Khi ngư dân "cầm đằng lưỡi"
Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là cú hích trong việc hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống. Việc tham gia của các ngân hàng ngoài mục đích giao dịch tín dụng thông thường thì còn có ý nghĩa như một cách để thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi ký kết, giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho ngư dân. Không thể phủ nhận, hiện có vài ngân hàng đã rất nhiệt tình tham gia nhưng nhìn chung việc triển khai nghị định này trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp ách tắc, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhiều ngân hàng không mặn mà, thậm chí gây thêm khó khăn cho ngư dân…
Được hứa hẹn ký kết, phải mất thời gian và công sức làm hồ sơ, rồi phải bán tàu để có vốn đối ứng, thậm chí phải tháo dỡ long cốt của con tàu đang đóng vì không được vay vốn như trường hợp của ngư dân Hội An… nhưng sau khi bị khước từ giải ngân, nhiều ngư dân chỉ biết than thở. Họ không biết phải dựa vào cái lý nào để bắt lỗi phía ngân hàng. Không có quy định nào để bắt buộc phía ngân hàng phải ký kết hợp đồng tín dụng khi hồ sơ đủ điều kiện nên việc giải ngân nguồn vốn tùy thuộc vào sự “nhiệt tình” của họ. Nhiều ngư dân cho biết, khi không muốn cho vay thì ngân hàng có hàng vạn lý do để từ chối hồ sơ. Trong khi đó, công tác thẩm định đối với dự án như khai thác hải sản xa bờ thì có rất nhiều điểm “mông lung”, khó khả thi nên càng là lý do chính đáng để phía ngân hàng từ chối. Còn nhớ, khi triển khai chính sách phát triển tàu xa bờ trước đây, trên địa bàn tỉnh có rất ít mô hình làm ăn hiệu quả sau khi vay vốn của Nhà nước thông qua ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu cũng chính từ lý do quá trình cho vay, quản lý nguồn vốn thiếu chặt chẽ. Với Nghị định 89, điểm yếu này sẽ được khắc phục khi nguồn vốn do phía ngân hàng tự chủ, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất vay nhưng cũng chính vì thế việc cho vay khắt khe hơn.
Ngân hàng có cái lý của mình, nhưng theo nhiều ngư dân họ chính là nạn nhân trong “cuộc chơi” của phía ngân hàng. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu ngân hàng không có chủ trương dành nguồn vốn để tham gia Nghị định 89 thì hứa hẹn với ngư dân làm gì để họ phải bán tàu, thất nghiệp và hồ sơ phải chịu một “vết mờ” sau quá trình thẩm định? Có phải đó là một kiểu hưởng ứng cho có với chính sách của Nhà nước nhưng khi thực hiện lại toan tính thiệt hơn? Bởi theo ngư dân, nếu ngân hàng thật tâm cho vay thì không thể có cái kiểu từ chối hàng loạt hồ sơ với lý do không đáp ứng yêu cầu, trong khi bộ hồ sơ đó lại được một ngân hàng khác giải ngân.
Ngư dân buộc phải ở cái thế “cầm đằng lưỡi” với ngân hàng khi vay vốn theo Nghị định 89 nên chỉ biết trách móc khi hồ sơ bị từ chối.
MINH ĐỨC