Nghề mắm thiếu nguyên liệu

VIỆT QUANG 14/11/2016 08:42

Cá cơm - sản phẩm chính của nghề lưới vây trũ và pha xúc đạt sản lượng rất thấp không chỉ làm tụt giảm mạnh thu nhập của một bộ phận ngư dân ở các vùng bãi ngang trên địa bàn tỉnh, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người làm nghề nước mắm truyền thống.

Thất thu cá cơm

Cảng cá Duy Hải (Duy Xuyên) những ngày này thưa vắng. Các ngư dân cho biết, không khí nhộn nhịp mua bán hải sản không còn chủ yếu là do 2 nghề chủ lực là pha xúc và lưới vây trũ sản xuất không hiệu quả. Dạo một vòng quanh cảng chỉ thấy lưa thưa mấy loại cá tạp, một ít cá nục, cá ngừ, không thấy bóng cá cơm. Ngư dân Nguyễn Tấn Bảo (thôn An Lương, xã Duy Hải), chủ tàu cá QNa-20111 cho biết, cá cơm - sản phẩm chính của 2 nghề pha xúc và lưới vây trũ hoạt động rất mạnh vào các tháng giêng, hai và đầu vụ cá bắc. Theo ông Bảo, cách đây chừng một tháng, ngư dân đánh bắt được sản lượng cá cơm rất lớn. Tuy nhiên, chỉ vài chuyến biển trôi qua là bão ập tới gây gián đoạn. Mới đây ra khơi trở lại thì không dò tìm được cá cơm, thất thu các chuyến biển. “Cả năm nay gia đình tôi theo nghề lưới vây trũ mà sản xuất rất khó khăn do sản lượng cá cơm thu được quá ít. Chỉ đạt vài chuyến biển vừa qua là quá ít ỏi” - ông Bảo nói. Thời điểm này, ông Bảo cũng giống như nhiều ngư dân khác cùng nghề trên địa bàn đã chuyển qua ươm giống cây lâm nghiệp để tạo sinh kế mới, chờ mùa đánh bắt cá cơm vào năm sau.

Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đang thiếu nguyên  liệu sản xuất vì sản lượng cá cơm khai thác được trong năm 2016 rất ít. TRONG ẢNH: Nước mắm cá cơm thành phẩm được chế biến bởi cơ sở Duy Trinh. Ảnh: QUANG VIỆT
Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đang thiếu nguyên liệu sản xuất vì sản lượng cá cơm khai thác được trong năm 2016 rất ít. TRONG ẢNH: Nước mắm cá cơm thành phẩm được chế biến bởi cơ sở Duy Trinh. Ảnh: QUANG VIỆT

Ngư dân các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh tham gia khai thác cá cơm ở tuyến bờ và tuyến lộng rầm rộ trong vài năm trở lại đây nhờ 2 nghề pha xúc và lưới vây trũ ăn nên làm ra. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay, ở khắp 6 địa phương có nghề cá toàn tỉnh, 2 nghề này hoạt động rất manh mún. Theo ông Võ Tấn Thành, cán bộ phụ trách nguồn lợi, Chi cục Thủy sản Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 8 phương tiện theo nghề pha xúc ở huyện Núi Thành. Nghề lưới vây trũ còn hoạt động khoảng 180 phương tiện, có công suất dưới 90CV. Đặc biệt, ở thị xã Điện Bàn và TP.Hội An, nghề pha xúc đã bị xóa sổ do làm ăn không hiệu quả, ngư dân đã chuyển sang các nghề lưới rê hỗn hợp và câu cá hố. Nghề lưới vây trũ của ngư dân các huyện Thăng Bình và Duy Xuyên hoạt động rất cầm chừng vào thời điểm này. Riêng ở huyện Duy Xuyên, chỉ còn 25 phương tiện khai thác cá cơm bằng nghề này. Trong vòng 3 năm qua, đã có đến 50% số ngư dân xã Duy Hải bỏ nghề lưới vây trũ vì không có chuyến biển bội thu cá cơm như nhiều năm trước. Ông Nguyễn Tấn Hai (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết, khi được mùa cá cơm, chỉ một đêm có thể khai thác được 5 - 7 tấn, nay không biết do đâu mà loại hải sản này vắng hẳn.

