Triển vọng nuôi cua

VIỆT QUANG 26/09/2016 09:08

(QNO) - Các mô hình nuôi cua thử nghiệm thành công ở huyện Núi Thành đã mở ra triển vọng mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản ở vùng triều ven sông, đem lại thu nhập lớn cho các nông hộ.

Hiệu quả kinh tế cao

Mới đây, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá hiệu quả của mô hình nuôi cua triển khai ở vùng triều ven sông. Trước đó, từ tháng 4.2016, các hộ Châu Ngọc Văn, Lê Tửu, Dương Trung Nghĩa, Dương Thanh Quang (thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) được hỗ trợ 26 nghìn con cua giống và tập huấn kỹ thuật để triển khai nuôi cua trên tổng diện tích 1,3ha.

Ông Lê Tửu cho biết: “Tôi được hỗ trợ 7 nghìn con cua giống, nuôi thương phẩm trên diện tích 0,3ha. Qua 5 tháng thả nuôi, cua tăng trọng nhanh, tỷ lệ sống cao, trung bình mỗi con đạt gần 0,5kg. Với giá bán mỗi ký cua thương phẩm thu được 200 nghìn đồng, gia đình tôi lãi hơn 50 triệu đồng”. Trong khi đó các hộ nuôi còn lại cũng thu được giá trị kinh tế ổn định với mô hình được triển khai.

bgf
Nuôi cua có triển vọng lớn, cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.Q

Theo Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành, nuôi cua thương phẩm trải qua 2 giai đoạn tiếp nối nhau là ương nuôi cua bột thành cua giống để từ đó nuôi cua thương phẩm. Tất cả các chỉ tiêu của mô hình đề ra đều đạt, hiệu quả thu được lớn. Ngoài ra, trong ao nuôi cua, các hộ có thả xen một ít tôm sú, tôm thẻ chân trắng để tận dụng diện tích mặt nước, tăng thu sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Mặt khác, so với cua giống tự nhiên, kích cỡ thu hoạch của cua gạch và cua đực lớn hơn, có con đạt trọng lượng hớn 0,5kg, bán giá rất cao, hơn 200 nghìn đồng/kg.

“Nuôi cua không quá khó nhưng cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đặt ra. Việc đảm bảo môi trường nước rất quan trọng vì nuôi với mật độ dày và thức ăn tươi sống. Mỗi lần thay nước cho 20 - 30% lượng nước trong ao. Mỗi tuần thay nước một lần hoặc tăng cường thay nước theo con thủy triều. Nước trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt. Các nông hộ triển khai mô hình đã thực hiện tốt điều đó và chú trọng kiểm tra đảm bảo độ pH, nhiệt độ nên cua sinh trưởng rất thuận lợi” - ông Đặng Văn Quang, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành cho biết.

Đa dạng đối tượng nuôi

Hội thảo đã tập trung nhiều ý kiến đánh giá, bao quát nhiều vấn đề, trong đó đề cập nhiều đến chất lượng con giống. Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành khẳng định, nuôi cua thương phẩm từ ương nuôi cua bột có nhiều ưu việt, đã khắc phục được những nhược điểm của các mô hình nuôi cua từ con giống tự nhiên được triển khai trước đây. Cụ thể, khắc phục được các hạn chế là cua giống khai thác tự nhiên có kích cỡ không đồng đều, các phần phụ thường hay bị tổn thương do đánh bắt, chất lượng không đảm bảo, giá lại rất cao mà không thể chủ động về số lượng, mùa vụ nuôi. Điều đó đã khiến cho cua nuôi dễ bị bệnh, tỷ lệ sống thấp, sản lượng không đạt.

Thay thế hoặc nuôi cùng tôm thẻ chân trắng

Những năm trở lại đây việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông đạt hiệu quả thấp, gặp nhiều rủi ro do tình trạng ao nuôi bị xuống cấp. Ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông mà hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn. Tình trạng bỏ trống diện tích ao nuôi ngày một nhiều tại các địa phương. Do đó, để tận dụng diện tích mặt nước vùng triều, hạn chế dịch bệnh thì những đối tượng có khả năng thích nghi rộng như cua cần được đưa vào nuôi luân canh, xen canh trong các ao nuôi tôm nước lợ hoặc nuôi thâm canh riêng biệt cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hứa Viết Thịnh - cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, từ việc chuyển đổi nguồn giống cua tự nhiên sang cua bột đã giúp người dân chủ động hơn trong việc thả giống với số lượng lớn. Ương nuôi cua giống không khó. Cua bột có nhiều ở Bình Định, nông hộ cần vận chuyển bằng khay ẩm đóng trong thùng xốp, quy cách cỡ 500 con/khay. Khi vận chuyển cua bột về đến ao nuôi, đặt các khay cua ra xung quanh dọc bờ ao, múc nước ngoài ao đổ vào khay khoảng 10 - 15 phút, sau đó tiến hành thả cua bột ra ao. Khi thả cua bột nên thao tác thật nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương cua. Trước đó, nông hộ cần thông báo cho trại sản xuất giống biết độ mặn ao ương nuôi cua để chủ động cân bằng độ mặn. Độ mặn của ao ương nuôi không nên sai lệch với trại giống khoảng 5‰. Mật độ ương nuôi từ cua bột trực tiếp lên cua thương phẩm là 2 con/m2 .

Theo bà Nguyễn Thị Đồng - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, cua nuôi dễ thích nghi với các điều kiện nuôi hiện tại ở vùng triều ven sông. Thời gian nuôi ngắn nên chủ động mùa vụ. Chi phí vừa phải nên phù hợp với khả năng đầu tư của đa số hộ gia đình. Thị trường tiêu thụ dễ dàng, đầu ra sản phẩm ổn định, giá bán cao, đem lại thu nhập khá cho người dân. Vì thế các nông hộ trên địa bàn tỉnh nên tham quan các mô hình đã triển khai, qua đó nhân rộng sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, hướng đến sản xuất bền vững.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG