Người nuôi cá lao đao
(QNO) - Mưa kéo dài trong nhiều ngày qua, đặc biệt là mưa lớn trong đêm 2.12, sáng 3.12 cộng với xả lũ ở hồ Phú Ninh nên mực nước sông Tam Kỳ tiếp tục dâng cao khiến cho nhiều lồng bè nuôi cá điêu hồng trôi theo dòng nước, gây thiệt hại lớn.
Thu hoạch cá “chạy” lũ của gia đình ông Ung Tấn Lịch. Ảnh: V.Q |
Thời điểm này, đã khép lại vụ nuôi thủy sản nên hầu như nuôi cá nước ngọt chỉ diễn ra ở TP.Tam Kỳ, Núi Thành, những nơi có điều kiện thuận lợi đặc biệt. Theo quan sát của chúng tôi, vào sáng ngày 3.12, nhiều lồng bè nuôi cá điêu hồng trên sông Tam Kỳ đoạn qua phường An Sơn bị nước sông dâng cao, chảy xiết cuốn trôi. Nhiều nông hộ cố gắng cầm cự bằng cách buộc chặt lồng bè nuôi cá vào các địa điểm cố định trên bờ nhưng không níu giữ được nhiều. “Khối lượng cá trong lồng bè quá lớn mà nước sông mỗi ngày một dâng cao và chảy xiết nên chúng tôi bất lực trong việc giữ chặt, không để lồng bè bị nước cuốn trôi. Đến thời điểm này chưa tính đếm được lượng cá điêu hồng thất thoát ra ngoài nhưng chắc chắn là không nhỏ. Lỡ cá mà thoát hết thì chúng tôi chỉ có nước điêu đứng” - ông Hồ Vĩnh Tuy, hộ nuôi cá điêu hồng ở sát ngay cầu Tam Kỳ cho biết.
Ông Tuy thông tin, thời điểm này giáp tết nên gia đình quyết giữ cá điêu hồng đã đến lúc thu hoạch để bán lúc tết, trái vụ rất được giá. Lượng cá đang nuôi của gia đình ông Tuy ước tính khoảng 15 tấn, có giá trị khoảng 700 triệu đồng. Để nuôi được lượng cá đó, gia đình ông Tuy đã đầu tư hơn 400 triệu đồng ở vụ nuôi này. “Chỉ cầu trời là cá vẫn còn nguyên trong lồng bè được bao bọc kín bằng lưới rất bền chặt bên ngoài. Mong sao nước sông dâng lên nữa…” - ông Tuy nói.
Nuôi thủy sản trái vụ gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: V.Q |
Cách bè nuôi cá của ông Tuy không xa, nhiều hộ gia đình nông dân cũng bất an, thắc thỏm vì lượng cá nuôi quá lớn mà lồng bè thì cứ ngày một bị nước cuốn trôi xa. Ông Trần Tấn Pho ước tính lượng cá đang “ghim” trong bè nuôi có 5 lồng là 10 tấn. Với giá bán thời điểm này là 50 nghìn đồng/kg thì có thể bán được cỡ 500 triệu đồng. Chỉ vì muốn giữ lại cá để bán vào thời điểm cuối tháng chạp, cận kề tết nên đã liều lĩnh. “Mấy hôm trước nước sông đột ngột dâng cao, đục ngầu nên cá có bị sốc. Hỏi ra mới biết là hồ Phú Ninh đã xả lũ mà chúng tôi chẳng hay. Nếu biết trước thì chúng tôi đã thu hoạch, bán cá rồi. Chừ mưa lớn dài ngày nên càng nguy nan hơn” - ông Pho nói. Ông Pho như ngồi trên lửa vì nếu cá không thất thoát ra ngoài thì cũng bị nguồn nước biến động, đục ngầu nhiều ngày qua làm cho sức đề kháng kiệt quệ, tê liệt. Vậy nên, tình cảnh của ông Pho cũng như nhiều hộ nuôi cá trái vụ trong lồng bè trên sông Tam Kỳ là như… ngàn cân treo sợi tóc.
Người nuôi cá điêu hồng trái vụ gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: V.Q |
Trước đó, ngày 1.12, tại đoạn sông qua thôn Phú Bình (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), một số hộ dân cũng cầm cự thu hoạch cá, bán tống, bán tháo mong thu hồi được một phần vốn đầu tư. Ông Ung Tấn Lịch cho biết: “Gia đình tôi có 20 bè nuôi cá nuôi nhiều loại cá, trong đó cá điêu hồng khoảng 15 tấn cá. Nước lũ chảy xiết như thế này nếu không bán thì ngày mai cá sẽ chết hết. Chừ phải thu hoạch “chạy” lũ nên bị thương lái ép chỉ còn bằng nửa giá thông thường. Tính ra thiệt hại khoảng vài trăm triệu đồng”. Các họ dân cho hay, nước sông dâng quá cao là do hồ Phú Ninh xả lũ. Vậy nhưng, các gia đình không được thông báo từ sớm để chủ động ứng phó.
Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, đến 9 giờ sáng 1.12, mới nhận được thông báo xả lũ từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, vậy nhưng từ sáng sớm trong ngày đã thấy nước sông dâng cao rồi. Vậy nên thông báo là quá trễ. “Lẽ ra trước khi xả lũ thì bên thủy lợi gọi điện báo trước cho chúng tôi biết chứ gửi văn bản có khi ách tắc gì đó đến trễ. TP.Tam Kỳ và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam mới ký quy chế phối hợp xả lũ cách đây mấy ngày. Vậy nhưng đã xảy ra tình trạng phối hợp với nhau không tốt, rất đáng tiếc. Ngành nông nghiệp thành phố sẽ thống kê thiệt hại từ các hộ nuôi cá và tìm cách cứu vãn tình hình” - ông Minh nói.
VIỆT QUANG