Nuôi tôm nước lợ ở Tam Kỳ: Quy hoạch nhiều khu nuôi tập trung
Để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, TP.Tam Kỳ đang lập quy hoạch, tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP ở từng khu, cụm để hạn chế dịch bệnh trên tôm, tăng hiệu quả kinh tế…
Năng suất quá thấp
Thống kê của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho thấy, ở vụ 1 nuôi tôm nước lợ 2016, các nông hộ trên địa bàn triển khai nuôi tôm trên tổng cộng 204ha. Sản lượng thu được xấp xỉ 300 tấn, năng suất trung bình chỉ đạt hơn 1 tấn/ha, chỉ bằng 1/10 so với nhiều địa điểm nuôi tôm trên toàn tỉnh. Trong khi đó, từ năm 2015 trở về trước, sản lượng thu được cao nhất cũng chỉ là 350 tấn, có năm đạt chưa đầy 200 tấn. Đến các vùng nuôi tôm của Tam Kỳ vào thời điểm này rất dễ nhận thấy cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của các hộ nuôi. Ở các khu vực nuôi tôm dù rộng lớn như Tam Thăng, Tam Phú hay Tam Thanh vẫn chưa đưa được điện ra đồng. Nhiều hộ chạy máy bơm nước, quạt nước bằng động cơ diezen vừa tốn kém, lại thiếu ổn định. Theo ông Đặng Vĩnh Thạch, cán bộ chuyên trách thủy sản của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, các khâu của quá trình nuôi tôm trên địa bàn, từ quy hoạch vùng nuôi, con giống, vật tư cho đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều… chưa chuyên nghiệp. Toàn thành phố có hơn 200ha ao nuôi tôm nhưng chỉ là các vùng nuôi tôm tự phát của các hộ nuôi. Hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm không có kênh cấp, kênh thoát riêng nên thường xuyên xảy ra tình trạng lấy nước nuôi tôm từ… nước thải.
Hạ tầng các vùng nuôi tôm của TP.Tam Kỳ quá sơ sài khiến dịch bệnh trên tôm nuôi dễ xảy ra. Ảnh: N.Q.V |
Theo ThS. Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, muốn nuôi tôm thành công thì bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất. Hiện TP.Tam Kỳ chưa được quy hoạch theo các vùng nuôi lớn, tập trung. Vậy nên, nông dân chỉ mới sản xuất nhỏ lẻ, trong khi đó các doanh nghiệp thì không có điều kiện để đầu tư nuôi tôm quy mô lớn. Điều này đã khiến cho dịch bệnh dễ lây lan, nghề nuôi tôm chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Mặt khác, mô hình nuôi tôm ở TP.Tam Kỳ chủ yếu sản xuất ở vùng triều chứ chưa đầu tư lớn như nuôi tôm trên cát bằng hình thức lót bạt. Con giống không thể quyết định được nuôi tôm thành công hay thất bại nhưng đó là yếu tố cốt lõi nhất, điều kiện cần đầu tiên để kỳ vọng bội thu khi thu hoạch. Vậy nhưng, hiện nay Tam Kỳ vẫn chưa có được trại tôm giống được “dán nhãn” chất lượng. Trại giống của Trung tâm Ứng dụng & chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ vẫn mới chỉ ương giống từ post nhỏ lên post lớn chứ chưa thể nhập khẩu tôm bố mẹ về rồi sinh sản, tạo giống đảm bảo. Người nuôi tôm trên địa bàn vẫn phải tìm mua tôm giống chất lượng trong khi kiểm dịch giống vẫn còn nhiều khoảng trống bỏ ngỏ.
Quy hoạch lại vùng nuôi
Theo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, thời gian tới thành phố sẽ tập trung đầu tư, phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững. Theo đó, yếu tố quan trọng đầu tiên là quy hoạch. Ông Đặng Vĩnh Thạch cho biết: “Quy hoạch nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn đã được TP.Tam Kỳ thông qua lần thứ nhất, quy hoạch 1/2.000. Ở các lần tiếp theo, việc này sẽ hoàn chỉnh dần và triển khai trên thực tế”. Theo ông Thạch, diện tích quy hoạch sẽ là 244ha, triển khai ở 3 xã Tam Thanh, Tam Thăng và Tam Phú. Trong tổng diện tích sẽ trích ra 15% để làm ao chứa lắng và 10% để đầu tư ao xử lý nước thải. Sau đó, diện tích nuôi tôm sẽ được phân thành từng khu, cụm có diện tích chừng 2 - 3ha/khu, tập trung nuôi tôm. “Chúng tôi đang thực hiện đề tài khoa học nuôi tôm theo hướng VietGAP. Khi nghiệm thu thành công sẽ triển khai rộng rãi, khắc phục các điểm yếu hiện nay của nghề nuôi tôm Tam Kỳ. Các yếu tố về đảm bảo chất lượng con giống, loại bỏ kinh doanh vật tư nuôi thủy sản kém chất lượng cùng hàng loạt giải pháp khác đang được Phòng Kinh tế xin ý kiến của các ban, ngành của tỉnh, tiếp thu và tham mưu UBND TP.Tam Kỳ triển khai hợp lý trong thời gian đến” - ông Thạch cho biết thêm.
Theo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, khi được triển khai, mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP sẽ áp dụng cho các nông hộ đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý chất thải. Địa điểm nuôi nằm trong vùng quy hoạch. Các hộ tham gia sẽ được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về VietGAP. Con giống được thả nuôi phải qua kiểm dịch, có kích cỡ đồng đều, tôm khỏe, sạch bệnh. Khi nuôi tôm, nông hộ tập trung sử dụng men vi sinh, các loại vitamin, kiểm soát tốt thức ăn, loại bỏ kháng sinh và hóa chất, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu tôm nuôi. Mô hình được triển khai thành công sẽ là tiền đề để thành phố nhân rộng, hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững... Theo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, thời gian tới sẽ chú trọng thực hiện quy hoạch đồng bộ các vùng nuôi tôm tại các xã Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, mở rộng diện tích nuôi để dễ dàng hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông thuận tiện cũng như quản lý dịch bệnh một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, chất lượng con giống sẽ được nâng cao cùng với kiểm soát điều kiện nuôi, áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả.
VIỆT QUANG