Xây dựng khu nuôi thủy sản tập trung ở Tam Tiến: Người dân vẫn chưa đồng thuận
Dù đã vận động và giải thích cặn kẽ nhưng trong lần đối thoại gần đây nhiều người dân thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến, Núi Thành) vẫn chưa đồng thuận với phương án triển khai xây dựng khu nuôi thủy sản tập trung ở địa phương.
Ngày 2.10.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3564/QĐ-UBND phê duyệt đầu tư công trình nuôi thủy sản tập trung đầu tiên của tỉnh, bố trí ở xã Tam Tiến (Núi Thành). Dự án có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư là 37,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của trung ương là 30 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của tỉnh đối ứng. Đây là dự án trọng điểm của ngành, áp dụng cho tôm thẻ chân trắng và các loài thủy sản khác. Tỉnh sẽ nhân rộng mô hình trên cơ sở vùng nuôi này được triển khai thành công. Dự án gồm 4 hạng mục có tính gắn kết chặt chẽ gồm hệ thống xử lý và cấp nước sạch; hạ tầng giao thông, điện; vùng nuôi tập trung và khu xử lý nước trước khi thải ra bên ngoài. Mục tiêu của dự án nhằm bước đầu hoàn thiện về cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, hướng tới sản xuất bền vững.
Khảo sát khu nuôi thủy sản tập trung ở thôn Diêm Trà (Tam Tiến). Ảnh: N.Q.V |
Ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đã làm việc với UBND huyện Núi Thành, xã Tam Tiến và người dân trong vùng dự án để tham vấn ý kiến, thống nhất đầu tư hợp lý các hạng mục. Theo đó, hệ thống xử lý và cấp nước sạch được bố trí ở thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến), có diện tích 8,7ha và được kéo bằng đường ống qua sông Trường Giang để cung cấp nước sạch cho nuôi thủy sản tập trung ở thôn Diêm Trà. Khu vực bố trí hệ thống cấp nước sạch nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh và được UBND xã Tam Tiến quản lý. Địa điểm này nằm sát bờ biển, xa khu dân cư, có thể đồng thời cung ứng nguồn nước sạch cho dự án nuôi thủy sản tập trung lẫn nhu cầu nuôi tôm ngoài vùng dự án ở thôn Long Thanh và vùng phụ cận. Đến tháng 2.2016, khi dự án bắt đầu được triển khai thì đông đảo người dân thôn Long Thạnh kéo đến cản trở vì cho rằng khi xây dựng hệ thống xử lý và cấp nước sạch thì đời sống của họ sẽ bị đảo lộn do nguồn nước xung quanh sẽ bị nhiễm mặn, rừng phòng hộ sẽ bị phá hủy và khu vực ven biển sẽ bị sạt lở. Dự án phải tạm dừng để chủ đầu tư trao đổi với người dân. Sau khi trao đổi, nhiều người dân thôn Long Thạnh đã không đồng thuận và 65 hộ dân trong số đó đã làm đơn khiếu nại đòi dừng hẳn dự án. Ngày 23.6, sau khi thống nhất với chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT tổ chức đối thoại với 65 hộ dân nhưng các hộ dân này lại không đến.
Xây dựng đài chứa nước thay bể chứa nước Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tam Tiến sẽ được điều chỉnh thiết kế các hạng mục cấp nước và thoát nước theo hướng không xây bể nước mà chuyển sang xây đài chứa nước với chiều cao, dung tích, kiểu dáng phù hợp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đồng thời phục vụ cấp nước ổn định cho 2 thôn Diêm Trà, Long Thạnh (xã Tam Tiến) và các khu lân cận khi cần thiết. Cạnh đó, thiết kế hệ thống đầu nối tập trung của các hồ nuôi về 2 hồ xử lý nước thải để tạo thuận lợi cho các chủ hồ trong quá trình nuôi tôm… |
Ngày 4.8, Sở NN&PTNT lại tổ chức gặp gỡ 65 hộ dân phản đối dự án để tiếp tục trao đổi. Một lần nữa, 58 trong số 65 hộ dân có mặt đều tiếp tục bày tỏ lo lắng về dự án này. Ông Phạm Ngọc Thành (thôn Long Thạnh) nói: “Tại sao khi tham vấn ý kiến trước đây, ngành chức năng không hỏi ý kiến ngư dân chúng tôi mà chỉ hỏi các hộ nuôi tôm. Tôi và các hộ có mặt ở đây không đồng tình triển khai dự án. Tất cả diện tích ở khu vực chúng tôi sinh sống chỉ có 20ha mà đầu tư 8,7ha thì làm sao chúng tôi chống đỡ được bão khi rừng phòng hộ sẽ bị đốn hạ. Khu vực này cũng sẽ thành rốn lũ nếu đào sâu xây khu xử lý nước”. Còn ông Võ Công Hòa thì nói: “Chúng tôi không nuôi tôm nên chúng tôi không hưởng lợi từ dự án mà ngược lại chỉ chịu hậu quả nặng nề do bão, lũ, nhiễm mặn nguồn nước. Người dân Diêm Trà hưởng lợi thì nên đầu tư hệ thống xử lý và cấp nước sạch bên đó cho hợp lý”. Ông Nguyễn Hồng Anh, đại diện cho Công ty CP Tư vấn Trường Sinh, đơn vị tư vấn cho dự án này, trao đổi: “Khu vực xử lý nước sạch, các bờ ngăn, mái đê, mặt đê và đáy đê đều được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép. Màng chống thấm HDPE có thời gian bảo hành 20 năm, đảm bảo chống xói lở cục bộ và không thẩm lậu nguồn nước nên bà con yên tâm không phải chịu hậu quả”.
Trước ý kiến của người dân thôn Long Thạnh về việc khó khăn đi lại khi xây dựng hệ thống cấp nước sạch, Sở NN&PTNT đã trình bày sẽ xây dựng thêm tuyến đường bê tông rộng 3m, dài 200m nối từ đường Thanh niên ra đến biển để người dân thuận tiện ra biển khai thác hải sản nhưng các hộ dân đồng loạt đứng dậy bỏ về. Buổi làm việc lại thất bại. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói: “Chúng tôi đã làm việc với người dân thôn Long Thạnh rất nhiều lần, giải thích cặn kẽ để họ hiểu xây dựng dự án không ảnh hưởng xấu đến đời sống của họ nhưng không ai nghe vận động vì họ cho rằng họ không hưởng lợi mà người dân Diêm Trà mới hưởng lợi. Địa phương xin nhận trách nhiệm từ thất bại của buổi làm việc hôm nay nhưng rất mong Sở NN&PTNT nới lỏng thời gian để địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân”. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi người dân Long Thạnh nhiều lần, giải thích cặn kẽ và chia sẻ tâm tư của họ. Chừ đang làm việc nhưng các hộ đường đột bỏ về là không chấp nhận được. Bây giờ chỉ có thể trình bày lại với UBND tỉnh để có quyết định cuối cùng”.
NGUYỄN QUANG VIỆT