Sản xuất nước mắm gặp khó

Do sản lượng cá cơm khai thác được quá thấp trong năm 2016 nên nghề mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn nguyên liệu chế biến. Cơ sở chế biến nước mắm truyền thống Duy Trinh (xã Duy Hải, Duy Xuyên) đông đảo khách hàng đến mua nước mắm để về bán lẻ theo các đơn hàng đã đặt trước. Bà Nguyễn Thị Lanh, chủ cơ sở này cho biết, việc kinh doanh nước mắm rất thông suốt trong vòng 5 năm trở lại đây. Do quen với mùi vị thân thuộc đặc trưng của cơ sở này nên khách hàng vẫn tìm đến hỏi mua, không hề nghi ngờ chất lượng sản phẩm sau khi có nhiều luồng tin sai lệch rằng nước mắm truyền thống chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều duy nhất bà Lanh băn khoăn vào thời điểm này là thiếu nguyên liệu để ủ chượp cho thành phẩm nước mắm vào năm sau, cung cấp theo thỏa thuận với khách hàng. “Mỗi năm, cơ sở của gia đình tôi cần 500 tấn cá cơm để chế biến nước mắm. Vậy mà đến thời điểm này của năm, chúng tôi chỉ mới mua được chưa đầy 100 tấn. Chừ chỉ phụ thuộc vào nguồn cá cơm đã ủ chượp dự trữ vào năm trước. Nếu không đủ nguyên liệu sẽ rất khó khăn để sang năm cung cấp đủ đơn hàng” - bà Lanh chia sẻ. Theo bà Lanh, để giải quyết khó khăn, có thể sẽ thu mua cá nục và cá de để về ủ chượp làm mắm thay cho cá cơm. Nếu như vậy sẽ phải hạ giá bán so với nước mắm cá cơm.

Tại Bình Dương (Thăng Bình), địa phương đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Cửa Khe với sự tham gia của 11 chủ cơ sở chế biến nước mắm chuyên nghiệp và nhiều hộ khác làm “vệ tinh”. Nhiều chủ cơ sở cho rằng, nguồn nguyên liệu cá cơm được đánh bắt bằng nghề lưới vây trũ ở vùng biển ven bờ của địa phương là ưu tiên nhất vì khi làm mắm sẽ có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn xã Bình Dương chỉ còn 6 phương tiện lưới vây trũ hoạt động nên thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các cơ sở sản xuất phải đi mua nguyên liệu cá cơm từ nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh lẫn các tỉnh phía Nam. Ông Cao Thành Phiện - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho rằng, chất lượng nước mắm Cửa Khe đã có thương hiệu nên càng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dù thiếu nguyên liệu cá cơm như thế nào, địa phương cũng vận động các cơ sở tìm cách thu mua về ủ chượp sản xuất chứ không thay thế bằng các loại cá khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2015 trở về trước, giá cá cơm chỉ dao động ở mức 10.000 - 17.000 đồng/kg. Do khan hiếm nguồn cung nên giá cá cơm đã được đẩy lên đến 25.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm và hiện nay là 30.000 đồng/kg. Theo các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống, để ổn định chất lượng nước mắm, họ lùng sục, săn lùng cá cơm khắp nơi, thậm chí đi thuyền ra tận ngư trường khai thác cá cơm trên biển để tranh mua tận gốc nhưng vẫn không đủ nguồn nguyên liệu. “Cứ 2 ký cá cơm được ủ chượp trong vòng khoảng một năm sẽ chế biến được 1 lít nước mắm nguyên chất. Hiện nay, giá bán nước mắm cá cơm loại 1 chỉ 45.000 đồng/lít, trong khi giá nguyên liệu đến 30.000 đồng/kg. Vậy nhưng, nếu có chúng tôi vẫn phải mua nguyên liệu cá cơm với giá thành cao mà giá đầu ra thành phẩm sẽ giữ không dao động mấy trong thời gian tới. Đảm bảo chất lượng thì mới giữ được uy tín của nước mắm truyền thống” - bà Lanh nói.

