Hiệu quả nuôi cá điêu hồng ở Thăng Bình

VIỆT QUANG 21/10/2016 11:16

(QNO) - Hiệu quả bước đầu thu được từ nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ven sông Trường Giang là cơ sở để ngành nông nghiệp Thăng Bình đề xuất quy hoạch, nhân rộng mô hình.

Lợi nhuận khá

Được sự hỗ trợ về vật chất và kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình, tháng 4.2016, hộ gia đình ông Phan Đức Hoan (thôn 3, xã Bình Dương) đầu tư nuôi 14.400 con giống cá điêu hồng trong 6 lồng nuôi kết thành bè có tổng thể tích là 375m3 bố trí trên sông Trường Giang đoạn qua địa bàn. Sau 6 tháng thả nuôi, ông Hoan thu hoạch được tổng cộng 4 tấn cá, bán được khoảng 160 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông Hoan thu lãi 40 triệu đồng. “Giá trị kinh tế thu được là tương đối lớn sau nửa năm nuôi cá. Ngoài lợi nhuận kinh tế, gia đình tôi còn có lồng bè kiên cố, có thể nuôi cá được khoảng 5 năm nữa. Lồng bè đó có giá trị 60 triệu đồng là điều kiện tốt để chúng tôi đầu tư tiếp trong năm đến” - ông Hoan nói.

Cá điêu hồng đem lại lợi nhuận khá cho người dân Thăng Bình. Ảnh: VIỆT QUANG
Cá điêu hồng đem lại lợi nhuận khá cho người dân Thăng Bình. Ảnh: VIỆT QUANG

Theo ông Hoan, nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở sông Trường Giang rất thuận tiện. Thứ nhất là môi trường nước rất ổn định, dòng chảy đều là điều kiện tiên quyết cho nuôi cá thành công. Thứ nữa là khu vực này có nguồn thức ăn dồi dào nên hệ số thức ăn cho nuôi cá rất thấp, ít tốn kém. “Qua tập huấn, được trang bị kỹ thuật nuôi cá nên tôi có thể chủ động xử lý được một số tình huống bất ngờ, khử độc, xử lý bệnh và cung cấp đủ oxy để cá phát triển tốt” - ông Hoan cho biết thêm.

Theo thống kê, sau vụ nuôi (5 - 6 tháng), bình quân ở mỗi lồng nuôi, người dân thu lãi 20 - 25 triệu đồng. Giá bán cá điêu hồng trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tùy theo kích cỡ của cá điêu hồng khi thu hoạch, giá bán ra có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu đạt trọng lượng gần 1kg/con.

Tại xã Bình Triều, hộ gia đình ông Phạm Văn Nhất ở thôn 4 được ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình hỗ trợ 30 triệu đồng cùng trang bị kỹ thuật để thả nuôi 6.000 con cá giống điêu hồng trong 6 lồng nuôi kết thành bè có thể tích là 375m3. Sau 6 tháng nuôi, cá điêu hồng phát triển tốt, ông Nhất thu được gần 3 tấn cá, bán được khoảng 120 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, lãi được 30 triệu đồng.

Theo ông Nhất, so với nuôi cá trong ao đất thì nuôi trên sông Trường Giang có nhiều thuận lợi, hệ số thức ăn giảm từ 1.8 xuống còn 1.0 do nguồn thức ăn trong tự nhiên phong phú. Nuôi trên sông có chế độ thủy triều, dòng chảy sẽ khiến cho môi trường nước thông thoáng, hạn chế ứ chất độc, cặn bã khiến cá nuôi chậm tăng trưởng. Vấn đề khống chế dịch bệnh, xử lý thức ăn thừa cũng dễ dàng hơn. Ông Nhất cho biết, từ nguồn lợi nhuận tích lũy được cũng như tận dụng bè nuôi kiên cố nên sẽ tiếp tục nuôi cá điêu hồng trong lồng bè trong năm tiếp theo.

Quy hoạch để phát triển

Năm 2015, huyện Thăng Bình cũng triển khai hỗ trợ người nông dân nuôi cá điêu hồng trong lồng bè, bố trí trên sông Trường Giang, đoạn qua thôn Đồng Trì, xã Bình Hải. Giá trị kinh tế thu được là rất lớn, hộ ông Hồ Tấn Đình thu lãi 150 triệu đồng chỉ sau 1 vụ nuôi. Ông Đình tiếp tục nuôi cá trong năm 2016 này và cũng có nguồn lợi nhuận khấm khá.

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình đánh giá, đối tượng nuôi cá điêu hồng và cách nuôi trong lồng bè đều rất thuận lợi, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng triều ven sông Trường Giang. Các mô hình nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng trên những vùng nuôi có điều kiện tự nhiên phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân. Khi triển khai, các hộ nông dân cần lựa chọn thời điểm thả nuôi phù hợp tránh những thời điểm thời tiết thay đổi thường xuyên, tránh mùa mưa kéo dài ảnh hưởng đến cá nuôi. Đặc biệt là tránh tác hại của bão lũ gây thất thoát cá.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, muốn phát triển rộng khắp nuôi thủy sản thì phải có quy hoạch căn cơ, bài bản. “Ngành nông nghiệp đang đề xuất với UBND huyện Thăng Bình cho phép quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè trên sông và các hồ chứa nước, những nơi đảm bảo điều kiện. Để được thông suốt, mong UBND huyện cho chủ trương nạo vét lòng sông, vớt xử lý bèo, rau muống trên sông để tạo dòng chảy thông thoáng. Có như vậy nghề nuôi trồng thủy sản trên sông càng có điều kiện phát triển tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Vũ nói.

Cá điêu hồng được Bộ NN&PTNT xác định là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới. Loài cá này có năng suất cao, mau lớn, thịt ngon nên được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Bởi vậy, để tận dụng các ưu điểm về tự nhiên, lao động, huyện Thăng Bình nên coi trọng yếu tố đầu ra, giúp nông hộ triển khai nuôi cá rộng khắp, hiệu quả đem lại lợi nhuận lớn, tạo chuyển biến cho khu vực nông thôn.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG