá lớn thứ 2 của tỉnh (sau Núi Thành), tuy nhiên việc đóng mới tàu cá bằng nguồn vốn ưu đãi diễn ra không thuận lợi. Địa phương này được tỉnh giao 24 chỉ tiêu đóng mới tàu cá theo Nghị định 89 nhưng mới chỉ thực hiện được 6 tàu, 18 tàu còn lại rất nan giải. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, qua rất nhiều lần làm việc với ngư dân và phía ngân hàng thương mại, tình hình cũng chưa suôn sẻ. Ngân hàng đã viện quá nhiều lý do để không cho ngư dân vay vốn, trong đó có nhiều lý do không thỏa đáng như khẳng định ngư dân không có kinh nghiệm đi biển. “Đến thời điểm này vẫn chưa có quy chuẩn nào liên quan đến xét duyệt hồ sơ vay vốn ưu đãi đóng tàu của ngư dân. Ngân hàng thương mại có quá nhiều lý do để trả hồ sơ lại ngư dân nếu không muốn cho vay. Với tình thế như vậy thì huyện đành bất lực” - ông Hương nói. Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình) cho rằng, ngư dân Lê Đức Rý (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) là điển hình về sản xuất giỏi của huyện, vậy mà phía ngân hàng thương mại trả hồ sơ vay vốn với lý do là không có phương án sản xuất khả dĩ, không có kinh nghiệm đi biển. Vì thế tỉnh, ngành nông nghiệp cần can thiệp, giúp ngư dân vay được vốn đóng tàu. Ngư dân này đã tin vào phía ngân hàng thương mại nên đã bán tàu cá làm vốn đối ứng, không có phương tiện để tạo sinh kế ổn định.

Ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho rằng, cần phải đổi mới cách tiếp cận để triển khai hiệu quả hơn chính sách cho vay vốn ưu đãi này. Ngân hàng thương mại trả lời không chấp nhận cho ngư dân vay vốn thì tỉnh, huyện cần phải kiểm tra xem lý do đã xác đáng chưa, nếu không đúng thì phải có giải pháp. Ông Dũng cho rằng, không thể chấp nhận việc trả lời chung chung, đại khái, nhất là phải làm ra lẽ về cách trả lời thiếu cả lý lẫn tình của ngân hàng thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, sau 2 năm triển khai, đóng tàu bằng nguồn vốn ưu đãi đã không diễn ra như kỳ vọng. Toàn tỉnh vẫn còn đến 34 hồ sơ vay vốn của ngư dân chưa được giải quyết là do một số ngân hàng né tránh. Bởi vậy, trong thời gian đến, các ngân hành thương mại cần nỗ lực đồng hành với tỉnh. Về trường hợp của ngư dân Lê Đức Rý, UBND tỉnh giao trách nhiệm huyện Thăng Bình phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, ngân hàng thương mại để rà soát lại tất cả hồ sơ vay vốn, cách trả lời của VietinBank chi nhánh Quảng Nam để giải quyết, giúp ngư dân vay được vốn đóng tàu, vươn khơi sản xuất trở lại.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT