Áp thuế Artemia 3%: Người nuôi thủy sản thêm khó

NGUYỄN QUANG VIỆT 28/08/2016 08:17

Mức thuế 3% có hiệu lực từ ngày 13.8 đối với mặt hàng nhập khẩu Artemia - ấu trùng dùng làm thức ăn chính cho giống thủy sản của Bộ Tài chính khiến cho doanh nghiệp và người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp khó.

Ươm nuôi giống tôm thẻ chân trắng tại Quảng Nam. Ảnh: QUANG VIỆT
Ươm nuôi giống tôm thẻ chân trắng tại Quảng Nam. Ảnh: QUANG VIỆT

Tăng giá thành

Mỗi năm trại giống thủy sản của Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ (gọi tắt là Trại giống Tam Kỳ) cung ứng ra thị trường hàng trăm triệu con tôm giống và hàng chục vạn con cua giống sau khi được ương nuôi thành công. Để tạo được nguồn giống thủy sản đó, Trại giống Tam Kỳ phải bỏ ra cả tỷ đồng để mua Artemia về dùng làm thức ăn cho chúng. Theo kỹ sư Mạc Văn Thắng (cán bộ của Trại giống Tam Kỳ), thời gian gần đây, giá mặt hàng Artemia được nhập khẩu về và chế biến tại Cần Thơ tăng giá mạnh. Cụ thể, với 1 lon Artemia có trọng lượng 270g đã tăng thêm 100 nghìn đồng. “Đối với ương cua bột để làm giống, chúng tôi bắt buộc phải dùng Artemia chế biến tại Cần Thơ trong vòng 15 ngày đầu tiên, vì đó là quy trình kỹ thuật bắt buộc. Với việc tăng giá này thì giá thành ương nuôi cua bột cũng tăng lên. Vậy nên, chúng tôi cũng tăng giá bán cua giống” - ông Thắng nói. Còn đối với ương nuôi giống tôm thẻ chân trắng, Trại giống Tam Kỳ phải dùng hàng Artemia được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ. Ông Thắng cũng cho biết, giá của hàng hóa này cũng tăng từ 1 tháng nay. “Trong ương nuôi giống thủy sản thì mặt hàng Artemia không thể thay thế được vì chứa nhiều dinh dưỡng và là thức ăn chính cho giống thủy sản đang ương nuôi. Đây cũng là mặt hàng nhập khẩu bắt buộc vì trên địa bàn cả nước không có nguồn nguyên liệu. Với áp thuế 3% đối với Artemia nhập khẩu thì hàng hóa này sẽ tăng thêm giá” - ông Thắng nói.

Theo Bộ Tài chính, với quy định tại biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng Artemia nhập khẩu có mức là 5%. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp của các bộ, ngành, hiệp hội nuôi thủy sản, Bộ Tài chính thấy cần có mức thuế hợp lý để vừa khuyến khích, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển nên đã điều chỉnh thuế suất. Theo đó, với Thông tư số 98/2016/TT-BTC ban hành ngày 29.6.2016, mức thuế nhập khẩu trứng Artemia sẽ giảm từ 5% xuống 3%, có hiệu lực từ ngày 13.8.2016.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, chủ cơ sở ương nuôi tôm giống tại thôn Đông Tuần (xã Tam Hải, Núi Thành), gia đình cũng thường xuyên mua mặt hàng Artemia từ Bình Định về để làm thức ăn cho tôm giống đang ương nuôi. Giá mặt hàng này đã tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Ông Thành cho biết, mua lại hàng hóa này từ cơ sở cấp 2. Hiện tại, trên địa bàn cả nước chỉ có một vài công ty hay tập đoàn mạnh mới có thể trực tiếp nhập hàng Artemia từ Mỹ hay Thái Lan về Việt Nam để trực tiếp nuôi giống thủy sản. Trong khi đó, tại Quảng Nam, các doanh nghiệp của Nhà nước hay tư nhân đều mới chỉ ương nuôi giống thủy sản ở post nhỏ nâng lên post lớn rồi bán cho người nuôi thủy sản. Chính vì chỉ là trung gian ương giống thủy sản nên phải mua lại hàng Artemia với giá quá đắt là điều đương nhiên. “Khi Bộ Tài chính áp giá thuế 3% với mặt hàng nhập khẩu Artemia thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đóng thuế và sau đó chắc chắn sẽ nâng giá bán cho các đại lý cấp 2. Mình mua hàng từ đại lý cấp 2 nên nói nôm na là chính mình chịu đóng thuế chứ không phải doanh nghiệp nhập khẩu trước đó. Khi giá thành ương nuôi tôm giống tăng cao thì người nuôi tôm sẽ khó chấp nhận giá cao mình bán ra. Lỡ họ đặt hết hàng từ công ty lớn như C.P hay U.P thì mình sẽ sụp đỗ ngay” - ông Thành lo sợ.

Người nuôi gặp khó

Chúng tôi đến một số cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu thêm về phản ứng của người dân khi quyết định áp thuế hàng nhập khẩu Artemia có hiệu lực từ ngày 13.8. Ông Tô Đình (thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Thú thật là gia đình tôi cầm cự nuôi tôm thẻ chân trắng, mong đạt 1 hay 2 vụ chi đó để trả nợ rồi… giải nghệ chứ mệt mỏi với nghề này quá lắm rồi. Hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo, tôm thẻ chân trắng khó phát triển đã đành rồi còn thức ăn, vật tư nuôi thủy sản giả tràn lan, gây thêm khó khăn cho người nuôi. Chừ nghe đánh thuế thức ăn cho tôm giống nữa thì bó tay”. Ông Đình cho hay, thuế đánh vào đơn vị nhập khẩu sẽ khiến giá thành tôm giống lên cao là điều chắc chắn. Đại lý cấp 2 sẽ nhân cơ hội đó mà thêm một lần nữa nâng giá bán Artemia cho cơ sở ương nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đến lượt các cơ sở ương nuôi giống thủy sản tăng giá thì mình chỉ có nước điêu đứng. “Không ai có thể chắc chắn được sẽ không xảy ra tình trạng té nước theo mưa, tăng giá giống thủy sản chóng mặt. Rốt cuộc lại chỉ có người nuôi là chịu trận thôi. Mình mua chỗ nào cũng sẽ bị tăng giá thôi” - ông Đình thở dài.

Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cũng có chung tâm trạng với các hộ nuôi tôm ở các vùng triều ven sông. “Tôi quen nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với giá mua tôm giống là 100 đồng cho mỗi con ở post 14. Cứ mỗi mét vuông ao nuôi, gia đình thả nuôi 150 con. Như vậy với 10 nghìn mét vuông ao nuôi thì chỉ riêng tiền mua tôm giống đã ngốn hết 150 triệu đồng rồi. Chừ giá tôm giống tăng lên mà lỡ chất lượng không đảm bảo, vụ nuôi thất bát thì lâm nợ là cái chắc” - ông Lý Văn Thọ (thôn Phước An 2, xã Bình Hải, Thăng Bình) nói. Trao đổi với chúng tôi, các địa phương ven biển thừa nhận có tình trạng lo lắng, hoang mang của người nuôi thủy sản lẫn chủ cơ sở ương nuôi tôm giống đóng chân trên địa bàn. Tuy nhiên, sẽ khuyến cáo nông dân chủ động sản xuất. Đối với người nuôi thủy sản thì nên sáng suốt lựa chọn cơ sở cung ứng giống thủy sản đảm bảo chất lượng để nuôi thành công. Trong khi đó, các cơ sở ương nuôi tôm giống nên thận trọng lựa chọn đơn giá bán Artemia phù hợp để ương nuôi giống thủy sản đạt chất lượng, gián tiếp giúp người nuôi yên tâm sản xuất.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT