"Đau đầu" với tàu vỏ thép - Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/10/2016 09:21

Trước những bất cập trong quá trình vay vốn và đóng tàu vỏ thép, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đang triển khai các biện pháp tháo gỡ kịp thời, tạo thuận lợi để ngư dân có thêm những chiếc tàu lớn vươn khơi bám biển.

  • "Đau đầu" với tàu vỏ thép - Bài 2: Ách tắc nguồn vốn
  • "Đau đầu" với tàu vỏ thép - Bài 1: Thiết kế chưa phù hợp
Tàu vỏ thép của ngư dân Phan Bá Tầm đang dần hoàn thiện.Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu vỏ thép của ngư dân Phan Bá Tầm đang dần hoàn thiện.Ảnh: QUANG VIỆT

Khắc phục bất cập

Mới đây, con tàu vỏ thép QNa 91697 có công suất 829CV đã được Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) bàn giao cho ngư dân Phan Bá Tầm (cũng ở thôn Đông Xuân) để ngư dân này hành nghề chụp mực trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian tới. Con tàu vỏ thép bề thế, dài 26m, rộng, 7,1m, chiều cao mạn tàu 3,3m, tốc độ đạt 12 hải lý/giờ. Anh Tầm chia sẻ, con tàu vỏ thép được hoàn thiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày khởi công là nhanh, gọn. Nếu ký hợp đồng vay vốn đóng tàu trước khi thi công thì khoảng cách thời gian hoàn thành con tàu đã có thể đã rút gọn đi hàng tháng trời nhờ việc giải ngân kịp thời. Nơi anh ở và địa điểm đóng tàu không xa nên có rất nhiều thời gian để đến giám sát quá trình thi công; trong khi các ngư dân khác phải lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh hay ra TP.Hải Phòng để đóng tàu vỏ thép, chịu nhiều tốn kém. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các bất cập trong thiết kế đối với phương tiện làm nghề chụp mực đã đóng trước đây, anh có thể góp ý, cùng với đội ngũ kỹ sư của công ty hoàn thiện, khắc phục. Ví như giàn tời kéo lưới phải được bố trí hợp lý, gọn ghẽ, hạn chế không gian để các thao tác khi sản xuất của ngư dân được thuận tiện. Đặc biệt, hệ thống tời được thiết kế phù hợp, chịu được trọng lực lớn khi kéo ngư lưới cụ lên tàu.

Theo ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước, con tàu vỏ thép được cơ sở này thi công có thể hoạt động được trong những điều kiện thời tiết biến động nhờ khắc phục độ rung lắc mà các tàu vỏ thép trước đây mắc phải. Ví như ở tàu chụp mực của ngư dân Phan Bá Tầm, các kỹ sư đã áp dụng thao tác “banh bụng” để tăng độ chiếm sóng cho thân tàu, hạn chế rung lắc. Đội ngũ kỹ sư cũng đã dùng biện pháp “tăng kín” để tăng độ đằm ở phần mũi tàu. Hệ thống các hầm bảo quản hải sản, các hầm chứa nhu yếu phẩm cũng được bố trí nhích về phía thân trước để khắc phục tình trạng mũi tàu để tăng trọng lực. “Về nguyên tắc, khi thi công, đội ngũ kỹ sư của chúng tôi không được thay đổi kết cấu con tàu theo thiết kế đã được phê duyệt. Đối với các lỗi đã mắc phải của các tàu vỏ thép trước đó, chúng tôi cùng với ngư dân bàn bạc khắc phục. Sửa các chi tiết thì không sao nhưng phải sửa các bộ phận của thân tàu có liên quan đến cấu trúc thì phải liên hệ với đội ngũ thực hiện đăng kiểm để giám sát. Nói chung là khi thi công, chủ tàu muốn sửa đổi gì để phù hợp hơn với tập quán đánh bắt hải sản của họ thì góp ý và cùng khắc phục” - ông Hà nói.

Giúp ngư dân hoàn thiện hồ sơ vay vốn đóng tàu

Theo bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam, Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn nên ngân hàng nhiệt tình triển khai, giúp đỡ ngư dân có điều kiện tốt nhất để vay vốn đóng tàu vỏ thép. Có nhiều trường hợp, cán bộ tín dụng của BIDV chi nhánh Quảng Nam đã phải cầm tay chỉ việc, giúp ngư dân hoàn thành các thủ tục, hồ sơ vay vốn. Để ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã tinh giảm đến mức thấp nhất các bước giải quyết hồ sơ. Cán bộ tín dụng của ngân hàng đã phải trực tiếp đến các cơ sở đóng tàu vỏ thép trên phạm vi cả nước, tìm hiểu cặn kẽ quy trình làm việc để giúp ngư dân đóng được những con tàu vỏ thép chất lượng tốt nhất. “Ngư dân quần quật làm ăn trên biển rất khó có thể thực hiện được dự toán chi phí con tàu vỏ thép có giá trị 15 tỷ đồng. Chúng tôi làm việc đó thay họ để công việc thông suốt. Con tàu được hoàn thành phần nào là chúng tôi giải ngân ngay vốn của phần đó để ngư dân thanh toán cho cơ sở đóng tàu. Các công đoạn đóng tàu cũng được thuê giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng theo kỳ vọng của ngư dân” - bà Nga nói.

Về trường hợp các ca bin của những tàu vỏ thép đã đi vào sản xuất cho thấy quá cao, không phù hợp, ông Hà cho biết, đã giảm độ cao từ 2,2m theo thiết kế xuống còn khoảng 1,8m. “Thiết kế ca bin của tàu vỏ thép cao 2,2m là tiêu chuẩn chung của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, đa số các tàu vỏ thép đó được sử dụng chuyên chở hàng hải, rất lớn, cồng kềnh chứ không phải tàu dùng cho mục đích đánh bắt hải sản. Qua ngư dân, chúng tôi yêu cầu họ sửa thiết kế và phê duyệt xong là chúng tôi sửa ngay trên thân tàu đang đóng mới” - ông Hà nói. Cùng với khắc phục các lỗi thiết kế đã có từ trước, Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước coi trọng chất lượng thép dùng để đóng phần vỏ tàu. “Phần thép làm vỏ tàu có nhiều loại. Chúng tôi góp ý với ngư dân là không nên chọn mua thép do Trung Quốc sản xuất. Con tàu vỏ thép cần phải được hoạt động vững chãi trong vòng mấy chục năm. Khi làm dự toán chi phí đóng tàu, ngư dân nên tăng chi phí mua thép loại tốt nhất để đảm bảo chất lượng con tàu” - ông Lê Phước Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước nói.

Khai thông nguồn vốn

Triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quảng Nam được Trung ương phân bổ đóng mới 92 tàu công suất lớn, trong đó có 60 tàu vỏ thép. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 13 tàu vỏ thép đi vào sản xuất và 15 tàu vỏ thép đang thi công. Để triển khai đóng mới 32 tàu vỏ thép còn lại được thông suốt, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay vốn để ngư dân được nhanh chóng ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân. Nhằm hạn chế tình trạng “thờ ơ” của một số ngân hàng thương mại trong thời gian qua, UBND tỉnh yêu cầu các ngân hàng này phải thực hiện nghiêm chỉ đạo là phải trả lời bằng văn bản quyết định cho ngư dân vay vốn đóng tàu, nếu từ chối cần nêu rõ nguyên nhân và đồng thời gửi về Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, UBND các huyện, xã nơi ngư dân cư trú để các bên liên quan nắm rõ thông tin. “Con tàu vỏ thép có giá trị lên đến 15 tỷ đồng, ngư dân không kham nổi nên đề nghị các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay tối đa là 95% giá trị con tàu, tránh trường hợp chỉ cho vay ở mức thấp khiến ngư dân gặp khó khăn với nguồn vốn đối ứng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước thi công tàu vỏ thép.
Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước thi công tàu vỏ thép.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai đóng mới tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh là khẩn trương, các bên cùng tháo gỡ vướng mắc, tránh gây thiệt hại cho ngư dân. Theo đó, đối với các trường hợp phát sinh vốn vay khi phải sửa lại các chi tiết không phù hợp do thiết kế thì các ngân hàng nên bố trí, ứng vốn kịp thời, không thể vì ngoài dự toán đã phê duyệt mà để ngư dân phải chờ đợi lâu, gây thiệt hại kinh tế. “Thời gian qua, việc đóng mới tàu vỏ thép đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT làm đầu mối liên hệ với các ngành liên qua, các địa phương ven biển và ngư dân để thống kê, cập nhật và tham mưu UBND tỉnh đề xuất với các bộ, ngành ở Trung ương để giải quyết kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng lưu ý.

Về trường hợp một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho các ngư dân chưa đảm bảo nên rất khó ký hợp đồng vay vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ thép, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT liên hệ với các trung tâm đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng vận hành tàu vỏ thép và vật liệu mới để có kế hoạch mời đội ngũ giảng viên cũng như kết nối với các địa phương ven biển, tập hợp ngư dân để giảng dạy, cấp chứng chỉ vận hành tàu vỏ thép được an toàn, hiệu quả.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT