Chuyến biển khơi cuối năm
Trong khi mọi tàu câu mực khơi trên địa bàn tỉnh “ngủ đông” sau 4 chuyến biển cam go trên các vùng biển xa thì chủ tàu Phạm Quyến (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) lại chuẩn bị cùng 38 bạn biển vươn khơi.
Ngư dân Phạm Quyến có vóc dáng nhỏ nhắn, hơi gầy nhưng cái bắt tay chắc nịch. Ông Quyến năm nay qua tuổi 50 nhưng có 34 năm bám biển, gần 20 năm câu mực ở Trường Sa. “Tôi bám biển cả đời, tôi có chết đi thì nghề này cũng sẽ được truyền lại và con tôi tiếp nối. Thêm một chuyến câu mực khơi vào thời điểm này của năm ở tỉnh ni hiếm có lắm. Vợ tôi bảo, cặm cụi làm ăn chi lắm vậy, đã đi 4 chuyến rồi, chừ ở nhà thảnh thơi cùng vợ con, làng xóm. Có thêm mấy đồng cũng chả ý nghĩa chi cho lắm” - ông Quyến nói. Chúng tôi hỏi ông Quyến, chủ tàu muốn ra khơi mà lỡ bạn biển không ham thì làm sao có đủ lao động để xuất bến được? Ông Quyến cười nói: “Đồng bệnh tương lân mà, ngoài con trai tôi quyết đi theo cha thì còn lại 38 bạn biển đều cùng chí hướng, gắn bó với tôi như anh em. Họ bảo tôi đi biển lúc nào thì họ cũng sẵn sàng. Ở thôn Đông Xuân bé tẹo này, chỉ có cái tình là quý nhất thôi” - ông Quyến nói.
Các bạn biển khiêng thúng chuẩn bị ra khơi. |
Ông Quyến trèo lên thân tàu, đếm, 1, 2 cho đến khi đủ cả 38 chiếc thúng câu rồi sờ nắn từng đường manh tre chắc nịch với vẻ yên tâm. Chúng tôi hỏi những chiếc thúng này có đủ lực để chống chọi lại sóng gió dữ dằn biển khơi trong mùa biển động, ông Quyến từ tốn: “Cái thúng nhỏ bé vậy đó mà sức chiến đấu ghê gớm lắm. Cái quan trọng để chịu lực không phải là nặng hay nhẹ mà chủ yếu là độ cân bằng của thúng trên biển. Sau mỗi đêm, cái thúng ấy còn ở vị trí câu mực thì người “bạn” còn, cái thúng ấy mà biệt tăm thì anh em chỉ có nước túm tụm lại mà cùng cúng vái thôi”. Trên vùng biển Trường Sa mênh mông hút mắt, chiếc thúng và sinh mệnh của người câu mực gắn bó với nhau như hình với bóng. Anh Ngô Đức Trí, bạn biển lâu năm với ông Quyến cho biết, người câu mực khơi vào cao điểm biển động cũng giống đánh đu như người làm xiếc trên dây. Mỗi đêm thả thúng câu mực là cả một quá trình thi gan với biển. Chỉ cần một tích tắc chợp mắt lúc buồn ngủ thì sẽ không biết chuyện gì xảy ra. Nghề câu mực khơi đòi hỏi ngư dân phải tỉnh táo tột cùng, một chút lơ là có khi đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (nơi có số lượng tàu câu mực khơi lớn nhất tỉnh với 48 chiếc) cho rằng, ngư dân bám biển dài ngày tại các vùng biển xa trong mùa biển động đã quá nhiều khó khăn rồi thì nghề câu mực khơi càng khó khăn hơn gấp bội. Bởi ngư dân câu mực sống giữa biển khơi muôn trùng, chung với sóng gió, biển động, dông lốc và… tai ương. Thực tế đã có nhiều ngư dân mãi nằm lại với biển vì quá buồn ngủ giữa khuya đến sáng, thuyền úp, không ai có thể ứng cứu kịp thời. Theo ông Châu, Phạm Quyến là ngư dân kỳ cựu, rất lạ ở chỗ cứ bám biển câu mực vào mùa biển động, lắm khi còn phải đón tết trên biển khi mà các tàu khác đã lánh đông.
NGUYỄN QUANG VIỆT