Áp lực khai thác!
Theo ông Võ Quốc Hai - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Duy Hải, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác cá cơm trên địa bàn đạt rất thấp. Năm 2015, những chuyến biển đạt nhất của nghề lưới vây trũ thu được 7 tấn, có trường hợp thu được 10 tấn cá cơm. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, chưa có chuyến biển nào ngư dân thu được 2 tấn cá cơm. Nguyên nhân là vì trước đây, cá cơm hoạt động mạnh, đi thành từng đàn lớn. Có khi ra đến vùng biển Cù Lao Chàm là có thể dùng lưới vây ngày để đánh cá chứ không cần đèn dẫn dụ. Vậy mà nay, thay vì khai thác riêng biệt, nhiều chủ tàu đã phải kết thành đoàn có khoảng 3 chiếc kết nối và chong đèn sáng rực vẫn không khai thác được nhiều cá cơm. Ông Hai nhận định, có thể do áp lực khai thác quá lớn đã dẫn đến tận diệt nguồn lợi. “Tôi được biết, không chỉ ngư dân Quảng Nam khai thác cá cơm bằng nghề pha xúc mà cả các chủ tàu người Bình Định, Quảng Ngãi cũng hay đến các vùng biển ven bờ của Quảng Nam khai thác cá cơm bằng nghề pha xúc. Lắm khi họ pha đèn công suất lớn khiến cá cơm bị “trồng” ngay lên mặt nước để xúc lấy. Đèn cao áp làm cá chết ngay khi mắt bị cháy nên xem như đàn cá đã bị tận diệt” - ông Hai nói.
Ông Võ Tấn Thành cũng cho rằng, nguồn lợi cá cơm ngày một ít đi ở các vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh do nạn khai thác hủy diệt. Điều đó được biểu hiện ở chỗ, đối với nghề pha xúc, ngư dân dùng đèn phát ánh sáng cực mạnh để dẫn dụ cá. Sau đó, cá bị “ăn” đèn, cứ “rướn” theo ánh sáng mà trồi lên mặt nước. Chỉ chờ có vậy, không cần biết cá đã trưởng thành hay còn non, ngư dân xúc, khai thác trọn mẻ lưới. Cứ tiếp diễn như vậy thì nguồn lợi suy giảm không có gì là khó hiểu. Còn đối với nghề lưới vây trũ, ngư dân sử dụng mắt lưới quá nhỏ, độ dài của lưới hạn chế, chiều cao của lưới thấp nên cũng phải dùng cách vơ trọn đàn cá mới hiệu quả. Với cách đánh bắt “triệt để” như vậy nên nguồn lợi cá cơm khó có thể tái sinh kịp thời. Cũng theo ông Thành, ngay ở những khu vực có nhiều rạn trên các vùng biển ven bờ Quảng Nam như khu vực quanh Cù Lao Chàm (TP.Hội An) hay gần Bàn Than (Núi Thành), cá cơm cũng ít dần hoạt động do điều kiện sinh hoạt đã bị biến đổi, biến động nhiều trong thời gian qua. “Cá cơm chủ yếu là loài di cư, hoạt động ở tầng nổi. Chúng có thể theo đàn đến những vùng mặt nước biển khác nhau thuộc khu vực ven bờ và tuyến lộng. Có thể do biến đổi khí hậu làm thay đổi nguồn nước, chế độ hải lưu, ánh sáng và mật độ phù du nên cá cơm ít hoạt động ở vùng biển quanh Quảng Nam. Phải lấy mẫu nhiều nơi, nhiều thời điểm, nghiên cứu sâu rộng, phân tích kỹ càng cá cơm ít hoạt động là do đâu mới có thể bàn giải pháp tái tạo kịp thời và hiệu quả” - ông Thành nói.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG