Hướng mở nuôi thủy sản sạch
Thành công của mô hình nuôi cá sinh thái trên hồ Phú Ninh đã mở ra triển vọng mới cho nuôi thủy sản sạch. Cơ chế hỗ trợ thiết thực được triển khai sẽ là đòn bẩy phát triển bền vững.
Thuận lợi lớn nhất khi nuôi cá ở hồ Phú Ninh là có nguồn nước rất đảm bảo, trong sạch nên cá sinh trưởng rất nhanh, hầu như không mắc bệnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Nhiều lợi ích
Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đang gấp rút thu hoạch các đối tượng nuôi thủy sản trên lòng hồ Phú Ninh vào thời điểm này. Từ tờ mờ sớm, 8 lao động chia nhau các công đoạn dồn cá, bắt cá, cân cá để bán cho thương lái khiêng vác lên xe chở đi tiêu thụ. Ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, mưa trên diện rộng khiến cho mực nước trên lòng hồ dâng cao, bắt buộc phải xả tràn, sợ cá thất thoát ra ngoài nên càng phải thu hoạch quy mô lớn. Mỗi ngày, đơn vị thu hoạch đến hàng chục tấn cá. Những con cá mè trắng, cá mè hoa dát bạc trên lưới trông rất bắt mắt. Cá mè trắng có trọng lượng 1kg trở lên còn cá mè hoa nặng từ 3kg trở lên. “Chúng tôi được phép nuôi thủy sản trên lòng hồ Phú Ninh có diện tích mặt nước hơn 3,4 nghìn héc ta. Do quá rộng lớn nên chúng tôi phải làm “chuồng” trong lòng hồ rồi bố trí “hàng rào” để dẫn cá vào đó. Nuôi cá ở đây có nhiều ưu điểm, rất thuận lợi” - ông Châu nói.
Với giá bán cho thương lái dao động ở mức 15 - 20 nghìn đồng/kg cá mè trắng và 20 - 25 nghìn đồng/kg cá mè hoa, mỗi năm thu hoạch được khoảng 50 tấn cá, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam có nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài cá mè, ở lòng hồ Phú Ninh còn được nuôi nhiều loài thủy sản khác là cá trắm cỏ, cá điêu hồng, cá chép, cá lăng nha cũng đem lại giá trị kinh tế cao. Theo ông Châu, thuận lợi lớn nhất khi nuôi cá ở hồ Phú Ninh là có nguồn nước rất đảm bảo, trong sạch nên cá sinh trưởng rất nhanh, hầu như không mắc bệnh. Hồ Phú Ninh sở hữu lượng thức ăn phong phú, dồi dào từ tảo, rong, đa dạng các sinh vật phù du nên nuôi cá không phải tốn thức ăn. “Chúng tôi tự tạo nguồn giống thủy sản và nuôi cá theo mô hình sinh thái, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa làm sạch hơn nguồn nước trong lòng hồ. Trong quá trình phát triển, cá không chỉ hấp thụ các sinh vật gây hại môi trường nước mà còn góp phần cân bằng, điều hòa các yếu tố gây ô nhiễm, đảm bảo ổn định sinh thái” - ông Châu nói.
Thu hoạch cá trong lòng hồ Phú Ninh và chuyển lên ghe. Ảnh: QUANG VIỆT |
Nuôi thủy sản sinh thái trên lòng hồ Phú Ninh còn đem lại thêm một lợi ích nữa là góp phần tái tạo nguồn lợi, làm đa dạng các loài thủy sản có nguy cơ cạn kiệt. Cá bống tượng, cá tra, tôm càng xanh được bổ sung nuôi thường xuyên ở lòng hồ này. Thực tế trong nhiều năm qua đã cho thấy các đối tượng thủy sản đó vắng hẳn ở các môi trường sông, suối do nguồn nước đã bị biến động mạnh, ô nhiễm.
Cần tiếp sức
Theo thống kê, các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh có diện tích mặt nước hơn 10.000ha có thể phục vụ cho nuôi thủy sản sạch. Diện tích mặt nước ở khu vực này rộng, mực nước sâu nên nguồn oxy dồi dào, không cần phải chạy quạt, sục khí bổ sung oxy khi nuôi thủy sản. Nhiệt độ ở đây vào mùa nắng cũng rất đảm bảo, chỉ dao động ở xấp xỉ 25°C, giúp thủy sản nuôi ổn định về môi trường. Tuy nhiên, cái khó là phải đầu tư với quy mô lớn, nông hộ cần được tiếp sức. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, điều cấp thiết để khơi dậy tiềm năng nuôi thủy sản sạch trong các lòng hồ như ở Phú Ninh là cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời, giúp người nuôi tiếp cận, tạo động lực lớn, cú hích phát triển bền vững. Theo đó, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho các hộ đóng mới lồng bè nuôi cá trong lòng hồ có quy mô từ 6 lồng trở lên. Yêu cầu là mỗi lồng phải có thể tích tối thiểu 60m3, chắc chắn. Mức hỗ trợ cho hộ là 15 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 150 triệu đồng cho các lồng bè. Đối với tổ hợp tác, hợp tác xã đóng mới lồng bè nuôi cá trong lòng hồ có quy mô từ 20 lồng trở lên sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 300 triệu đồng cho tất cả lồng bè.
Nuôi thủy sản sạch là hết sức cấp thiết. Điều đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của người nuôi đối với môi trường, sinh thái mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhược điểm tồn tại bấy lâu của nghề nuôi thủy sản Quảng Nam là chỉ dừng lại ở mức đầu tư quảng canh, chưa thể nâng tầm thành nuôi bán thâm canh, thâm canh. Tập quán sản xuất được chăng hay chớ đã kìm hãm tính năng động, không phù hợp để triển khai mô hình nuôi sạch quy mô lớn. Nguyên nhân khiến cho điểm yếu đó chưa được khơi thông là đầu ra thủy sản nuôi bấp bênh, sản phẩm chưa được bảo quản tốt khiến chất lượng giảm sút. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, để giải quyết các vấn đề trên, phục vụ nuôi thủy sản sạch, bền vững thì rất cần phải hỗ trợ người nuôi về yếu tố đầu ra thị trường. Theo đó, ngành thủy sản tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ người nuôi thủy sản khi mua sắm phương tiện vận chuyển hàng hóa thủy sản (xe cộ, ghe thuyền) cũng như các thiết bị phục vụ bảo quản, tiêu thụ sản phẩm thủy sản (bể chứa, máy sục, thùng chứa). Mức hỗ trợ là 30% chi phí mua sắm, hạn mức tối đa là 100 triệu đồng.
NGUYỂN QUANG VIỆT